Triển khai toàn diện các mặt công tác
Sáng 17/8, Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk. Chủ trì buổi làm việc có Luật gia Trần Đức Long – Uỷ viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam và ông Phạm Minh Tấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk.
Tham dự buổi làm việc còn có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh uỷ, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, đại diện lãnh đạo Văn phòng Tỉnh uỷ, Văn phòng UBND tỉnh, Ban Pháp chế HĐND tỉnh, đại diện lãnh đạo VKSND, TAND tỉnh, đại diện lãnh đạo các Sở Nội vụ, Tư pháp, Tài chính và Hội Luật gia tỉnh Đắk Lắk.
Phát biểu quán triệt nội dung làm việc, Luật gia Trần Đức Long cho biết: Thực hiện nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao, trong thời gian vừa qua, Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức nhiều đoàn công tác đến làm việc với Thường trực các tỉnh, thành uỷ và các bộ ngành. Qua buổi làm việc hôm nay, Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam cùng với Tỉnh ủy Đắk Lắk sẽ cùng nghe báo cáo và đánh giá công tác tổ chức và tình hình thực hiện nhiệm vụ của Hội Luật gia tỉnh trong thời gian vừa qua và nhìn nhận về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 01/7/2022 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Mặt khác, qua buổi làm việc cũng nhằm chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, tồn tại và nguyên nhân để rút ra bài học kinh nghiệm để đề ra phương hướng, nhiệm vụ của Hội Luật gia tỉnh trong thời gian tới để Chỉ thị 14, các văn bản của Chính phủ, Quốc hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác của Hội Luật gia thực sự đi vào cuộc sống. Từ đó, khẳng định vị trí, vai trò của Hội là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp nhằm đem lại hiệu quả thiết thực phục vụ nhiệm vụ chính trị, góp phần đảm bảo an ninh chính trị tại địa phương và góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Long, Phó Trưởng ban Nội chính Tỉnh uỷ đã trình bày báo cáo đánh giá tình hình tổ chức, hoạt động và kết quả công tác của Hội Luật gia tỉnh Đắk Lắk trong thời gian qua.
Theo báo cáo, công tác triển khai phổ biến, quán triệt và tuyên truyền Chỉ thị 14-CT/TW và Kế hoạch số 105-KH/TU ngày 29/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk về “thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới” đã được các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở quan tâm chỉ đạo sâu sát, nghiêm túc, đảm bảo tiến độ, chất lượng đề ra. Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biển mạnh mẽ về nhận thức cũng như trách nhiệm của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, trách nhiệm của Hội Luật gia trong tình hình mới.
Trong thời gian qua, hoạt động của Hội Luật gia tỉnh Đắk Lắk triển khai tương đối toàn diện các mặt công tác. Bên cạnh đó, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Hội Luật gia tỉnh Đắk Lắk thông qua các cương vị, nhiệm vụ công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể, hoạt động nghề nghiệp của mình luôn chú trọng lồng ghép, phát huy vị trí, vai trò của Hội Luật gia và các hội viên... Những kết quả đó đã góp phần thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh tại địa phương.
Cũng theo báo cáo của Tỉnh ủy Đắk Lắk, Hội Luật gia được xác định là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp đặc thù. Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, các Hội Luật gia cấp huyện trên địa bàn tỉnh được thành lập sau ngày Nghị định số 45/2010/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì không phải là hội đặc thù. Điều này dẫn đến tình trạng không thống nhất trong mô hình hoạt động hội hầu hết các hội cấp huyện không được hỗ trợ về kinh phí, chưa có trụ sở làm việc, không được bố trí cán bộ chuyên trách. Từ đó, đã ảnh hưởng và hạn chế nhiều đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác hội tại cơ sở.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số vướng mắc trong việc phê duyệt và cấp kinh phí hoạt động từ nguồn ngân sách hỗ trợ để thực hiện các nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao. Một số cấp ủy, chính quyền, nhất là ở cấp huyện, cấp xã chưa quan tâm, hỗ trợ dúng mức đối với tổ chức và hoạt động của Hội Luật gia...
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác của Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai và thực hiện nhiệm vụ của Hội Luật gia tỉnh Đắk Lắk trong thời gian vừa qua và gợi mở một số giải pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác của Hội. Trong đó, nhấn mạnh về các nội dung liên quan đến công tác nhân sự, công tác tổ chức hội và hội viên, nguồn tài chính phục vụ công tác Hội.
