Người xem không khỏi giật mình thương cảm khi đằng sau những vật dụng đó là rất nhiều mảnh đời cay đắng của chị em, ngày ngày phải oằn lưng dưới thói vũ phu của người chồng.
"Hung khí" tố cáo "tội" chồng
Triển lãm tên gọi "Hành trình tìm lại" với nội dung về “Phòng chống bạo lực gia đình” được Trung tâm Nghiên cứu - ứng dụng khoa học về Giới, Gia đình phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) phối hợp với Đại sứ quán Canada tổ chức tại hai xã Canh Nậu và Dị Nậu (Thạch Thất, Hà Nội). Triển lãm là bức tranh thu nhỏ phản ánh chân thực về nạn bạo hành đang diễn ra phổ biến trong xã hội hiện nay. Những vật dụng gồm chiếc điếu cày, bát vỡ, nồi cơm điện méo, xe đạp cũ, dây xích chó... được đem đến "trưng bày" tại đình Canh Nậu là minh chứng hùng hồn tố cáo tội hành hạ vợ của những đức ông chồng.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Nguyệt, chủ tịch Hội LHPN xã Dị Nậu cho biết, mỗi vật dụng ở đây tương ứng với một câu chuyện nhói lòng của chị em. Chiếc ấm méo mó này là vật chứng của vụ bạo lực tại gia đình chị Nguyễn Thị L (48 tuổi ở cụm Đoàn Kết, xã Dị Nậu).
"Chuyện xảy ra cách đây cũng gần 20 năm rồi. Hồi đó con chị L còn nhỏ, ở nhà với gia đình. Trời rét, cháu đi vệ sinh nhưng nhà hết nước nóng. Chị L vội đi đun nước để rửa cho cháu. Thấy con đứng ngoài sân lạnh, chị L lại đang lúi húi trong bếp không để ý, chồng chị quát mắng tùm lum rồi phi luôn chiếc điếu cày đang cầm trên tay về phía chị. Cũng may chị tránh được, chiếc điếu cày bay thẳng vào ấm nước làm nước sôi bắn tung tóe vào chân tay chị. Chiếc ấm méo mó... Sau bữa đó, chồng chị L thường xuyên thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ. Chỉ cần anh ta không vừa ý chuyện gì là sẵn sàng lôi vợ ra trút giận, chửi mắng, đánh đập thậm tệ”, chị Nguyệt kể lại.
Khu vực “Đắng lòng xem “triển lãm vũ khí” hành hạ vợ
Cũng giống như hoàn cảnh của chị LC, chị Hoàng Thị H (xã Canh Nậu) cũng liên tục bị những trận đòn oằn lưng từ người chồng vũ phu. Chị H vốn là giáo viên mầm non, quê ở Phú Thọ nhưng vì "thuyền theo lái, gái theo chồng" nên chị phải bỏ nghề về quê chồng sinh sống. Chồng chị làm mộc, thường xuyên chửi mắng vợ vô cớ rồi "ra tay" đánh đập không thương tiếc. Trong nhà sẵn đồ mộc, anh ta dùng ghế, gậy gỗ lim phang thẳng vào mặt, vào lưng chị. "Đơn thương độc mã" trong nhà nên nhiều lúc chị bị chồng đánh đến ngất lên ngất xuống. Ngày này qua ngày khác, chị chỉ biết cắn răng chịu đựng đau đớn về thể xác cũng như sự hành hạ về tinh thần của ông chồng vũ phu.
Còn rất nhiều "góc khuất" cay đắng
Tại buổi triển lãm, bên cạnh chiếc ghế, cây gậy gỗ và các hung khí còn có hai câu thơ do chính chị H đau đớn viết ra: "Lời anh khi nghiến, khi đay / Còn chua hơn khế, còn cay hơn gừng". Sau này, chị H cũng nhiều lần hát ru con bằng câu thơ này.
Cũng theo lời kể của chị Nguyệt, chiếc xích chó được trưng bày tại triển lãm chính là vật dụng mà chồng chị T dùng để... xích cổ vợ mỗi khi lên cơn ghen tuông mù quáng. Chẳng cần biết lý do, đúng sai, cứ hứng lên là đánh. Đến mức không thể chịu đựng được nữa, chị T định làm đơn ly hôn thì gã chồng đã lôi chị ra nện cho một trận thừa sống thiếu chết. Gã còn nhẫn tâm dùng dây xích chó xích chị lại nhốt trên gác 2 và bỏ đi. Sang ngày thứ 3, chị T mới được mọi người phát hiện và cứu thoát.
Theo đại diện của CSAGA, nhiều chị em không chỉ bị đánh đập về thể xác mà còn bị chồng hành hạ về tình dục. Đó là những nỗi đau sâu kín mà không phải ai cũng dám chia sẻ. Nhiều chị em bị chồng đòi quan hệ tình dục bất cứ lúc nào anh ta muốn, dù trong lúc đau yếu hay "đèn đỏ". Những vật dụng, câu chuyện được triển lãm tại đây chỉ là số ít trong vô vàn những cảnh đời cay đắng ngoài xã hội hiện nay.
Theo thống kê của CSAGA, trên thế giới, chỉ trong thời gian uống một tách trà, đã có một phụ nữ bị sát hại vì bạo lực gia đình. Tại Việt Nam, cứ 2 - 3 ngày lại có một phụ nữ bị chồng hoặc bạn tình đánh chết. Bên cạnh đó, 58% phụ nữ Việt Nam phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực (thể chất, tinh thần, tình dục) trong đời.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt, chủ tịch Hội LHPN xã Dị Nậu cho biết, hiện hơn 70% số chị em trong xã đang bị bạo lực gia đình. Tuy nhiên, do nhận thức còn hạn chế, không muốn "vạch áo cho người xem lưng" nên đa số người dân vẫn coi đó là chuyện riêng trong nhà. Chính quyền xã cũng chỉ nhắc nhở những vụ gây ầm ĩ hoặc mất trật tự công cộng. “Chính vì tư tưởng cố hữu này mà chị em luôn cảm thấy cô độc, không được bảo vệ”, chị Nguyệt cho biết.
Không còn là... chuyện riêng "Những câu chuyện được đưa đến cuộc triển lãm là những ghi nhận của chúng tôi trong quá trình tổ chức tập huấn cho nạn nhân và cán bộ xã hội. Những vật dụng được trưng bày lại là những đồ dùng gia đình vô cùng gần gũi và thân thiết - những thứ vốn để tạo nên tổ ấm, hạnh phúc gia đình. Chính sự tréo ngoe này làm cho triển lãm tác động một cách trực diện tới người tham dự và gây nhiều cảm xúc. Khi xem triển lãm, người ta hiểu rằng, hành vi vũ phu không thể che giấu ở trong xó bếp được, bạo lực gia đình vì thế không phải là chuyện riêng của bất cứ ai". (Thạc sĩ Nguyễn Thị Vân Anh, chủ tịch Hội đồng sáng lập, kiêm giám đốc điều hành tổ chức CSAGA) |
Anh Đức