Bạn bè và đồng nghiệp quen gọi bà là “người phụ nữ điên”, “kẻ lập dị” hay “nàng công chúa ngủ trong rừng”...
Hai lần “cởi áo quan” để sống như dân nghèo
Hẹn gặp kiến trúc sư (KTS) Việt Nga tại khu biệt thự Hằng Nga vào một buổi chiều muộn, trong tiết trời Đà Lạt lãng đãng sương rơi, cái không khí yên bình của xứ “ngàn hoa” khiến lòng người cũng trở nên thanh thản. Được ngồi với bà bên ly cà phê nóng giữa lòng “cung điện” đậm chất Tây Nguyên quả là diễm phúc đối với những kẻ chọn cái nghiệp dấn thân, lăn lộn như chúng tôi. Dù đã bước qua tuổi 70, nhưng KTS Việt Nga vẫn giữ được nét mặn mà, quý phái của người Tràng An chính gốc.
KTS Việt Nga trong cung điện của mình.
Cuộc đời bà cũng truân chuyên như nhiều người hồng nhan khác. Tu nghiệp từ Nga về không lâu, bà lên xe hoa theo chồng nhưng mối lương duyên ấy không thực sự được mặn mà cho lắm. Họ đã chia tay ít năm sau đó mà nguyên nhân chính cũng bởi tính cách “nổi loạn” của bà. Sau lần “gãy gánh giữa đường” KTS Việt Nga quyết định ở vậy nuôi 2 đứa con thơ, bỏ ngoài tai nhưng lời ong bướm của rất nhiều kẻ “trồng cây si” khác.
Nhìn cơ ngơi bề thế của bà Nga gây dựng tại mảnh đất Tây Nguyên này, ít ai tin rằng người phụ nữ ấy đã phải trải qua một chặng đường dài đầy thăng trầm, gian khổ. Sau thời gian tu nghiệp ở Matxcơva, năm 1972 bà Nga trở về nước và là người hiếm hoi sở hữu tấm bằng tiến sĩ kiến trúc loại ưu của đại học danh tiếng này. Bà được mời vào ghế giám đốc thiết kế của bộ Văn hóa (nay là bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) với tương lai rộng mở phía trước. Thế nhưng danh vọng tiền tài không thắng được cái “máu xê dịch” của người con gái tài hoa này. Là người “nghịch ngợm”, thích tìm tòi khám phá, bà chọn Đà Lạt làm nơi trú chân như một định mệnh của đời mình.
KTS Việt Nga tâm sự: “Tôi thích Đà Lạt không chỉ bởi đây là nơi có không gian đẹp, khí hậu ôn hòa mà nó còn lưu giữ rất nhiều công trình kiến trúc độc đáo phù hợp cho việc sáng tạo của mình”. Chỉ với những suy nghĩ đơn giản đó năm 1983, bà đã quyết định mang hai đứa con nhỏ Nam tiến chấp nhận mọi thử thách phía trước. Tuy mới chân ướt chân ráo vào Tây Nguyên, nhưng với danh tiếng trong làng kiến trúc KTS Việt Nga tiếp tục được mời làm Viện trưởng Viện Thiết kế của sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng với lời hứa tiếp tục được cất nhắc lên các vị trí cao hơn nhưng cũng thêm một lần nữa bà khéo léo chối từ.
Biệt thự "siêu dị" của KTS Việt Nga.
KTS Việt Nga nhớ lại: “Là con Tổng bí thư nhưng tôi không muốn lợi dụng sự ảnh hưởng của cha, những ngày đầu vào Đà Lạt tôi chấp nhận cuộc sống khổ cực. Tuy 3 mẹ con phải “rau cháo nuôi nhau” nhưng tôi luôn cảm thấy hạnh phúc vì được tự do sáng tạo”.
Trước đây, căn biệt thự của KTS Việt Nga đang đứng vốn chỉ làm chỗ ở tạm bợ, trồng rau, trồng hoa cho thỏa chí phiêu du của bà. Những ngày đầu, KTS Việt Nga học người dân cách trồng rau cải, củ mì, nuôi lợn... để duy trì cuộc sống. Thế nhưng, cũng có lúc đói, 3 mẹ con bà phải đi nhặt cà chua, mót khoai mì ăn qua ngày. Cuộc sống thiếu thốn đủ bề nhưng bà không hề than vãn, hay có ý cậy nhờ ai, bà muốn sống thực với kiếp sống mà hàng triệu dân nghèo đang nếm trải. Dù thế giới ấy khác xa chốn đài các bà có quyền thừa hưởng.
Trong câu chuyện của vị KTS, chúng tôi thấy được khát vọng, nghị lực phi thường ở một người muốn khẳng định cái tôi của mình, với lý tưởng cao đẹp “sống chan hòa với thiên nhiên đất trời”.
