Ẩn mình dưới chân những tòa nhà cao tầng, đằng sau nhiều khu đô thị sang trọng với ánh đèn màu rực rỡ là những căn nhà không thể gọi là nhà. Nơi đó là chốn cư ngụ của hàng trăm cảnh đời khác nhau, mỗi người một số phận, nhưng họ đều chung cảnh tha hương cầu thực, bị gánh nặng cơm áo đeo bám.
Những ngôi nhà ở xóm Bè ven Sông Hồng
Qua con phố nhỏ An Xá nằm cạnh chợ hoa quả Long Biên, chúng tôi đến xóm Bè ở bãi bồi ven sông Hồng. Tiếp chuyện với chúng tôi, bà Trần Thị Thắm (73 tuổi) quê gốc ở Phúc Thời (Hưng Yên) kể lại, bà đến xóm Bè ở từ năm 1972.
Trước đo, người con trai nghiện ngập, bán nhà, bán đất mua ma túy rồi chết yểu. Đứa con dâu đi bước nữa, một thân một mình bà phiêu bạt đến đây. Ngày ngày, bà lang thang khắp các con phố, nhặt rác kiếm từng đồng gửi về quê nuôi đứa cháu nội đang ở nhờ nhà người thân… Chưa kịp nói hết câu, bà đã chào chúng tôi, tay cầm chiếc bao tải, xắn ống quần, ngật ngưỡng lội qua làn nước đen ngòm đi lên bờ.
Tìm sang một con thuyền khác, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh người phụ nữ với bàn tay phải thiếu ngón đang tắm cho con. Sau một hồi hỏi han, chị tâm sự: “Nước sạch ở đây vô cùng khan hiếm nên sử dụng vào bất cứ việc gì cũng phải rất tiết kiệm.
Nước ăn của mỗi gia đình phải mua từ trên bờ với giá 2.000 đồng/gánh, bình quân mỗi gia đình dùng hạn chết lắm cũng phải hết 4-5 gánh mỗi ngày. Nước tắm giặt chỉ dám lấy từ dưới sông, rồi dùng phèn tẩy. Nước sông nhìn thế kia nhưng phục vụ sinh hoạt của hàng chục người dân nơi đây đấy…”.
Nói đoạn chị chỉ xuống dòng nước đen ngòm, than thở “Nếu 3 ngày trước các em xuống đây có lẽ sẽ không thể ngồi lại vì mùi hôi nồng nặc, bẩn thỉu”. Chỉ tay về phía những đống rác cao ngất, trôi nổi thành từng mảng trên sông, chị giải thích:
“Rác ấy là do những người sống ở trên bờ họ vứt xuống. Hàng tuần các chị em ở dưới này tập trung dọn dẹp, song mỗi lần có cơn gió đám rác rưởi, nilông lại bay xuống vây kín khu nhà nổi”. Chia tay chúng tôi vẫn chưa biết tên chị, chỉ biết rằng người pụ nữ khắc khổ ấy quê ở Yên Bái, lấy chồng từ năm 19 tuổi và đến nay chị đã có 5 con.
Được biết, công việc chính của những người phụ nữ ở đây là nhặt phế liệu hoặc trồng rau, những người đàn ông có sức vóc hơn thường đánh cá đem lên cạn bán hoặc làm nghề bốc vác phu phen ở chợ Long Biên.
Nơi xóm nghèo này, hiếm hoi lắm mới có một vài đứa trẻ được đến trường. Niềm vui con chữ chỉ được an ủi khi mỗi tối cuối tuần được gặp các bạn tình nguyện viên trong nhóm School on the boat vẫn đến những ngôi nhà ven sông để dạy kiến thức cho các em.
Đến xóm Bè vào buổi chiều muộn nên chúng tôi có cơ hội tận mắt chứng kiến cảnh bếp núc cuối ngày của những người dân nơi đây.
Thực phẩm hàng ngày cũng chỉ đơn giản chỉ là chút rau và ít thức ăn mặn. Bữa ăn tối diễn ra dưới ánh đèn dầu leo lắt bởi không phải gia đình nào cũng có thể mắc điện với mức giá cắt cổ 5.000 đồng/số. Cuộc sống xóm Bè chủ yếu nhờ vào ánh đèn đường trên cầu Long Biên hắt xuống.
Tạm biệt xóm bờ sông, điều khắc sâu vào trí nhớ của tôi là bức tranh về một làng chài với gam màu buồn nhưng luôn yên bình và ẩn chứa một tình người nồng hậu.
Cả xóm mắc bệnh Bà Nguyễn Thị Nga sinh năm 1949, quê ở Đông Hưng, Thái Bình đến xóm Bè sống được 5 năm tâm sự: “ở cái xóm nhỏ này không có chị em nào là không có bệnh cả, nhẹ thì ho hen, đau đầu, đau bụng, nặng thì thấp khớp, mẩn ngứa quanh năm. Theo quan sát, phụ nữ nơi đây có một điểm chung là hầu hết đều hút thuốc lá. Nhìn những hành động thuần thục từ rút thuốc trong đến châm lửa, nhả khói ít ai biết rằng sau làn khói lan tỏa vào hư vô ấy là nỗi niềm bế tắc của những con người nơi đây, cuộc sống mà họ nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ đi lên được từ những bãi sình lầy. |
Trần Yến