Máy bay Nga thực sự đã đến Libya?
Thông tin một phi đội chiến đấu cơ của Nga đã tới Libya để hỗ trợ cho lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đã gây xôn xao trên truyền thông. Động thái này được triển khai giữa lúc lực lượng LNA của tướng Khalifa Haftar vừa nếm trải một loạt thất bại trước lực lượng Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Cuộc xung đột ở Libya bùng nổ vào tháng 4 năm ngoái, khi LNA phát động cuộc tấn công chiếm quyền kiểm soát thủ đô Tripoli từ tay Chính phủ GNA. Sau nhiều tháng giao tranh dữ dội, bước tiến của LNA đã bị đẩy lùi kể từ khi Ankara bước vào làm đảo ngược cán cân cuộc chiến.
Giới quan sát tin rằng, động thái gửi máy bay tới Libya của Nga được cho là để hỗ trợ tướng Haftar lật lại thế cờ. Tuy nhiên, phía Nga đã lên tiếng phủ nhận thông tin đưa máy bay đến can thiệp.
Theo các báo cáo trên truyền thông và từ phía Mỹ, ít nhất sáu máy bay chiến đấu MiG-29 Fulcrum và hai máy bay chiến đấu Su-24 được hộ tống bởi hai máy bay của không quân Nga đã được ghi nhận hạ cánh tại quốc gia Bắc Phi vào tuần trước.
Theo giới phân tích, Nga dường như muốn tránh ra mặt nên có thể các máy bay này có thể được điều khiển bởi lính đánh thuê nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp theo của Thổ Nhĩ Kỳ vào lực lượng LNA.
Fathi Bashaga, Bộ trưởng Nội vụ Chính phủ GNA cho biết đã nhận được thông tin máy bay Nga đến nước này. Một nguồn tin nói với tờ Middle East Eyes cũng khẳng định trông thấy một chiếc MiG-29 đang đóng tại căn cứ không quân al-Jufrah của tướng Haftar.
Trong khi đó, một hình ảnh vệ tinh chụp từ căn cứ vào ngày 19/5 cho thấy một chiếc MiG-29 và bảy máy bay khác cũng có mặt tại đây.
Hôm 26/5, Bộ Tư lệnh Châu Phi của quân đội Mỹ tuyên bố đang xác nhận thông tin Nga gửi máy bay chiến đấu quân sự tới Libya để hỗ trợ lính đánh thuê đang chiến đấu cho tướng Haftar. Quân đội Mỹ suy đoán các máy bay này đã được tái trang bị ở Syria để che giấu nguồn gốc đến từ Nga.
Tuy nhiên, vẫn còn những thông tin tranh cãi về việc Nga có thực sự gửi máy bay đến hay phi đội này thuộc về quốc gia khác. Theo chuyên gia quốc phòng Akram Kharief, chiếc MiG-29 được ghi nhận nói trên có thể đến từ Belarus thông qua một đơn đặt hàng từ UAE. Kiểu giao dịch này không mới lạ vì ít nhất ba máy bay trực thăng Mi-24PS do UAE giao cho tướng Haftar vào tháng 4/2015 đều đến từ Belarus.
Nhưng giới quan sát cũng lưu ý rằng, cả Belarus và UAE đều không có khả năng triển khai MiG-29 tới Libya mà không có sự hỗ trợ hậu cần và phê duyệt chính trị từ Nga. Nói cách khác, một động thái như vậy phải được phía Moscow đồng ý.
Tướng quân đội Mỹ Stephen Townsend nhận định: "Nga rõ ràng đang vượt qua quy mô lợi ích ở Libya. Giống như ở Syria, họ đang mở rộng dấu chân quân sự của họ ở Châu Phi bằng cách sử dụng các nhóm lính đánh thuê được chính phủ hỗ trợ như Wagner”.
Lực lượng không quân của tướng Haftar không có đủ phi công và nhân viên mặt đất có khả năng duy trì phi đội máy bay đến từ Nga. Do đó, giới quan sát suy đoán phi hành đoàn này là cựu phi công người Nga hoặc người Belarus được thuê thông qua các công ty lính đánh thuê tư nhân.
Những tranh cãi
Các chuyên gia không tin rằng việc triển khai MiG-29 hoặc Su-24 tới Libya sẽ mang lại bất kỳ thay đổi nào trong cuộc chiến chiếm lại Tripoli của tướng Haftar. Theo đó, việc chiếm giữ thủ đô Libya chỉ bằng vũ lực là một điều không thể.
"Mang MiG-29 đến Libya sẽ không thay đổi gì. Không có biến thể nào của MiG-29 có thể mang lại điều gì tốt hơn so với những chiếc Mirage 2000-9 và Wing Loong đang hoạt động trong đấu trường Libya", chuyên gia quân sự Tom Cooper nói với Middle East Eyes.
Các tàu khu trục Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang hoạt động ven biển đã thể hiện khả năng hạ gục máy bay không người lái của UAE bất cứ khi nào chúng đến gần. Những chiếc MiG và Sukhoi sẽ gặp rủi ro tương tự.
Vậy tại sao ai đó lại gửi một phi đội máy bay ném bom chiến đấu "gần như vô dụng" đến Libya để hỗ trợ tướng Haftar?
Theo tờ Middle East Eyes, như đã nhấn mạnh ở trên, những chiếc MiG-29 và Su-24 này không thể được triển khai nếu không có sự hỗ trợ và xác nhận của Moscow. Bất kể nguồn gốc và quyền sở hữu của những chiếc máy bay này là ai, chúng có hỗ trợ cho LNA hay không, thì đều như một sự thay mặt Nga tại Libya- và vì lý do đó, không một lực lượng nào dám mạo hiểm bắn vào những chiếc máy bay này.
Chính vì vậy, sự hiện diện của chúng cũng đủ để ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tấn công khu vực căn cứ quân sự al-Jufrah. Bằng cách cung cấp sự bảo vệ cho căn cứ không quân quan trọng này, Nga đã tăng cường ảnh hưởng ở phía Đông Libya như một nhà đàm phán đang nghiêng về tướng Haftar.
Phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ
Ngay lập tức sau khi có tin báo về việc máy bay chiến đấu đến Libya, Thổ Nhĩ Kỳ đã có phản ứng bằng việc tiến hành tăng cường năng lực phòng không xung quanh căn cứ không quân Tripoli, Misrata và Al-Watiya, mà lực lượng GNA đã chiếm lại từ LNA tuần trước.
Tuy nhiên, khả năng xảy ra một cuộc xung đột trên không giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là không thể. Mục tiêu của Ankara ở Libya luôn là tái cân bằng lực lượng trong một cuộc chiến ủy nhiệm chứ không phải là đối đầu trực tiếp giữa các lực lượng như đã thấy ở Syria.
Do vậy, kịch bản dễ xảy ra nhất là GNA và LNA sẽ quay trở lại thế giằng co như trước khi cuộc xung đột bắt đầu. Tác dụng của việc triển khai máy bay Nga là đảm bảo giữ nguyên hiện trạng và cán cân sức mạnh giữa hai bên.
Kịch bản như vậy phù hợp với thông cáo báo chí ngày 21/5 của Bộ Ngoại giao Nga sau cuộc trao đổi qua điện thoại giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu kêu gọi lệnh ngừng bắn ngay lập tức, cũng như nối lại các giải pháp chính trị ở Liên Hợp Quốc.