Ngay sau khi Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đưa ra tuyên bố trên, ngày 9/10, Điện Kremlin đã có động thái phản hồi. Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang tổ chức các cuộc đàm phán cấp chuyên gia về khả năng Moscow chuyển giao công nghệ sản xuất lá chắn tên lửa S-400 cho Ankara sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống này.
Trước đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói Ankara hy vọng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cùng sản xuất S-400, nhưng phía Kremlin đã từ chối hợp tác.
“Chúng tôi đã thỏa thuận về việc cùng sản xuất trong thời gian trung và dài hạn. Nếu Nga không đồng ý, chúng tôi sẽ ký với một quốc gia khác. Nhưng tới nay chúng tôi chưa nhận được bất kỳ thông điệp tiêu cực nào từ Moscow về vấn đề này. Tổng thống Putin nói, hai bên có thể sẽ cùng khởi động quá trình sản xuất”, ông Cavusoglu nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Aksam.
Hôm 12/9, Moscow và Ankara đã thông qua thỏa thuận mua bán S-400. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói Ankara đã thanh toán đợt đầu tiên với Moscow.
Video: Hệ thống S-400 bắn hạ mục tiêu.
Cũng ngay sau khi xuất hiện tuyên bố của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Kremlin cho hay quá trình đàm phán với Saudi Arabia về việc Nga cung cấp S-400 cho Riyadh đã khá thành công. Đó là kết quả cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Putin và Nhà vua Salman của Saudi tại điện Kremlin hồi tuần trước, trong đó phía Saudi khẳng định nước này đã ký một biên bản ghi nhớ việc mua lá chắn S-400.
Một ngày sau, Lầu Năm Góc nói bộ Ngoại giao Mỹ đã đồng ý bán hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) cho Saudi Arabia với giá khoảng 15 tỷ USD. Khi được hỏi rằng liệu hợp đồng vũ khí Mỹ-Saudi có ảnh hưởng tới thỏa thuận trên của Nga hay không, ông Dmitry Peskov nói: “Chúng tôi chỉ có thể nói về trường hợp của riêng mình. Những liên lạc (giữa Nga và Saudi) rất khả quan và đã đạt được những kết quả căn bản”.
Maria Vorobyova, một quan chức Nga phụ trách hợp tác công nghệ quốc phòng cho biết: “Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận với Saudi về việc giao nhận hệ thống phòng thủ S-400, hệ thống tên lửa chống tăng tự hành Kornet-EM, hệ thống pháo phản lực phóng loạt nhiệt áp TOS-1A, súng phóng lựu tự động AGS-30 và súng trường Kalashnikov AK-103”.
Tuần trước, Nga cũng ký hợp đồng sản xuất AK-103 với Saudi. Saudi là một đồng minh lâu năm của Mỹ ở Trung Đông và các hợp đồng vũ khí với Moscow khiến Washington không an tâm.
Tuy nhiên, ông Peskov khẳng định quyết định giao dịch của Moscow với Saudi không nhằm hướng tới bên thứ ba.
“Hợp tác công nghệ quốc phòng giữa Moscow và Riyadh hoàn toàn độc lập và không nhằm tới các quốc gia thứ ba trong khu vực hay bất kỳ vùng nào trên thế giới. Vì thế, chúng tôi tự tin rằng quá trình hợp tác không khiến ai phải lo lắng”, ông Peskov nói.
Xem thêm: Bàn cờ Trung Đông: Những bước đi của ông Putin khiến Mỹ ra rìa
D.T