Trao đổi với PV Người Đưa Tin về vấn đề dâng sao giải hạn đầu năm, đại đức Thích Thanh Tuấn (chùa Quán Sứ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) phân tích, cúng giải hạn không phải nghi lễ của đạo Phật, 9 ông sao là ở trên trời chứ đâu phải dưới đất.
Phật tại tâm, tất cả họa và phước mà con người có được đều là do nhân quả của chính người ấy làm nên, việc gặp họa hay gặp phúc trong đời của mỗi người không phải do ai ban phát cho mà do nhân tạo nên từ trước.
Chùa Quán Sứ mỗi ngày tiếp hàng ngàn lượt người ra vào nhưng tất cả đến để cầu bình an, sức khỏe. Nếu việc dâng sao giải được hạn thì ai cũng sẽ đua nhau sắm lễ to, dù người nghèo bán nửa gia sản đi giải hạn. Cũng theo thầy Tuấn, nhiều người đốt hình nhân giải hạn thay cho mạng sống còn người là việc làm mê tín dị đoan, chỉ nhằm bịt mắt người trần.
Nhà nghiên cứu phong thủy, nhà ngoại cảm Nguyễn Cung Hà, nguyên Phó chủ nhiệm bộ môn Cận tâm lý (Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người) khẳng định, tục dâng sao giải hạn là một tín ngưỡng dân gian từ xa xưa của văn hóa Việt, hoàn toàn không có trong đạo Phật. Như vậy, việc người dân đổ xô đến chùa để cúng sao giải hạn là sai, chỉ nên làm lễ nhỏ ở đền, miếu, nơi thờ thánh để cho tâm được an.
Đại đức Thích Thanh Tuấn (chùa Quán Sứ, Hoàn Kiếm, Hà Nội)
"Khi giải hạn, sự tế lễ phải cực kỳ nghiêm trang, thành kính, không thể ngồi ngoài đường, hay ngồi cả trên xe máy để vái vọng. Theo những tục lệ dân gian, với những sao xấu thì làm một hình nhân rồi ghi tên người bị hạn lên đó.
Một ngôi sao có 9 ngọn nến và đều có quy định cắm theo hình gì, hướng ra sao. Việc dâng sao giải hạn hiện nay đã bị làm theo kiểu "gió chiều nào xoay chiều ấy", làm ồ ạt. Có những người giàu có lại nghĩ rằng, sắm lễ càng nhiều tiền thì càng giải được nhiều hạn. Hoàn toàn không có chuyện ấy, thần thánh, tâm linh cốt ở tâm chứ không phải dùng đồng tiền cao thấp phân định", nhà ngoại cảm Cung Hà nói.
Cũng theo nhà nghiên cứu phong thủy Nguyễn Cung Hà, việc dâng sao giải hạn có hóa giải được thật hay không rất khó để khẳng định. Đây là một tín ngưỡng dân gian cũng giống như việc chúng ta thờ cúng ông bà tổ tiên vậy, không biết ông bà có nhận được lòng thành của con cháu hay không.
Cùng trao đổi với PV Người Đưa Tin về vấn đề này, TS. Xã hội học Trịnh Hòa Bình, Giám đốc trung tâm dư luận xã hội và truyền thông đại chúng (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) cho biết, chùa Phúc Khánh năm nào cũng chật kín người đến dâng sao giải hạn là do sự đồn thổi linh thiêng. Khi có của ăn của để, lại gặp lúc khó khăn, tâm lý con người hoang mang lo lắng không yên tâm trước nhiều vấn đề sự kiện của đời sống, người ta càng cảm thấy cần tìm chỗ dựa.
Bên cạnh đó còn do tâm lý lây lan, chính sự lây lan tự nói ra mồm về sự linh ứng hiệu nghiệm quyền lực đã cuốn hút người ta. Xuyên suốt trong tâm lý người phương Đông là khi khó khăn hay vận hạn, họ hay cách nghĩa theo kiểu "cuốc giật vào lòng" (câu nói để chỉ cái bản chất con người ta thu vén cho mình). Nhiều người càng ngày càng thấy nó nghiệm cho mình, rồi bao giờ cũng vuốt ve kể đọc một cái gieo quẻ, rút một thẻ, vái vọng, bán con cho nhà chùa, chuộc con… tất cả tạo nên một trào lưu, trở thành một tập quán mới. Người ta đua nhau tìm đến thế giới tâm linh, lực lượng siêu nhiên.
Trên thực tế, đồng tiền, lá sớ đặt trong đĩa, khay lễ dâng lên chỉ là vật phẩm có tính chất liên nối thực hiện giao tiếp mong muốn của người trần với lực lượng siêu nhiên. Thế nhưng, việc này dần bị biến nghĩa trở thành một phương tiện "mặc cả" của người cầu mong, thế nên người ta bắt đầu ngộ nhận, nghĩ rằng nếu "của nợ", khoản tiền đấy lớn lên, tức sự "đầu tư" cũng lớn lên dẫn đến đua chen mệnh giá của những lễ cúng, lễ dâng sao giải hạn càng ngày càng khủng. Đó là sự lãng phí không đáng có.
"Việc nhiều người dân la liệt đứng ngoài đường vái vọng vào xuất phát từ chính niềm tin của chính người cầu khấn chứ bản thân ngôi chùa không có đủ trường để phát ra tận cầu. Những dịp như vậy lại là cơ hội cho tệ nạn trộm cắp, cướp giật, cửa hàng trông xe, dịch vụ lại kiếm bộn tiền", TS. Trinh Hòa Bình khẳng định.
Dương Yến