Một con rắn bạch tạng màu trắng quý hiếm đã được phát hiện ở quận Chamba, bang Himachal Pradesh, Ấn Độ sau trận mưa lớn.
Việc con rắn xuất hiện đã khiến người dân địa phương tò mò và sợ hãi. Ngay sau đó, họ đã quay lại clip về con rắn và đăng tải lên mạng xã hội.
Trong clip, con rắn dài 1,5 mét có màu trắng đặc trưng được phát hiện đang bò trên mặt đất rồi tiến về phía cành cây đổ. Ngay sau khi clip lan truyền, người dùng mạng xã hội đã vô cùng kinh ngạc khi nhìn thấy con rắn quý hiếm này.
Trước đó, một con rắn hổ mang bạch tạng quý hiếm dài 1,5 mét cũng đã được giải cứu tại Coimbatore sau khi nó xâm nhập vào khu dân cư Podanur. Các thành viên của Quỹ Bảo tồn Động vật hoang dã và Thiên nhiên đã đến địa điểm để giải cứu con rắn và giao nó cho Văn phòng Quản lý Rừng của Sở Lâm nghiệp Coimbatore. Sau đó, nó được thả vào khu rừng bảo tồn ở Anaikatti để duy trì sự đa dạng sinh học phong phú và sự cân bằng trong hệ sinh thái.
Rắn bạch tạng là gì?
Rắn bạch tạng là một loại rắn được sinh ra với một bất thường về mặt di truyền được gọi là bệnh bạch tạng, là tình trạng thiếu sắc tố ở cơ thể và mắt. Điều này dẫn đến việc rắn có màu trắng hoặc có thể thiếu một màu sắc đặc trưng nào đó. Bệnh bạch tạng cũng thường khiến mắt rắn có màu đỏ và có thể làm giảm thị lực của rắn.
Hải Vân (T/h)