Thuở nhỏ, mỗi lần nghe tiếng trống tuồng thùng thùng trên tivi nhà hàng xóm, không kể già trẻ lớn bé trong làng tôi đều háo hức chờ đợi được xem "ông già cõng vợ đi xem hội". Cả làng chỉ có một, hai chiếc tivi, mỗi lần có tuồng, ngoài sân đông nghẹt người. "Ông già cõng vợ đi xem hội" cùng với tên tuổi NSND Đàm Liên đã trở nên quen thân với bao thế hệ người Việt. Đằng sau ánh hào quang của một bà chúa tuồng, trong đời thực, ít ai nghĩ NSND Đàm Liên lại là một người rất mực đàn bà và mau nước mắt.
Có tuổi nhưng Đàm Liên vẫn mặn mà sắc xuân
"Yêu, sao mà khó!"
Có lần NSND Đàm Liên tâm sự: "Không hiểu sao tôi lại khóc nhiều đến thế". Cuộc đời tài danh, lăn lộn khắp các sân khấu trong và ngoài nước, thậm chí có nhiều người sẵn sàng đổi tất cả chỉ để có được một thoáng huy hoàng trên sâu khấu của bà. Xưa nay, tài tình hay gắn với hồng nhan, bà chưa từng nghĩ mình bạc phận, cho dù đến cuối đời sống lẻ loi trong căn nhà nhỏ ở phố Chùa Hà, Cầu Giấy, Hà Nội, bà vẫn thấy mình đắm say trong ký ức những cuộc tình đã qua.
Đã về hưu cả chục năm nhưng lúc nào Đàm Liên cũng bận rộn. Muốn gặp bà phải hẹn trước, không phải vì bà "vip" mà bởi lịch dạy học của bà cứ gối lên nhau. Rảnh chút nào bà lại cặm cụi ngồi viết sách, viết tham luận về nghệ thuật, về nghiệp diễn. Người ta bảo bà "khảnh" vì lựa chọn học trò khắt khe quá. Không khắt khe sao được khi mà số người muốn học thì quá nhiều mà Đàm Liên thì chỉ có một.
Người ta nhìn bà, ngưỡng mộ thì nhiều, mấy ai hiểu hết được đằng sau tiếng cười, tiếng khóc là cả một nỗi niềm. Mười mấy năm đã trôi qua, người chồng đầu ấp tay gối với bà, cố nhạc sĩ Vĩnh An qua đời là ngần ấy năm Đàm Liên sống vò võ một mình. Cũng có nhiều người theo đuổi, đánh tiếng nhưng vẫn không một ai có thể vượt qua cái bóng của ông trong lòng bà. Lấy công việc để quên đi niềm cô đơn, tập múa, tập hát cũng chỉ một mình, một mình đối ảnh, đối bóng rồi lại chạnh lòng riêng. "Yêu, sao mà khó thế?", nhìn tay bà run rẩy theo động tác của Hồ Nguyệt Cô, mắt bà rưng rưng, khiến người đối diện có cảm giác như bà đang nói về câu chuyện của chính mình.
Theo gia đình tập kết ra Bắc, tuổi trẻ Đàm Liên cũng không thiết tha với tiếng hát tuồng như mẹ cô kỳ vọng trở lại. Kháng chiến, phong trào tiếng hát át tiếng bom, những giá trị nghệ thuật cổ truyền lại càng được trân trọng hơn. Nhưng Đàm Liên lại chỉ "mê" trở thành diễn viên múa, diễn viên điện ảnh bởi vì "Đẹp như vậy mà không làm diễn viên điện ảnh thì cũng phí".
Mối tình sau cùng nhưng cũng là mối tình lớn nhất cuộc đời bà là người chồng yêu dấu, nhạc sĩ Vĩnh An. Đương thời có câu "Nực cười nhạc sĩ Vĩnh An/ bỏ ra Hà Nội vì nàng Đàm Liên". Ông hơn bà tới 15 tuổi, quen nhau từ những ngày lưu diễn ở miền Trung nắng gió, lúc ấy ông là đoàn trưởng Đoàn quân khu IV. Ban đầu bà cũng chẳng có ấn tượng nhều về ông. Đến một ngày, đột nhiên thấy ông xuất hiện ở Hà Nội, thông báo đã xin chuyển về làm chuyên viên cục biểu diễn Văn hóa Hà Nội khiến mọi người đều cảm thấy ngạc nhiên.
