Tây Ban Nha đã yêu cầu Đại sứ Triều Tiên rời khỏi Madrid trong những ngày cuối của tháng Chín và trở thành nước thứ tư trong tháng trục xuất đại diện ngoại giao của Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6.
Chính phủ Tây Ban Nha đưa ra thông báo nói trên sau khi Mexico, Peru và Kuwait vừa có động thái tương tự vài ngày trước.
Theo Washington Post, bước đi này sẽ làm hài lòng các quan chức chính quyền Tổng thống Donald Trump, những người đã yêu cầu các quốc gia có quan hệ ngoại giao với Triều Tiên mở rộng thêm các hình thức cô lập Bình Nhưỡng.
Trong năm nay, Mỹ đã dẫn đầu các đề xuất trừng phạt mới với Triều Tiên sau khi nước này liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa mới với lời cảnh báo tấn công lục địa Mỹ.
Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha cho biết, họ đã trục xuất Kim Hyok Chol, người đã trở thành Đại sứ đầu tiên của Triều Tiên ở Tây Ban Nha khi quốc gia này mở đại sứ quán đầu tiên ở Madrid vào đầu năm 2014.
“Hôm nay, Đại sứ Triều Tiên đã được triệu tập và biết về việc ông ấy là nhân vật không được hoan nghênh tại đây. Do đó, Đại sứ sẽ ngừng lại mọi công việc và trở về nước trước ngày 3/9”, Reuters dẫn thông tin cho hay.
Bốn ngày sau khi vụ thử quả bom nhiệt hạch với sức công phá lớn nhất từ trước đến nay, bộ Ngoại giao Mexico cho biết, họ đã yêu cầu Đại sứ Triều Tiên, Kim Hyong Gil trong vòng 72 giờ phải trở về nước.
Với bước đi ngoại giao này, Mexico nói rằng Chính phủ Triều Tiên cần phải nhận thức vụ thử hạt nhân gần gây là một sự vi phạm luật pháp quốc tế và đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với khu vực châu Á, cũng như trên thế giới.
Trước khi rời khỏi Mexico, Đại sứ Kim đã chỉ trích gay gắt quyết định của nước sở tại.
“Mexico đã đưa ra một quyết định thiếu suy nghĩ khi tuyên bố một Đại sứ của một chính quyền cách mạng, một quốc gia độc lập là nhân vật không được chào đón”, ông nói trong một tuyên bố với giới truyền thông Mexico. “Tôi lên án và hoàn toàn bác bỏ nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc như là một sự vi phạm độc lập của chúng tôi”.
Trước đó Peru cũng đưa ra một số quyết định hạn chế sự hiện diện của Triều Tiên ở Lima.
Chính phủ Peru hồi tháng Bảy cho biết sẽ giảm số lượng các nhà ngoại giao được công nhận của Bình Nhưỡng ở quốc gia này theo tinh thần nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua vào cuối năm 2016.
Theo nghị quyết trên, Hội đồng Bảo an kêu gọi các nước thành viên cắt giảm số nhân viên tại cơ quan ngoại giao của Triều Tiên và hạn chế số lượng tài khoản ngân hàng cho từng cơ quan và từng nhà ngoại giao sử dụng.
Đây được cho là một trong những thành công bước đầu của chuyến công du đến châu Mỹ Latin hồi tháng Bảy của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, khi ông kêu gọi Chile, Brazil, Mexico và Peru nên sớm cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng.
Một ngày sau vụ thử hạt nhân mới nhất, cùng ngày mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết mới nhất, Chính phủ Peru cho biết, Đại sứ của Triều Tiên ở Lima là ông Kim Hak Chol sẽ có 5 ngày để rời đi. Ông Kim đã thực hiện nhiệm vụ của mình ở Lima kể từ cuối năm 2013.
Tiếp sau đó, một thông báo từ Kuwait cho biết, nước này sẽ trục xuất Đại sứ Triều Tiên So Chang Sik, như một phần trong kế hoạch giảm quy mô hiện diện ngoại giao của Bình Nhưỡng tại Kuwait City.
Chính phủ Kuwait đã quyết định giảm số lượng các nhà ngoại giao Bình Nhưỡng từ 9 xuống còn 4 người trong một thông báo đưa ra ngày 22/8. Trong đó Đại sứ sẽ là một trong những nhà ngoại giao nhận quyết định về nước.
Kuwait cũng nói thêm sẽ ngừng cấp thị thực cho người mang hộ chiếu Triều Tiên.
Đây được coi là bước đi bất ngờ của Kuwait bởi nước này luôn là một trong những thị trường tiếp nhận nhiều lao động của Triều Tiên cho các công việc đang thiếu hụt nhân lực.
Dù Mỹ từng kêu gọi các nước góp sức cô lập Triều Tiên như một cách thức trừng phạt chương trình phát triển vũ khí nguy hiểm của quốc gia này, thế nhưng dưới thời cựu Tổng thống Obama, hiệu quả từ nỗ lực trên không cao.
Với việc chỉ trong một tháng nhận được sự ủng hộ của Tây Ban Nha, Mexico, Peru và Kuwait, đây là một thực tế cho thấy, chiến dịch gây áp lực của Tổng thống Donald Trump đã phần nào thành công, dù ông chỉ mới lên nắm quyền được hơn nửa năm.
Bên cạnh giải pháp trừng phạt kinh tế và cân nhắc một số tùy chọn quân sự, Washington đang tích cực răn đe Bình Nhưỡng bằng nhiều biện pháp để yêu cầu nước này sớm dừng lại những lời đe dọa đối với Mỹ và các đồng minh ở châu Á.