Con số gây sốc
Ngày 27/12, một nguồn tin từ UBND TP.HCM xác nhận, hiện tại ban này đang thiếu nhân sự chủ chốt. Thực tế, tính đến thời điểm tháng 12/2018 đã có tới 42 người nghỉ việc, trong số này có 5 lãnh đạo phòng/ban, 37 chuyên viên. Đó là chưa kể 3 người nghỉ do tinh giản biên chế. Tuy nhiên, đây chưa phải là con số chốt, bởi còn hàng loạt lãnh đạo chủ chốt và nhiều cán bộ, chuyên viên, nhân viên Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cũng đã nộp đơn xin nghỉ việc nhưng chưa được chấp thuận. Hiện tại, đơn vị còn khoảng 200 nhân sự.
Đặc biệt trong số trên, ông Lê Nguyễn Minh Quang với chức vụ là Trưởng ban MAUR (tương đương với Giám đốc của một sở trên địa bàn TP.HCM nhưng không là đảng viên) cũng đã nhiều lần nộp đơn xin nghỉ việc. Tuy nhiên, mong mỏi được nghỉ việc chưa được chấp thuận nên ông Quang vẫn phải đi làm bình thường.
Ông Quang đảm nhiệm cương vị Trưởng ban từ tháng 6/2016 với thời hạn 5 năm. Từng tốt nghiệp khoa Xây dựng, đại học Bách Khoa TP.HCM (năm 1989), sau đó, ông bảo vệ luận án tiến sĩ ngành xây dựng tại Pháp (năm 1995). Trước khi về làm Trưởng ban MAUR, ông đã giữ nhiều chức vụ: Giám đốc dự án, Phó Tổng Giám đốc và sau đó là Tổng Giám đốc công ty Bachy Soletanche Việt Nam. Năm 2016, ông đã trúng cử đại biểu HĐND TP.HCM tại đơn vị bầu cử quận Tân Bình.
Đặc biệt hơn, ông Hoàng Như Cương, Bí thư Đảng ủy - Phó ban MAUR cũng đang chờ đợi quyết định chấp thuận cho nghỉ việc. Dù vậy, ông này vẫn đi nước ngoài khi chưa được cấp phép, với lý do gia đình có việc khẩn. Đến nay, vẫn chưa rõ thông tin của ông Cương và không rõ có quay trở lại nhiệm sở hay không? Theo thông tin PV ghi nhận được, ông Cương đi nước ngoài khoảng nửa đầu tháng 12/2018.
Ngoài ra, còn một số nhân sự chủ chốt khác cũng nghỉ việc. Điển hình như ông Dương Hữu Hòa, Giám đốc ban Quản lý dự án 1 kiêm Chủ tịch Công đoàn của MAUR cũng đã nộp đơn xin nghỉ việc 3 lần. Ông này cũng đã đề nghị được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động kể từ ngày 1/1/2019.
Lý giải cho chuyện ra đi ồ ạt của người lao động, ông Quang cho biết: “Ban đầu, phí quản lý dự án đã hết, ban đầu chỉ dự trù là 5 năm nhưng bây giờ kéo dài lên 10 năm. Chúng tôi phải tạm ứng từ ngân sách của TP. Nhiều người đã không còn nhiệt huyết khi vốn không có, thi công lại chậm trễ. Hơn thế nữa, mới đây, theo quy định các ban quản lý dự án phải tự chủ tài chính nên càng khó khăn trong việc tạm ứng ngân sách đã dẫn tới tình trạng chậm lương”.
Đã có bất thường
Có ý kiến cho rằng, ngoài việc không có việc để làm, chậm lương thì còn đó là những cuộc “tháo chạy”. “Rõ ràng, các dự án nghìn tỷ này là mảnh đất màu mỡ cho các chủ thầu xây dựng. Thế nên, để xin được việc tại Ban này là không dễ dàng gì, vậy tại sao họ lại ra đi?Có hay không chuyện sợ liên đới trách nhiệm trong vấn đề nào đó”, ông Nguyễn Thành An, một người dân ở quận 2, TP.HCM đặt vấn đề.
Thực tế, hiện nay, sau khi Kiểm toán Nhà nước vào cuộc thì đã xuất hiện nhiều vấn đề liên quan tới các dự án mà MAUR đang triển khai, trong đó có xét đến trách nhiệm của ông Hoàng Như Cương khi phê duyệt tăng tổng mức đầu tư và quy mô của dự án trái thẩm quyền. Bên cạnh đó là “phi vụ” giảm tường vây từ 2m xuống còn 1,5m đang gây xôn xao dư luận.
