Hợp đồng vũ khí khủng và mối quan hệ hợp tác quân sự thắt chặt
Tân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện vừa có chuyến thăm kéo dài 3 ngày đến Nga. Đây là chuyến công du đầu tiên của ông Tập Cận Bình trên cương vị mới. Trong thời gian qua, báo chí trong và ngoài nước Trung Quốc đã nói không ít về ý nghĩa của việc Chủ tịch Tập Cận Bình chọn Moscow là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Rõ ràng, trong bối cảnh bị Mỹ cùng các đồng minh Châu Á dồn dập thắt chặt vòng vây xung quanh Trung Quốc, Bắc Kinh đặt rất nhiều hy vọng vào mối quan hệ với một nước lớn như Nga.
Chuyến thăm Nga của Chủ tịch Tập Cận Bình được ca ngợi là rất thành công khi Nga và Trung Quốc ký được 30 thỏa thuận hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, từ năng lượng, thương mại, công nghệ đến vũ khí. Trong số này, đáng chú ý nhất là hợp đồng vũ khí “khủng” màNga và Trung Quốc vừa ký kết được với nhau.
Ảnh minh họa
Nguồn tin báo chí từ cả Nga và Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đã ký hợp đồng mua 24 chiếc máy bay chiến đấu Su-35 và 4 chiếc tàu ngầm lớp Lada của Moscow. Hợp đồng này trị giá lên tới hơn 2 tỉ USD. Đây chính là hợp đồng vũ khí lớn nhất mà Trung Quốc ký với Nga trong một thập kỷ qua.
Theo hợp đồng trên, hai chiếc tàu ngầm lớp Lada đầu tiên sẽ được đóng tại Nga và hai chiếc còn lại đóng tại Trung Quốc. Trong khi Su-35 vốn là thứ vũ khí mà Trung Quốc đã thèm khát từ lâu. Những chiếc Su-35 của Nga sẽ giúp Trung Quốc giảm áp lực cho hệ thống phòng không của nước này trước khi những chiếc chiến đấu cơ tàng chế tự hình đầu tiên của Trung Quốc có thể cất cánh được.
Ngoài ra, Trung Quốc và Nga còn được cho là sẽ hợp tác với nhau trong việc phát triển công nghệ quân sự, trong đó có tên lửa phòng không tầm xa S-400, máy bay vận tải lớn IL-476, máy bay tiếp dầu IL-78...
Ngay trong chuyến thăm Moscow, tân Chủ tịch Tập Cận Bình đã không hề giấu diếm mong muốn thắt chặt quan hệ hợp tác nói chung, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự với Nga.
Ông Tập Cận Bình đã có cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và trở thành Nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung tâm Chỉ huy Lực lượng Vũ trang Nga.
Địch thủ chung
Nhìn lại lịch sử, Bắc Kinh và Moscow vốn có mối quan hệ không mấy êm đẹp, đặc biệt trong thời Chiến tranh Lạnh. Giữa hai nước vốn tồn tại một số mâu thuẫn và nghi kỵ lẫn nhau. Trung Quốc và Nga có tranh chấp lãnh thổ ở khu vực biên giới với nhau. Ngoài ra, Moscow từng nhiều lần thể hiện sự bất mãn trước việc Trung Quốc sao chép công nghệ vũ khí hàng đầu của họ.
Tuy nhiên, rõ ràng, trong thời gian gần đây, Moscow và Bắc Kinh đã gạt bỏ sang một bên những mâu thuẫn, nghi kỵ nói trên để tìm đến gần nhau hơn. Vậy đâu là lý do khiến Nga và Trung Quốc hối hả tăng cường mối quanhệ hợp tác chung, đặc biệt là trên lĩnh vực quân sự.
Theo các nhà phân tích, Nga và Trung Quốc trong những năm gần đây đã bắt tay với nhau để làm đối trọng với cái màhọ gọi là sự thống lĩnh của Mỹ trên chính trường toàn cầu và đây cũng là một phần của liên minh quốc tế BRICS.
Như vậy, thực ra, quan hệ Nga-Trung Quốc đã được củng cố từ vài năm nay. Tuy nhiên, có vẻ như ở thời điểm này, mối quan hệ Nga-Trung được tăng cường ở mức đặc biệt hơn. Nguyên nhân chính nằm ở việc Trung Quốc đang cảm nhận được thấy mối đe dọa từ chiến lược quay trở về khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.
Từ hồi cuối năm 2011, Washington đã tuyên bố thay đổi chiến lược, hướng trọng tâm về khu vực Châu Á-Thái Bình Dương – nơi Bắc Kinh đang tìm cách khẳng định, thiết lập ảnh hưởng của mình để biến nó thành “sân sau” của họ.
Sự quay trở lại đầy bất ngờ của Mỹ đã khiến vị trí của Trung Quốc ở Châu Á-Thái Bình Dương lung lay mạnh mẽ. Bắc Kinh không thể không cảm thấy bất an khi xung quanh nước này dường như đang có một vòng vây vô hình do Mỹ thiết lập và thắt chặt dần.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc lại liên tiếp có những cuộc tranh chấp lãnh thổ nóng bỏng và quyết liệt với các nước láng giềng. Những hành động cứng rắn, có phần “hung hăng” của Trung Quốc đã khiến mối quan hệ giữa nước này với các nước láng giềng trở nên xấu đi rất nhiều. Điều đó đã vô tình đem lại lợi ích cho Mỹ.
Mỹ đã củng cố quan hệ hợp tác chặt chẽ với một loạt nước Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Singapore, Australia, New Zealand... Trong thế bị “bao vây” như vậy, Bắc Kinh tin rằng, việc tìm đến với Moscow là con đường thích hợp nhất để đối trọng với Mỹ.
Theo Vnmedia.vn