Luật gia Dương Đình Khuyến, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Hội Luật gia Việt Nam đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung của báo cáo và cho rằng, bên cạnh những khó khăn thì hoạt động của Hội Luật gia tỉnh Đắk Lắk đang ngày càng khởi sắc. Để làm tốt công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, Trung tâm tư vấn pháp luật của Hội cần phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước để thực hiện công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý. Đồng thời, Hội Luật gia tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với đoàn đại biểu Quốc hội để làm tốt công tác tham gia góp ý xây dựng các văn bản pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật của địa phương đạt hiểu quả cao.
Luật gia Lê Xuân Thân, Ủy viên Thường vụ Trung ương Hội, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Khánh Hòa, Đại biểu Quốc hội khóa XV, thành viên đoàn công tác nhấn mạnh, một trong những thế mạnh của Hội Luật gia là tuyên truyền và phổ biến, giáo dục pháp luật. Do đó, trong thời gian tới Hội Luật gia tỉnh cần đẩy mạnh hoạt động này với hình thức và nội dung phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương để đưa pháp luật vào cuộc sống, nhằm góp phần giảm tải những áp lực trong công tác quản lý của chính quyền.
Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đắk Lắk cho biết, công tác của Hội Luật gia rất được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành. Tuy nhiên, hiện nay, Hội Luật gia tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề kinh phí và con người.
“Hội không có kinh phí cũng như cán bộ chuyên trách. Trong khi đó, đối với các cán bộ kiêm nhiệm như chỉ có thể phụ giúp thêm, hỗ trợ phối hợp với nhau trong thực hiện các nhiệm vụ công tác Hội. Hiện nay, Hội Luật gia tỉnh đã xin ý kiến của Thường vụ Tỉnh ủy và Tỉnh ủy đã có các văn bản chỉ đạo UBND tỉnh để kiện toàn công tác nhân sự của tỉnh Hội. Tuy nhiên, trong thực tiễn, cần có lãnh đạo Hội chuyên trách để đảm bảo các hoạt động thường xuyên ở Tỉnh hội. Ngoài ra, do không có kinh phí nên công tác phát triển hội viên chỉ thực hiện được ở các cơ quan bảo vệ pháp luật và các cơ quan tư pháp, còn các lĩnh vực khác không có...”, ông Quang lý giải.
Gợi mở nhiều hoạt động thiết thực
Sau khi lắng nghe các ý kiến của các đại biểu, Luật gia Trần Đức Long đã gợi ý một số nhiệm vụ để Hội Luật gia tỉnh Đắk Lắk xem xét thu hút cán bộ hội viên đăng ký thực hiện nhiệm vụ phù hợp để đề xuất với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, các ngành chức năng hỗ trợ cấp kinh phí trong hoạt động như: Tham gia các phiên tòa hành chính với tư cách đại diện cho Chủ tịch UBND tỉnh; đăng ký thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật vấn phù hợp với địa bàn của tỉnh, nhất là về vấn đề dân tộc, tôn giáo; thực hiện tuyên truyền phổ biến đường lối chính sách của Đảng, đặc biệt là pháp luật để người dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, tránh tình trạng gây mất an ninh trật tự trên địa bàn...
Kết thúc buổi làm việc, ông Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk đánh giá cao kết quả buổi làm việc giữa Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam và Thường trực Tỉnh ủy. “Các ý kiến phát biểu của các đồng chí trong đoàn công tác rất chân thực, chân tình đã chia sẻ cách làm, những kinh nghiệm trong hoạt động của Hội Luật gia. Các ý kiến của các đồng chí rất bổ ích cho công tác hoạt động của Hội Luật gia tỉnh Đắk Lắk nói riêng và sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh Đắk Lắk nói chung trong công tác phát triển của Hội Luật gia” – ông Tấn khẳng định.
Để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 14 của Bộ Chính trị và các văn bản của Trung ương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk yêu cầu, các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp thu các ý kiến của đoàn công tác, quan tâm, hỗ trợ cho sự phát triển của Hội Luật gia trong tình hình mới, tạo điều kiện cho các hoạt động của Hội.
Đồng thời, đề nghị Hội Luật gia tỉnh phát huy các kết quả đạt được để tiếp tục thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của Hội. Trong đó, thường xuyên quan tâm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hội viên về tiêu chuẩn chính trị đạo đức, năng lực công tác chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội hướng về cơ sở.
Ông Phạm Minh Tấn cũng đồng ý với các ý kiến đề xuất về việc bố trí cán bộ chuyên trách cho Hội Luật gia tỉnh để đảm bảo các hoạt động của Hội. Đồng thời, yêu cầu Hội Luật gia tỉnh báo cáo cụ thể về nhân sự với Tỉnh ủy, các đơn vị thông qua các cơ quan nội chính để thực hiện công tác nhân sự tiến tới Đại hội Hội Luật gia tỉnh trong năm 2023.
Khánh Ngọc