Đằng sau lời chê bai S-300 Nga "vô dụng" trước cuộc tấn công của Israel ở Syria là một "âm mưu"?

Đằng sau lời chê bai S-300 Nga "vô dụng" trước cuộc tấn công của Israel ở Syria là một "âm mưu"?

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 6, 08/05/2020 08:00

Ngoài việc chỉ trích S-300 không hiệu quả, nguồn tin từ quân đội Syria lưu ý rằng các radar của Trung Quốc đã thể hiện rất tốt trong việc phát hiện tên lửa của Israel. Đây dường như là một tuyên bố khá bất thường.

Tiêu điểm - Đằng sau lời chê bai S-300 Nga 'vô dụng' trước cuộc tấn công của Israel ở Syria là một 'âm mưu'?

Israel vẫn liên tiếp không kích Syria.

Hôm 1/5, tờ Avia.pro dẫn một nguồn tin quân sự Syria với nội dung chỉ trích hệ thống phòng không S-300 do Nga cung cấp là không có khả năng ngăn chặn các cuộc không kích của Israel.

Theo đó, phía Syria đã thể hiện sự thất vọng sâu sắc khi phải chứng kiến chuỗi không kích không hồi kết của Israel từ ngày này qua ngày khác, trong khi hệ thống tinh vi của Nga vẫn im hơi lặng tiếng.

Nếu những lời chỉ trích nói trên là sự thật, có vẻ như Chính phủ Syria đã đổ lỗi cho hệ thống phòng không của Nga, chứ không phải do kíp vận hành của Syria đã thất bại trong việc ngăn chặn các mục tiêu từ bên ngoài.

Ai có lỗi?

Vào tháng 10/2018, Moscow đã chuyển giao cho Damascus hệ thống phòng không S-300 bất chấp lời phản đối từ nhiều nước phương Tây. S-300 đã trở thành một trong những hệ thống tinh vi nhất trong kho vũ khí phòng không già cỗi của Syria.

Tuy nhiên, S-300 có một hạn chế cố hữu, theo chuyên gia Sitki Egeli, từ đại học Kinh tế Izmir, nói với Syria Direct.

“Là một hệ thống tầm xa, S-300 gặp vấn đề về giới hạn của radar, nghĩa là các mục tiêu sẽ không thể bị phát hiện nếu chúng nằm ở vị trí quá thấp. Máy bay tấn công như F-16 thường bay sát mặt đất, khi phát hiện được chúng thì mọi chuyện đã quá muộn”, Egeli giải thích.

Trong quá khứ, các cuộc không kích của Israel được cho là đã sử dụng máy bay F-16 bay ở tầm thấp và máy bay trực thăng. Thông thường, điểm mù này của hệ thống phòng không sẽ được bù đắp bởi các bộ phận tích hợp, như máy bay cảnh báo sớm trên không và cảm biến mặt đất thụ động.

Đối với trường hợp của Syria, thiết bị của nước này quá cũ để theo kịp công nghệ tiên tiến hơn của Israel hoặc nhân sự vận hành yếu kém. Do đó, Syria đã phụ thuộc quá mức vào S-300 khi bắt hệ thống này thực hiện các nhiệm vụ mà nó không được thiết kế.

“Đó không phải là lỗi của S-300 hay S-400, vì chúng chỉ là các hệ thống phòng không tầm xa”, Egeli nói. “Chúng phù hợp với một kiến ​​trúc phòng không rộng lớn hơn và không phải để khắc chế các máy bay tầm thấp”.

Ngoài ra, với công nghệ quân sự tiên tiến, Israel hoàn toàn có thể gây nhiễu và đánh lừa các hệ thống phòng không thông qua các mồi nhử và các mục tiêu giả mạo. Phòng không Syria có thể mắc mưu và phóng tên lửa vào các mục tiêu không tồn tại.

Trung Quốc tận dụng cơ hội

Tiêu điểm - Đằng sau lời chê bai S-300 Nga 'vô dụng' trước cuộc tấn công của Israel ở Syria là một 'âm mưu'? (Hình 2).

S-300 của Nga không phù hợp với các mục tiêu tầm thấp.

Ngoài việc chỉ trích S-300 không hiệu quả, nguồn tin từ quân đội Syria lưu ý rằng các radar của Trung Quốc đã thể hiện rất tốt trong việc phát hiện tên lửa của Israel.

Tờ Syria Direct chỉ ra rằng đây dường như là một tuyên bố khá bất thường, vì nó có nghĩa là Syria hoặc đang sử dụng radar của Trung Quốc đồng thời, nhưng tách biệt với S-300, hoặc đã tích hợp radar vào hệ thống S-300. Mặc dù vậy cả hai khả năng trên đều khó có khả năng xảy ra.

Radar của Trung Quốc có thể được sử dụng để cảnh báo mục tiêu nhưng S-300 vẫn cần phải dựa vào radar của chính nó cho để khai hỏa. “Ngoài ra, việc tích hợp thêm radar Trung Quốc vào hệ thống Nga sẽ phải được các nhà sản xuất Trung Quốc và Nga thực hiện, đây sẽ không phải là một sự hợp tác dễ dàng”, theo Egeli.

Vậy mục đích của những lời chê bai S-300 ở trên là gì? Theo Syria Direct, đây có thể là hành vi tận dụng cơ hội của Trung Quốc khi mượn sự yếu kém của phòng không Nga để tâng bốc vũ khí của mình.

Điều này có khả năng xảy ra khi lời chỉ trích S-300 nói trên được đăng tải trên trang mạng Sina của Trung Quốc. Trước đó, Sina cũng thường xuyên đưa ra những bài viết mổ xẻ hệ thống phòng không Nga.

Chẳng hạn, vào cuối tháng 2, tờ Sina đã công bố một báo cáo kêu gọi Syria thay thế hệ thống S-300 bị đánh giá là kém hiệu quả bằng hệ thống phòng không HQ-9 của Trung Quốc với những chức năng tương tự.

Trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc đã phải vật lộn trong việc tìm đối tác mua hệ thống phòng không. Một thỏa thuận bán hệ thống này cho Thổ Nhĩ Kỳ đã bị hủy bỏ vào năm 2015 khi Ankara cuối cùng đã chọn mua S-400 của Nga.

Syria đã được sử dụng làm nơi thử nghiệm cũng như phô diễn công nghệ quân sự của Nga, giúp thúc đẩy sự bùng nổ trong xuất khẩu vũ khí của Nga sang các nước đang phát triển. Trung Quốc có thể đang tìm cách sử dụng Syria để giới thiệu vũ khí của mình tới thị trường toàn cầu theo cách tương tự.

Lời chỉ trích S-300 của nguồn tin quân sự Syria dù có chủ ý hay không cũng đã giúp Trung Quốc Bắc mở con đường rộng hơn cho xuất khẩu quân sự đến Syria và thúc đẩy hơn nữa danh tiếng công nghệ của nước này.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.