Theo dự thảo nghị định này, hành vi làm giả hoặc sử dụng giấy tờ giả để làm thủ tục đăng ký khai sinh…, sẽ bị phạt đến 1 triệu đồng.
Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp có nêu: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người có trách nhiệm đi đăng ký khai sinh cho trẻ em mà không thực hiện việc đăng ký trong thời hạn do pháp luật quy định.
Điều 14 Nghị định 158/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 về đăng quản lý hộ tịch quy định: ‘Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày sinh con, cha, mẹ có trách nhiệm đi khai sinh cho con; nếu cha, mẹ không thể đi khai sinh, thì ông, bà hoặc những người thân thích khác đi khai sinh cho trẻ em’.
Mẫu giấy khai sinh bản sao
Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Cố tình làm chứng sai sự thật trong đăng ký khai sinh đối với trường hợp pháp luật quy định phải làm chứng; người đi khai sinh cố tình khai không đúng sự thật về việc sinh; tự ý sửa chữa, tẩy xóa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung giấy tờ để làm thủ tục đăng ký khai sinh.
Mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Làm giả hoặc sử dụng giấy tờ giả để làm thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai sinh quá hạn, đăng ký lại việc sinh; thực hiện hành vi gian dối khác để được đăng ký khai sinh, đăng ký khai sinh quá hạn, đăng ký lại việc sinh; làm giả hoặc mượn giấy khai sinh của người khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Ngoài mức phạt tiền nói trên, người có hành vi vi phạm các quy định trên còn bị áp dụng hình phạt bổ sung như sau: Tịch thu giấy tờ đã bị sửa chữa, tẩy xóa, bị làm sai lệch nội dung hoặc giấy tờ giả mạo. Đồng thời, người có hành vi vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là: Đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ giấy khai sinh đã cấp và buộc đăng ký khai sinh theo đúng quy định của pháp luật.
Hữu Thực