Ông Quang lý giải: “Việc thay đổi thiết kế tường vây từ 2m xuống còn 1,5m đã giúp giảm được 4 triệu USD (tương đương khoảng 93 tỷ đồng), đồng thời, giảm thời gian thi công 5 tháng so với phương án ban đầu. Việc thay đổi này vẫn đảm bảo mức độ an toàn”.
Vị Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM còn cho biết thêm: “Chiều dài tối đa của tường vây trên toàn tuyến Metro là 1,5m kể cả những khu vực có đông dân cư, có nhiều công trình quan trọng nhưng qua gói thầu 1a thì tường lại lên tới 2m, do đó, chúng tôi đã đề nghị đơn vị tư vấn sửa lại cho đúng chiều dài toàn tuyến. Việc sửa lại thiết kế này có qua sự thẩm tra của các đơn vị tư vấn độc lập”.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo đánh giá của một số chuyên gia, để xảy ra tình trạng này là do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc quy hoạch, dự toán đầu tư, tổ chức thực hiện… chưa chuyên nghiệp, dẫn tới hệ luỵ như trên.
“Các dự án Metro đã đội vốn lên gấp nhiều lần, thời gian thi công kéo dài với hàng loạt vấn đề liên quan, đặc biệt là về tài chính. Đây là những yếu kém dẫn tới hệ luỵ ngày hôm nay. Do đó, MAUR gặp trục trặc trong việc tổ chức hoạt động là đương nhiên. Vấn đề còn lại là phải nhanh chóng thống nhất để thu dọn các vấn đề này, sớm tiếp tục triển khai thi công”, Thạc sĩ Nguyễn Hồng Quân đang làm việc cho một tổ chức của nước ngoài tại TP.HCM phân tích.
Nói về những bất ổn, nhất là khủng hoảng nhân sự tại MAUR, luật sư Trần Đình Dũng, trung tâm Tư vấn Pháp luật TP.HCM (Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng: “Trong trường hợp ông Cương không quay trở lại nhiệm sở thì đầu tiên phải khai trừ ra khỏi Đảng. Còn về công chức thì UBND TP.HCM căn cứ vào luật Công chức mà xử lý".
“Riêng các tình tiết khác, ví như nếu có dấu hiệu phạm tội thì còn phụ thuộc vào kết quả điều tra của cơ quan điều tra, uỷ ban Kiểm tra của Thành uỷ xác minh, làm rõ để có hướng xử lý”, chuyên gia về luật này chia sẻ thêm.
Cũng theo luật sư Dũng: “Đối với các công chức đang làm việc tại MAUR thì vẫn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nếu muốn. Tuy nhiên, các ông này sẽ không làm điều đó, vì họ sợ mất các quyền lợi liên quan. Còn trường hợp của ông Quang, Trưởng ban, do không phải là đảng viên thì có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng khi chưa làm hết thời gian được bổ nhiệm”.
“Chưa rõ chuyện đang xảy ra tại MAUR, mức độ ra sao nhưng chuyện hàng loạt người lao động, trong đó có lãnh đạo chủ chốt xin nghỉ việc đồng loạt, số lượng nhiều như trên là bất thường. Trách nhiệm trước hết là của Trưởng ban, kế đến là của UBND TP.HCM, đặc biệt là người phụ trách chỉ đạo Ban này”, một chuyên gia kinh tế tại TP.HCM đề nghị không nêu tên chia sẻ.
Chuyên gia này khuyến nghị: “UBND TP cần phải vào cuộc vừa để làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cá nhân liên quan. Trường hợp có sai phạm thì phải xử lý ngay và dứt diểm. Đồng thời, cũng phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động, tránh để tâm lý bất an kéo dài, trong khi đó, công việc phía trước còn rất lớn và nặng nề”.
Trong khi đó, lãnh đạo UBND TP.HCM vẫn chưa có phương án để tháo gỡ tình trạng hiện nay. Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: “Liên quan đến dự án tuyến Metro, hiện Chính phủ, các bộ ngành và UBND TP.HCM vẫn đang tích cực phối hợp nhằm tháo gỡ và giải quyết để dự án triển khai theo đúng tiến độ”.