Hà Nội giữa những ngày hè đỉnh điểm lại càng “nóng” hầm hập với thông tin sẽ xem xét giải tỏa 1.300 cây cổ thụ để mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long.
Việc chặt bỏ (dịch chuyển) cả nghìn cây xanh hàng chục năm tuổi gây ra không ít ý kiến trái chiều trong dư luận. Đây là điều dễ hiểu khi ở thành phố thủ đô, cây xanh là một khái niệm xa xỉ.
Một nghiên cứu độc lập vào năm 2015 của Chương trình phát triển đô thị tổng thể Hà Nội cho biết trung bình mỗi người dân thủ đô được hưởng diện tích công viên, vườn hoa bình quân chỉ 0,9m2/người, bằng 1/10 tiêu chuẩn của WHO (9m2).
Điều đáng lo ngại là con số này đang có xu hướng đi xuống, khi các chung cư, trung tâm thương mại cao tầng vẫn liên tiếp mọc lên. Những nhà máy, xí nghiệp di dời nhẽ ra phải được thay thế bằng công viên, trường học, bệnh viện, thì người ta tìm mọi cách để biến thành một dự án bất động sản. Cách đây chỉ vài tuần, một tập đoàn lớn đã “đòi” lấp hồ Thành Công để…làm chung cư!
Dân số Hà Nội mỗi năm tăng khoảng 200.000 người, bằng 2/3 dân số tỉnh Bắc Kạn, trong đó chừng 30% là tăng dân số cơ học, tức là người dân các tỉnh nhập cư về. Dân số tăng nhanh khiến tình hình giao thông thêm “ngột ngạt”. Hà Nội hiện có khoảng 560.000 xe ô tô, 5,5 triệu xe máy, tỷ lệ gia tăng của hai loại phương tiện này lần lượt là 16,9% và 8%/ năm. Trong khi đó, diện tích đất dành cho giao thông chưa tới 10% đất xây dựng đô thị (tỷ lệ tiêu chuẩn phải từ 20 – 26%).
Và hệ quả tất yếu là tình trạng kẹt xe diễn ra ngày càng nghiêm trọng, có những tuyến đường ngày cũng như đêm. Đặc biệt vào giờ cao điểm, cả Hà Nội như một thước phim quay chậm, với hàng triệu phương tiện luồn lách, chen lấn, tìm mọi cách di chuyển, nhích từng…centimet.
Chính quyền Thành phố đã nhiều lần bày tỏ quyết tâm giảm áp lực dân số khu vực nội đô. Tuy nhiên thực tế mỗi năm con số này lại tăng lên với tốc độ rất nhanh. Vì sao vậy? Có nhiều lý do giải thích, song bài viết này sẽ đề cập tới một nguyên nhân mang tính căn cơ.
Theo số liệu Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/5, thu tiền sử dụng đất trong năm 2016 đạt 98,75 nghìn tỷ đồng, tăng 97,5% so dự toán và tăng 34,75 nghìn tỷ so với báo cáo Quốc hội ở kỳ họp trước.
Đây không phải diễn biến đáng mừng, bởi việc tiền thu sử dụng đất tăng gần gấp hai lần so với dự toán cho thấy các địa phương đang ra sức cho thuê/ giao quyền sử dụng đất một cách “vô tội vạ”. Một lượng lớn đất được giao cho các dự án chung cư, khu đô thị mới, tạo sức ép rất lớn cho các thành phố lớn về mật độ dân số, ô nhiễm môi trường.
Tư duy nhiệm kỳ chính là nguyên nhân khiến nhiều lãnh đạo ưa thích việc giao đất/ cho thuê đất dài hạn trả tiền một lần. Các dự án chung cư, khu đô thị tỏ ra đặc biệt hấp dẫn, khi sẽ đưa về cho địa phương đó một khoản tiền rất lớn, và quan trọng là dưới dạng “dồn một cục”, chứ không dàn trải thu trong vài ba chục năm. Tình hình thu ngân sách của địa phương qua đó cũng “đẹp” hơn nhiều.
Quay trở lại chủ đề cây xanh, thiết nghĩ không nên tranh luận chặt hay không chặt, mà phải tìm cách sao cho trong tương lai không còn xuất hiện nhưng câu hỏi kiểu như vậy. Dừng hoặc hạn chế tối đa cấp phép cho các dự án chung cư là giải pháp cần được tính đến.
Thực tiễn các nước phát triển cho thấy giá đất tại các thành phố lớn của họ được duy trì rất cao nhằm hạn chế tăng dân số cơ học. ở Hà Nội (hay cả TP. Hồ Chí Minh), việc ngừng cấp phép cho các dự án nhà ở sẽ đẩy giá đất tăng mạnh, khiến dòng người nhập cư chững lại và di chuyển sang các thành phố vệ tinh, giúp giảm tải rất nhiều cho thủ đô, đồng thời tạo nguồn lực phát triển cho các đô thị xung quanh.
Nghi Điền