Phóng viên báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn độc quyền Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc), để cùng mổ xẻ về tuyên bố chấm dứt chính sách “xoay trục” sang khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Tổng thống Trump.
Theo ông, tại sao chính quyền Tổng thống Donald Trump lại tuyên bố chấm dứt chính sách tái cân bằng hay còn gọi là chính sách “xoay trục châu Á” vào thời điểm này?
Như tôi đã từng nói nhiều lần từ năm ngoái, chính sách "xoay trục" sang châu Á của Mỹ sẽ không còn hiệu lực, một khi Chính quyền ông Obama kết thúc nhiệm kỳ.
Bất kể là ai lên làm Tổng thống Mỹ, thuật ngữ “tái cân bằng” sẽ bị thay thế bởi một ngôn từ khác, nhằm phản ánh những ưu tiên mới của người kế nhiệm.
Và đó chính là lúc diễn ra chuyến thăm châu Á lần đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng của ông Rex Tillerson. Bà Susan Thornton, quyền trợ lý Ngoại trưởng, phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã tuyên bố, thuật ngữ “tái cân bằng” giờ đây là cụm từ của quá khứ cùng với chính quyền cũ. Bà cũng nói rằng Chính quyền ông Trump sẽ có đối sách riêng của mình.
Việc không dùng thuật ngữ “tái cân bằng” không phải do áp lực từ bất kỳ quốc gia nào. Tổng thống Trump giờ đang có đối sách kiểu “hòa bình thông qua sức mạnh” (hoặc hiểu là sức mạnh mềm) bằng cách tăng ngân sách quốc phòng thêm 10%, hay tăng cường năng lực Hải quân Mỹ.
Hiện chính phủ của ông Trump đang xây dựng Chiến lược An ninh Quốc gia của Hoa Kỳ để trình lên Quốc hội. Rất có thể chính quyền Tổng thống Trump sẽ công bố một thuật từ chính sách mới dành cho khu vực châu Á cùng lúc với thời điểm công bố bản Chiến lược này.
Theo ông, nên hiểu thế nào sự kiện này trong bối cảnh ông Trump có thể sắp có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến trong tháng 4/2017?
Chính quyền ông Trump chắc chắn sẽ không sử dụng lại thuật ngữ “tái cân bằng” hay “xoay trục” bởi lẽ, đó là những cụm từ của thời ông Obama. Thực ra, việc loại bỏ thuật ngữ đó không hề làm suy giảm thế lực của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Vấn đề nhượng bộ chủ yếu của ông Trump đã làm với Trung Quốc chính là tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ với chính sách “Một Trung Quốc”, coi nó là điều kiện tiên quyết khi ông điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Chúng ta cũng lưu ý Tổng thống Trump gần đây không còn đề cập, hay nhắc lại việc coi Trung Quốc là “kẻ thao túng tiền tệ” nữa, cũng như ông Trump chưa hề có hành động gì để áp thuế cao lên hàng hóa của Trung Quốc xuất sang Mỹ.
Vấn đề là, Tổng thống Trump cần sự hợp tác của Trung Quốc để giải quyết vấn đề Triều Tiên, được xem là mối quan ngại lớn nhất cho an ninh của Mỹ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Cuộc gặp của ông Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago trong tháng tới sẽ tạo tâm thế linh hoạt, uyển chuyển cho họ.
Tổng thống Trump sẽ giành lợi thế bằng sự chủ động (cuộc gặp gỡ) này bởi qua đó, cả thế giới và người dân Mỹ sẽ có cái nhìn tích cực hơn vào nhiệm kỳ Tổng thống của ông. Hợp tác Mỹ-Trung là cần thiết cho ổn định và an ninh khu vực và cả thế giới.
Vậy việc chấm dứt chính sách “tái cân bằng Châu Á” của Mỹ sẽ tác động thế nào tới các quốc gia được coi là đồng minh của Mỹ trong khu vực, như Hàn Quốc, Nhật Bản, hoặc như Philippines, Thái Lan, Singapore ?
Rõ ràng là Chính quyền Tổng thống Trump đang dành ưu tiên với các đồng minh Đông Bắc Á là Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là điều cần thiết để xử lý được vấn đề Triều Tiên.
Chính quyền Tổng thống Trump sẽ cần vai trò của Hàn Quốc và Nhật Bản khỏa lấp khoảng trống như là cách an ủi, hợp tác với nhau chặt chẽ theo thế chân vạc, cùng với Mỹ.
Singapore sẽ hoan nghênh các chính sách của Chính quyền Trump theo cái cách gọi là “hòa bình bằng sức mạnh/sức mạnh mềm” một khi mà Mỹ duy trì sự hiện diện và liên đới tới vấn đề thúc đẩy an ninh và ổn định tại khu vực Đông Á.
Là đối tác thương mại lớn của Mỹ, Singapore chịu ảnh hưởng lớn vào mối quan hệ hợp tác song phương Mỹ-Trung hiệu quả.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Xem thêm >> Đối thủ của Putin cùng hàng trăm người bị bắt vì biểu tình trái phép
Hà Nguyên
(Thực hiện)