Sự chân thành của người đàn ông ấy đã cảm được "sầu nữ". Đám cưới "lệch pha" diễn ra, người hiểu thì phục, người không hiểu thì ghen. Rồi cuộc sống vợ chồng, những sóng gió trong nghề, trong đời càng khiến bà cảm thấy yêu ông hơn. Đi từ không đến có, yêu rồi đến yêu nhiều hơn nữa, đến khi nhận ra tình yêu của mình dành cho người quá lớn thì cũng là lúc ông ra đi.
Bà nhớ lại, ngày còn sống, ông chăm bà hết mực. Không những thông cảm cho vợ thường xuyên phải đi diễn xa, ông nhận hết việc nhà về mình. Cả việc chăm lo cho cô con gái nhỏ Yên Lan cũng một tay ông xoay sở. Ông cũng thường căn dặn bà: "Em đi diễn xa, có cái valy đựng đồ hóa trang lớn, khi về một mình kẻ xấu lại tưởng em có nhiều tiền của, nó cướp mất thì nguy".
Cho đến giờ, điều day dứt nhất của bà vẫn là chưa tận tình chăm sóc ông cho tới ngày ông mất. Ứa nước mắt khi ông tâm sự với con gái: "Mẹ con một tuần có 7 ngày thì đi diễn tới 4 đêm, hai đêm thì về chăm sóc bà ngoại, chỉ có một đêm dành ở với bố". Yêu vợ và chăm vợ tới mức đến lúc mình mang trọng bệnh ông vẫn giữ kín vì sợ vợ lo lắng. Yêu quá, thương quá mà thành ra giận: "Nếu anh ấy để tôi biết anh ấy ốm như thế nào thì tôi đã bỏ công việc ở nhà để chăm sóc anh ấy. Đằng này anh ấy cứ lẳng lặng không nói để tôi day dứt mãi tới bây giờ".
Với Đàm Liên, ông không chỉ là mối tình cuộc đời mà còn là một người thầy, một tri âm tri kỷ trong đời. Sau khi ông mất, cũng có nhiều người tìm đến với bà, nhưng cái bóng của ông trong lòng bà quá lớn, không ai có thể thay thế được. Bởi vậy, ngày ngày bà vẫn cười một mình, nói một mình, quạnh lòng thương nhớ.
Người khiến đàn bà ghen sắc, đàn ông ghen tình Trước chồng mình là nhạc sĩ Đặng Vĩnh An, NSND Đàm Liên đã trải qua vài mối tình. Hỏi bà cuộc tình nào sâu đậm nhất, bà lắc đầu. Tình nào cũng đẹp và tình nào cũng đớn đau. Ngoài nhạc sĩ Vĩnh An ra, cái duyên của bà lại gắn với những mối tình ngoại quốc. Ngồi nghe Đàm Liên kể chuyện tình yêu thì mãi không hết chuyện. Người ta tưởng bà yêu nhiều người lắm, nhưng kỳ thực cũng chỉ trên đầu ngón tay của một lòng bàn tay mà thôi. Tình yêu đầu đẹp nhưng chóng tan khi bà 16 tuổi. Mối tình dành cho anh chàng người Ba Lan làm việc trên tàu viễn dương ở cảng Hải Phòng. Buổi ấy, đâu được tự do yêu đương, nghe tiếng người nước ngoài đã là một vấn đề, vấn đề nữa ở chỗ Đàm Liên đẹp, quá nhiều người theo đuổi. Sắc thì đàn bà ghen, tình thì đàn ông ghen, thị phi là điều không tránh khỏi. Không vượt qua được khoảng cách và những khó khăn, họ chia tay khi người đàn ông ấy trở về nước. |
Thiên Vũ
Kỳ sau: Những vai diễn để đời của NSND Đàm Liên