Đúng rồi, tháng tư đã đến!
Cứ độ này, bà tôi lại cố đi lên bên mạn nhà bác lang Lương. Hữu tình là thăm một người bà con xa. Hay vô tình là đúng dịp hoa nở. Nhưng chắc rằng lúc về cũng mang theo một bó hoa huệ tây. Bó hoa màu trắng ngà, hương hoa thoảng thoảng sáng bừng trên các lộc bình men xanh ở trên bàn thờ quanh năm trầm sắc, đỏ với đen. Có di ảnh một người thanh niên tuổi độ đôi mươi.
Bà vẫn chiết cái khăn nhung đen đã sờn bạc, tay tỉ mẩn têm trầu. Trầu cánh phượng, có thêm chút quế thơm ấm cả tỳ vị, bà cũng không quên pha trà hoa sói cất kĩ từ độ Tết nguyên tiêu.
Những dịp như thế, tôi cố đứng từ hiên nhìn vào, tôi không dám làm kinh động, tôi biết bà nhớ em trai bà tôi.
Chứ tôi biết tháng ba đã đến. Mùa xuân chín rục, như cúc áo thiếu nữ tuổi độ mười lăm, chỉ chừng được có dịp được bung ra lồ lộ cùng thiên nhiên hơi phồn thực nhưng cũng đầy kiêu hãnh. Rét nàng Bân vừa dứt, ai ai mới vừa cất chiếc chăn bông vào rương trong buồng. Nhưng sáng sớm động hơi sương bưng bưng, nghe đâu giá rét mướt còn vương vấn.
Tháng ba đã Hạ mà chưa hết Xuân, vẫn dan díu một chút với chàng Xuân, như tình nồng chưa đoạn. Tháng ba như bà Phán đã định duyên, gái một con chính chuyên, nhưng không quên liếc mắt đưa nhìn chàng khóa Xuân ở chợ phiên, vẫn nhớ thở duyên thanh mai trúc mã.
Ảnh minh họa
Tháng ba chân ruộng còn ướt át, đôi ba cây hoa bợ nở xanh xanh nơi bờ ruộng. Lúa đang thời con gái lả lơi cùng gió reo vui. Đêm chớp bể, có lẽ mưa nguồn. Đêm vụng trộm một tiếng sấm. Lúa chửa hoang. Ruộng nhẹ bung hương đằng đằng.
Bữa nọ sông Chu còn cạn kiệt, mưa xuân tơi nhẹ góp nước cả ba miền tam du. Nước đã nhảy nhót, nhưng vẫn còn trong xanh. Tháng ba đến, một vài xác hoa đào, hoa mai có lẽ là đầu nguồn Nậm San hay chi lưu sông Mã, theo con nước tiến về bể Đông. Nhưng tháng ba cũng chưa có một màu nước hoa mơ của lũ tiểu mãn, có lẽ phải là của những ngày giữa tháng tư.
Bà tôi vẫn nói rằng, thuở em trai bà tôi còn sinh thời, người vốn thích hoa huệ tây lắm. Hoa huệ tây vốn cũng trắng như ý lan trồng trong chậu, ấy mà được thêm cái sắc như ngọc, khi bung ra như ngà, lại vương vấn chút hương, ai người Nho học, Tây học vốn yêu hoa chuộng cảnh, lại không xiêu lòng. Mỗi năm cũng có độ tháng tư tây, mới có dịp thưởng hoa. Nhưng thời loạn lạc, chiến tranh, có người còn chụp mũ bả tư sản lên hoa. Hoa bị oan, chẳng khác gì nàng thiếu nữ chẳng sinh lòng trai gái, tư dựng mắc chửa, bị bắt vạ, một mình bị trói trật cánh khỉ, mặt chẳng cười, chẳng khóc, chịu luận tội giữa sân đình.