Gian nan hành trình xây nhà “điên”
Vẫn nắm giữ tinh thần sáng tạo Sau hành trình 23 năm tồn tại, Crazy House dần trở thành biểu tượng du lịch của thành phố “ngàn hoa”, nhưng vị KTS được gắn mác “điên” ấy vẫn chưa dừng lại. Bây giờ, KTS Việt Nga không còn tham gia kinh doanh du lịch mà giao phần việc cho các con. Với niềm đam mê kiến trúc bất tận, KTS Việt Nga vẫn nắm giữ tinh thần sáng tạo và ý chí của thuở mới bắt đầu không ngừng khao khát “điên cuồng” hiện thực hóa những ý tưởng của riêng mình. |
Là một tiến sỹ, KTS chịu ảnh hưởng của “trường phái hậu hiện đại”, KTS Việt Nga luôn chảy trong mình một hướng đi riêng táo bạo tự nhiên. KTS Việt Nga nói: “Kiến trúc là nghệ thuật của hình khối, những hình khối mà tôi ấp ủ phải thật sự góc cạnh, phá cách. Hơn nữa công trình kiến trúc phải truyền tải được thông điệp có ý nghĩa thiết thực với cuộc sống”. Chính việc ý thức sâu sắc về nghề nghiệp đó giúp bà luôn nung nấu ý tưởng cho một công trình để đời ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường. Tòa nhà Crazy house xứng đáng là một công trình như thế.
Những ý tưởng mạnh mẽ cùng khát khao cháy bỏng dẫn đường cho bà thực hiện được mơ ước như “tiền kiếp” của mình dẫu có bao nhiêu gian nan vất vả. Với KTS Việt Nga đó là một hành trình dài, dường như vẫn chưa tới hồi kết. Ý tưởng của Crazy House được thai nghén từ 1983 nhưng vì nhiều lý do khác nhau mãi tới năm 1990 công trình này mới được khởi công xây dựng.
Khó khăn đầu tiên của bà là chuyện kinh phí, từ hai bàn tay trắng, KTS Việt Nga đã phải chạy vạy khắp nơi để kiếm tiền. Vì không có tài sản thế chấp nên khoản vay từ các ngân hàng chỉ là nhỏ giọt, mỗi lần bà chỉ vay được 3 triệu đồng nhưng trong khoảng thời gian ngắn phải hoàn trả. Nguồn vốn chủ yếu được huy động từ bạn bè, người thân nhưng nó cũng chẳng thấm vào đâu. KTS Việt Nga bảo: “Bạn bè người hiểu mình thì ít kẻ gọi mình là “khùng”, “điên”, lập dị thì nhiều, nhưng tôi mặc kệ, có bao nhiêu cứ bỏ vào xây dựng bấy nhiêu, con kiến tha lâu cũng có ngày đầy tổ mà”.
Bên trong biệt thự của KTS Việt Nga.
Một khó khăn nữa là khi tòa nhà bắt đầu phát triển, KTS Việt Nga lại gặp phải sự phản đối gay gắt của chính quyền sở tại. Họ cho rằng đó là công trình “ma quỷ” đi ngược lại với thuần phong mỹ tục, văn hóa người Việt nên không được phép xây dựng. Những người đứng ra phản đối KTS Việt Nga không chỉ là lãnh đạo TP. Đà Lạt, mà còn có cả những người trong hội kiến trúc nơi bà vẫn tham gia thường xuyên. Trong quá trình xây dựng công trình này nhiều lần bị dỡ bỏ, chủ nhân của nó bị triệu tập lên chính quyền cơ sở làm việc. KTS Việt Nga chia sẻ: “Có lúc người ta ra chỉ thị phải đập phá hoàn toàn khiến tôi vô cùng hoang mang, nhưng cuối cùng với lòng kiên trì tôi cũng vượt qua”.
Sáng tạo ở tuổi 70
Vì sự phản đối gay gắt từ hội kiến trúc, sau này bà phải bí mật đưa bản dự án của mình trình lên sở Xây dựng thông qua chính quyền cấp phép. Thế nhưng 6 lần bà trình dự án là 6 lần bị từ chối thẳng thừng, mãi tới lần thứ bảy bản kiến nghị về việc mở rộng Crazy house mới được thông qua với nhiều điều khoản khắt khe. KTS Việt Nga cho biết: “Hành trình đi xin giấy phép của tôi thật sự khó khăn, tôi phải một mình lặn lội giữa trời mưa gió suốt mấy tháng liền. Tôi thực sự cảm ơn các du khách nước ngoài bởi việc công trình tiếp tục được cấp phép nguyên nhân chính là lượng du khách nước ngoài đổ về đây ngày càng đông, nó tác động trực tiếp tới cách nhình nhận của lãnh đạo thành phố”.
Đến bây giờ, khi Crazy House được biết đến như một công trình kiến trúc độc đáo trên thế giới. Là điểm nhấn thu hút khách du lịch hàng đầu tại Đà Lạt thì vị chủ nhân của nó, KTS Việt Nga vẫn tiếp tục miệt mài với những dự án sáng tạo đầy đam mê. Dường như sức sáng tạo ở người đàn bà đã bước qua tuổi 70 này chẳng bao giờ cạn. Mới đây, bà đã hoàn thiện cho mình một “cung điện” mang kiểu cách nhà rông của người dân tộc được cách điệu hết sức độc đáo. KTS Việt Nga bảo: “Crazy House được xây dựng giữa Tây Nguyên nên tôi đã thổi cái hồn của người Tây Nguyên vào trong đó”.
Trung Nguyên