Cáo buộc và đáp trả nảy lửa
Hồi giữa tuần, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cáo buộc Nga phải chịu trách nhiệm cho việc Syria tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học sau khi có thông tin trước đó về một cuộc tấn công ở Đông Ghouta, nơi đóng quân cuối cùng của các phiến quân đối lập, ở gần tỉnh Damascus.
“Chỉ trong một ngày, hơn 20 thường dân, phần lớn là trẻ em, đã trở thành nạn nhân của một vụ tấn công hóa học bằng khí gas”, ông Tillerson nói trong một hội thảo về vũ khí hóa học ở Paris, Pháp.
Khi đưa ra bình luận trên, ông Tillerson đang nhắc tới báo cáo của Đài Quan sát Nhân quyền Syria vào ngày 22/1 cho rằng ít nhất 13 người đã ngạt thở sau một vụ bắn phá ở Đông Ghouta. Các phiến quân nổi dậy cho rằng Chính phủ Syria đã gây ra vụ việc.
Kể từ khi đưa quân sang Syria vào năm 2015, Nga đã hai lần dùng quyền phủ quyết để phản đối nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm mở rộng những cuộc điều tra liên quan tới những vụ tấn công vũ khí hóa học ở Syria.
“Đơn giản là không thể phủ nhận rằng Nga đang che chở cho đồng minh Syria và vi phạm những cam kết đối với Mỹ với tư cách là một bên đảm bảo” việc phá hủy kho vũ khí hóa học của Syria, ông Tillerson nói thêm.
Ngay sau đó, bộ Ngoại giao Nga đã có những đáp trả kịp thời, bác bỏ các cáo buộc từ phía Washington.
“Sự thật là hết lần này tới lần khác, họ đưa ra những cáo buộc bẩn thỉu và sai trái chống lại chúng tôi. Điều đó cho thấy trình độ của ngoại giao Mỹ”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói. Ông cũng khẳng định Nhà Trắng đang sử dụng những cáo buộc vô căn cứ để cản trở những nỗ lực hòa bình của Moscow tại Syria.
“Những cáo buộc với Syria và Nga vẫn tiếp diễn trong bối cảnh khủng bố liên tục sử dụng vũ khí hóa học ở Trung Đông, cùng với sự thông đồng của phương Tây và các hành động gây hấn khác của các chiến binh đối lập bằng cách khơi mào cuộc chiến hóa học”, ông Ryabkov nhấn mạnh.
Ý đồ của Mỹ
Trước đây, chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad từng lên tiếng phủ nhận sử dụng vũ khí hóa học và đã đồng ý phá hủy kho vũ khí hóa học vào năm 2013, sau thỏa thuận được Moscow và Washington bảo trợ.
Giới quan sát cho hay, hiện tại chính quyền Syria đang đạt được nhiều thắng lợi trên cả chiến trường và chính trường. Quân Chính phủ đang giành quyền kiểm soát đa phần lãnh thổ đất nước, trong khi đó chính quyền Assad cùng đồng minh Nga và Iran đang nỗ lực tiến hành những cuộc đàm phán hòa giải và đang dần tiến tới những kết quả khả quan.
Do vậy, các nhà phân tích nhận định, Syria không dại dột tới mức thực hiện tấn công lực lượng nổi dậy bằng vũ khí hóa học. Làm như vậy không khác nào tự ép mình vào thế bất lợi. Từ đó, những nhà phân tích chỉ rõ bằng việc đưa ra những cáo buộc thiếu căn cứ xác thực, Mỹ đang cố cứu vãn cho vị thế của mình ở Syria sau hàng loạt những thất bại gần đây.
Không chỉ đưa ra cáo buộc Nga về vụ vũ khí hóa học, Washington còn đang thực hiện mục tiêu đó bằng kế hoạch thiết lập “lực lượng biên giới” với quy mô lên tới 30.000 quân ở Syria. Động thái đó cho thấy sự sốt sắng của Lầu Năm Góc trong việc vực lại vai trò ở Syria.
Nhưng khó khăn lại liên tục bủa vây Mỹ khi Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ tiến hành chiến dịch quân sự mang tên Nhành Oliu nhằm tấn công lực lượng người Kurd ở Syria – những chiến binh mà bấy lâu nay Washington huấn luyện và cung cấp vũ khí.
Mỹ rơi vào thế bế tắc khi thấy đồng minh Ankara và cộng sự người Kurd đang tàn sát lẫn nhau tại địa điểm mà Lầu Năm Góc muốn xây dựng ảnh hưởng.
Với cáo buộc về vũ khí hóa học của ông Tillerson, Mỹ còn muốn “làm dày” hồ sơ tội ác của ông Assad với mục tiêu loại bỏ ông này ra khỏi hệ thống chính trị Syria.
Trong cáo buộc đó, Ngoại trưởng Mỹ còn cho rằng Moscow là đồng minh và phải chịu trách nhiệm sau cùng cho những vụ tấn công bằng vũ khí hóa học. Các nhà phân tích đặt giả thuyết phải chăng Washington đang muốn sắp đặt bàn cờ Syria và mong thế chân Nga tại bàn cờ đó?
Xem thêm: Infographic: Cuộc đua quân sự hóa không gian trên thế giới