Nước mắt người mẹ già
Cụ Nguyễn Thị Hòa (94 tuổi) ở đội 11 Nam Lâm, xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu (Nghệ An) tuổi cao sức yếu nhưng vẫn phải gồng gánh nuôi đứa con gái bị tâm thần. Con gái cụ Hòa tên là Phượng bị thần kinh do bị đẻ rơi. Lúc ấy, đầu bà Phượng rơi xuống đất nên càng lớn lên càng khác người bình thường.
Cụ Hòa đã 94 tuổi nhưng vẫn luôn đau đáu cho tương lai đứa con bất hạnh
Ngay từ đầu cụ Hòa đã nhận ra điều đó nhưng hoàn cảnh khó khăn nên đành nuốt nước mắt nhìn đứa con gái tội nghiệp. Từ đó đến nay đã 58 năm trôi qua nhưng bà Phượng cứ như đứa trẻ lên ba. Có lúc bà Phượng nhận thức được, lúc lại không biết gì, cười nói không kiểm soát được. “Chuyện nó bị ngất như cơm bữa. Nó ngã nhào ra đất, một lúc sau lại đứng lên như không có chuyện gì xảy ra. Tui già cả thế này rồi có theo nó được nữa đâu”, cụ Hòa nhìn đứa con bất hạnh nói.
Hiện nay, cụ Hòa và đứa con sống trong căn nhà chưa đầy 15m2 với mùi ẩm mốc, tối tăm. Trong nhà chỉ có chiếc giường cũ để mẹ con nằm ngủ, chiếc ghế gỗ tự đóng để tiếp khách. Tấm gỗ đặt ở góc nhà làm nơi đặt những vật cần thiết và phía trên cao là tấm gỗ nhỏ làm nơi hương khói cho người thân. Cụ Hòa mắt đã bị mù. Khi nghe thấy khách bước vào nhà, cụ ngồi dậy và dùng tay sờ sờ cốc nước để rót mời khách. Đó dường như là một thói quen hằng ngày của cụ nên cụ sờ chỗ đặt ấm nước rất đúng mà không mất nhiều thời gian. Đôi mắt cụ sâu hoắm trên khuôn mặt gầy gò. Cụ Hòa bắt đầu câu chuyện của mình với những tiếng khó nhọc: “Từ trước đến nay, có lẽ chưa có ai ở đây khổ bằng tôi. Một thân một mình nuôi các con. Thế nhưng trời không thương tôi. Đứa lành lặn thì bị ung thư mới qua đời. Đứa còn sống thì lại ngây dại thế này. Thử hỏi cái thân già này sao mà không đau cho được”.
Ông bà sinh được ba người con, hai gái và một trai, đặt tên là Cương, Phượng và Quý. Một cô con gái thì đi lấy chồng xa nên cũng chẳng nhờ được gì. Người con trai duy nhất để nối dõi tông đường thì đã mất vì căn bệnh ung thư quái ác, còn lại bà Phượng thị lại bị thần kinh bẩm sinh hằng ngày chỉ biết ngơ ngơ, ngẩn ngẩn. Ai sai gì thì bà làm nấy, nhiều hôm bà bị co giật rồi ngã lăn đùng xuống đất không ai hay.
“Bữa cơm hằng ngày của hai mẹ con là con tui nấu. Thế nhưng hôm thì sống, hôm thì khê. Cá kho nhiều hôm bị cháy hết do nó đặt nồi lên rồi bỏ đi chơi, nhưng đành có gì ăn nấy thôi. Tôi mù lòa thế này có đi được đâu” cụ Hòa nói. Bà Phượng ngơ ngẩn nên cũng không biết đi chợ mua bán vì thế đều nhờ vào hàng xóm mua cho. Cách đây ít năm cụ vẫn cố gắng dậy nấu cơm cho con. Đôi tay cụ dù yếu nhưng vẫn nhặt được củi ở trên đồi về nấu. Nhưng giờ đây cụ không làm được nữa.
Đau đáu lo cho đứa con bất hạnh
Bà Phượng đã lớn tuổi nhưng tính cách thì như trẻ lên ba nên cụ vẫn phải coi chừng. Cứ nằm một lát là cụ lại cố gọi từng tiếng thật to xem đứa con của mình có còn ở nhà không. “Nó bị như vậy nên tôi sợ nó đi ra ngoài một mình lắm, thà ngồi trong nhà chật chội tý còn hơn để nó đi lơ ngơ giữ đường” cụ chia sẻ. Ngày trước cụ còn khỏe cũng cố gắng sinh hoạt tằn tiện để dành dụm đưa con đi bệnh viện chữa trị nhưng bệnh tình vẫn không khỏi.
Cuộc sống hằng ngày của hai mẹ con cụ đều trông vào vài trăm nghìn tiền trợ cấp. Gạo ăn hằng ngày đều phải đi mua, thỉnh thoảng họ hàng cho vài cân để hai mẹ con ăn qua ngày. Mấy ngày nay cụ bị ốm nhưng cơm nước không ai lo vì bà Phượng vẫn mải đi chơi. Cũng may nhờ những người hàng xóm tốt bụng thương tình nên chia sẻ cho cụ bát cơm, bát cháo để hai mẹ con ăn. Họ cũng qua lại động viên thăm hỏi.
Biết chúng tôi tới thăm, bà hàng xóm thân tình cũng qua góp chuyện. “Khổ quá cô ạ, cụ sức khỏe yếu nên giờ không biết sống chết lúc nào. Cụ nằm đấy nhưng vẫn ngay ngáy nỗi lo cho đứa con của mình. Cuộc đời của cụ chưa lúc nào được sung sướng, ai ở đây cũng thương cụ. Nhiều hôm cụ khát nước mà tìm không ra, cố gọi đứa con nhưng chẳng ai đáp lời, đành chịu khó nằm nuốt nước miếng để đợi con về hay có ai đi qua rồi nhờ họ. Trách con sao được, bà Phượng có phải như người bình thường đâu. Thậm chí bà còn khiến cụ Hòa lo lắng.
Cu Hòa vẫn nằm đấy với đôi mắt buồn, những giọt nước chảy dài trên đôi gò má gầy hốc. Cụ nói trong những giọt nước mắt nghẹn đắng: “Cuộc đời tôi sống trong bể khổ lâu rồi cũng quen. Giờ tôi chỉ mong mọi người hãy thương cho đứa con tội nghiệp này khi tôi lỡ chết đi”, câu nói của cụ bị chặn lại vì những tiếng ho khó nhọc.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Cụ Nguyễn Thị Hòa, đội 11 Nam Lâm, xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu (Nghệ An). Quý vị cũng có thể gửi tới tòa soạn Báo Đời sống & Pháp luật tòa nhà A6, khu đô thị Nam Trung Yên, đường Phạm Hùng, Quận Cầu Giấy, Hà Nội. SĐT: 0462810837 hoặc số điện thoại đường dây nóng của chuyên mục Ước mơ thành sự thật: 0978080388. |
Kim Long - Hà Hằng