Tháng ba đấy, nhìn ra góc trời Nam, hoa gạo nở đỏ. Cây đã già lắm. Tôi hỏi bà tôi, cây gạo làng mình có từ thuở nào. Bà kể rằng, lúc bà lớn lên, cây đã cao lắm rồi. Có đận ai thắp nhang nơi gốc cây, mà vô tình cây cháy, cây cháy ngút trời đỏ rực lửa. Mọi người đổ nước cứu cây, cây chỉ cháy rỗng ruột mà năm ấy hoa nở đỏ cả một góc trời, cũng năm đấy trên ngọn cây có cắm ngọn cờ đỏ sao vàng.
Cũng dưới gốc cây đấy, cũng độ chín năm sau (năm 1954), có người bị bắn chết, thân quấn vào chiếc chiếu đơn rách, khi đem chôn còn thừa cả cái chân, nhưng người ta lấp vội. Ở trong nhà tôi, dịp này có một đám giỗ, đám giỗ lặng lẽ lắm, có một chút hoa nhớ người.
Có một độ, một nhánh cây bị thiên lôi đánh rời ra, nay xác cây là bộ phản nhà tôi dùng ăn cơm. Gỗ cây gạo chỉ dùng làm phản ăn cơm, chạp đựng gạo. Tuyệt nhiên không ai đun. Nếu đun gia cầm sẽ chết. Ở đời gạo là ngọc thực. Đốt gạo lẽ không hợp. Đó là cái lẽ của làng tôi.
Bà tôi vẫn nói, nếu bà tôi chết, ắt hẳn sẽ đi từ nhà mình ra bãi tha ma Cổ Ngựa, chắc rằng khi qua gốc cây gạo, ông chủ đoàn sẽ gõ ba hồi chín tiếng, đoàn tùy táng sẽ dừng lại nghỉ nơi gốc cây gạo. Lũ con nít chúng tôi mỗi khi đi qua gốc cây, thì cố chạy thật nhanh, bởi đồn rằng gốc cây gạo có ma. Đứa lớn hơn thì nói: "Hồn cây đa, ma cây gạo".
Nhưng tháng ba, màu đỏ nhung kia làm bọn trẻ tôi cứng vía, nên cũng cố chạy vội lại gốc cây, nhặt những bông hoa rụng. Bởi nhìn từ xa, hoa đẹp lạ lùng, nhưng ảnh thì nhìn xa, hoa thì nhìn gần, vậy cố nhiên phải cầm hoa ở tay mới thấy hết được vẻ mịn màng, tươi thắm, mát mát, lại vấn vương một chút hương Mộc Miên.
Rồi mùa đuổi mùa, mới đấy, mà những bông hoa gạo đã không còn, nhưng trái gạo đen đen, to như cái bắp ngô, lúc lỉu trên cành. Được dịp gió thu thổi, trái tách ra, bung ra những hạt gạo, có những sợi bông trắng, bay lơ lửng trong không trung, thiên di đến tận nơi nảo nơi nào.
Bọn trẻ con hay hùa nhau chạy đuổi theo những bông gạo, bởi bông gạo hữu dụng, có thể bỏ vào cái bật lửa, bén lửa vô cùng. Còn nhiều nữa, bông gạo nhét vào cái gối, khi ngủ gối đầu lên, vừa nhẹ, vừa êm êm.
Một dịp đi dạo cùng bạn trong công viên ở Tân Gia Ba, tự nhiên cô bạn người Ấn Độ chỉ vào một gốc cây, cô nói là "Love flowers" (Hoa Tình Yêu), tôi không ngạc nhiên lắm, tôi nói đây là cây "Rice flowers", nhưng bạn tôi không tin. Cô cố thuyết phục tôi bằng cách kể cho một câu chuyện, một câu chuyện tình thật lãng mạn và bi thương.
Nhưng kìa, hình như có những bông gạo bung sớm, lơ lửng bay theo gió. Tôi muốn chạy theo bắt tận tay để hòng chứng minh cho cô bạn biết đây là bông gạo. Nhưng thôi, biết đâu đấy, ngọn gió lãng du, hoa thiên di, một cái bông gạo thôi, một trăm năm sau ở nơi nào đấy, nơi làng quê, cũng có thể là thành thị, khi tháng ba chớm qua, hoa gạo bừng lên, như đèn trời, thắp đỏ cả một niềm thương nhớ.
Vũ Văn Song Toàn