Đằng sau “cuộc đối đầu chưa từng có” trong quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ

Đằng sau “cuộc đối đầu chưa từng có” trong quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ

Trần Danh Tuyên

Trần Danh Tuyên

Thứ 7, 14/10/2017 06:00

Chỉ trong chưa đầy một tuần ngắn ngủi, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã bị đẩy theo hướng xấu chưa từng có, khi hai đồng minh ngừng cấp thị thực không nhập cư cho công dân của nhau. Thậm chí, phía Ankara còn không chấp nhận Đại sứ Mỹ, một hành động chưa từng có trong tiền lệ.

Nấc thang mâu thuẫn

Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng hiện tại giữa hai quốc gia đồng minh NATO xoay quanh việc dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo 75 tuổi người Thổ Nhĩ Kỳ Fethullah Gulen, hiện đang sống lưu vong tại Mỹ.

Thế giới - Đằng sau “cuộc đối đầu chưa từng có” trong quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ

Mâu thuẫn giữa Ankara và Washington bắt nguồn từ nhiều lý do.

 

Phía Ankara cáo buộc ông này là người đứng sau âm mưu đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ vào năm ngoái. Sau nhiều lần kêu gọi Mỹ dẫn độ nhân vật này về nước không thành, Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra mất kiên nhẫn với Washington. Đó được xem là nguyên nhân xuất hiện những rạn nứt đầu tiên trong quan hệ hai nước.

Ankara sau đó tuyên bố Mỹ không còn là nước “bảo trợ an ninh và thịnh vượng cho Thổ Nhĩ Kỳ”. Rồi nước này tiến hành bắt giữ hàng chục công dân Mỹ vì cáo buộc dính líu tới phong trào FETO do ông Gulen khởi xướng.

Tình hình thêm căng thẳng khi Mỹ bắt giữ 12 nhân viên an ninh trong đoàn tháp tùng của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hồi tháng Năm trong chuyến thăm Mỹ.

 Washington cũng từ chối bán vũ khí cho Ankara, đẩy quan hệ hai nước trượt đi theo xu hướng ngày càng tồi tệ. Chưa dừng lại ở đó, chính quyền Tổng thống Erdogan tiếp tục khoét sâu những mâu thuẫn khi bắt giữ một nhân viên làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở Istanbul và triệu tập một nhân viên khác với cáo buộc dính líu tới phong trào FETO.

Mới đây nhất, Mỹ đáp trả mạnh tay, thông báo ngừng mọi dịch vụ cấp thị thực không nhập cư đối với công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Erdogan lập tức lên tiếng phản ứng gay gắt và cho rằng “Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia vận hành bởi luật pháp chứ không phải một bộ tộc. Bất kể Mỹ làm gì thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện tương tự dựa trên nguyên tắc có đi có lại”.

Sau tuyên bố trên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đẩy căng thẳng đạt đỉnh điểm khi tuyên bố không công nhận Đại sứ Mỹ tại Ankara John Bass, đánh dấu một sự kiện chưa từng có trong quan hệ hai nước.

Mầm mống của bất đồng

Tất cả những đòn đáp trả qua lại nêu trên giống như “phần nổi của tảng băng chìm” trong mâu thuẫn lợi ích giữa Mỹ và Thổ. Một nguyên nhân sâu xa khác nữa khiến Ankara gay gắt với Washington là chiến lược của Nhà Trắng tại Syria.

Tại chiến trường này, Washington hậu thuẫn lực lượng chiến đấu đối lập người Kurd để thực hiện mục tiêu loại bỏ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ luôn coi Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) là một tổ chức khủng bố. YPG là nhánh vũ trang của đảng Công nhân Người Kurd (PKK), lực lượng mà Ankara xem như “cái gai” cần phải diệt trừ để không tổn hại tới an ninh đất nước.

Thế giới - Đằng sau “cuộc đối đầu chưa từng có” trong quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ (Hình 2).

Các chiến binh người Kurd.

 

Bản thân chính quyền của Tổng thống Erdogan lo sợ người Kurd sẽ thúc đẩy phong trào ly khai ở khu vực biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ, nên không hề muốn Washington tiếp tục tài trợ cho nhóm người này.

Tuy nhiên, sau nhiều lần nỗ lực kêu gọi sự hợp tác từ phía Mỹ không thành, Thổ Nhĩ Kỳ quyết tìm tới các đối thủ của Washington như Nga hay Iran nhằm “diệt trừ mối họa”. Ankara, Moscow cùng Tehran đã đứng ra làm trung gian, tổ chức các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Syria và các lực lượng đối lập nhằm thiết lập các khu vực chống xung đột và tiến hành các chiến dịch quân sự chung.

Mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ còn đặt mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga khiến Mỹ “nóng mặt”. Theo nhà báo làm việc cho tờ Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ Cansu Camlibel, thương vụ S-400 có thể khiến Washington áp đặt lệnh trừng phạt lên Ankara giống như những gì Nhà Trắng thực hiện với Moscow.

“Chúng ta thường  quan sát hành động của Mỹ qua lăng kính của Nhà Trắng. Tuy nhiên, trong chính trường Mỹ, đặc biệt là liên quan tới ngành công nghiệp quốc phòng, Quốc hội và các nghị sĩ có ảnh hưởng cực lớn. Họ có thể áp đặt những lệnh cấm vận đối với Thổ Nhĩ Kỳ giống như với Moscow, sau khi Ankara quyết định mua lá chắn tên lửa Nga. Chúng ta biết rằng vấn đề này đang được thảo luận ở những hành lang Quốc hội Mỹ”, nhà báo Camlibel nói.

Nếu kịch bản đó thực sự xảy ra thì những xáo trộn trong quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ còn bị đẩy xuống mức thấp hơn nữa.

Với Mỹ, một khi rạn nứt với Ankara, vị thế của Washington tại Trung Đông sẽ suy yếu nhiều phần, đặc biệt là trong bối cảnh Nga đang ngày càng thắng thế tại khu vực này. Còn với Thổ Nhĩ Kỳ, khi mối quan hệ của họ không chỉ xấu đi với Mỹ mà còn với một số quốc gia NATO khác, đó được coi là dấu hiệu rất xấu đối với mục tiêu an ninh, kinh tế của Ankara.

Do vậy, trong bối cảnh lợi ích hai bên vẫn đan xen, ràng buộc, một giải pháp chung mà hai bên cùng thống nhất thông qua đối thoại, đàm phán là điều rất cần thiết đối với cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Xem thêm: Syria Tuần qua: Nga thực hiện 517 đợt xuất kích, phá hủy 1.260 cơ sở khủng bố

D.T

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.