Nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Nga AvtoVAZ, nổi tiếng với thương hiệu xe Lada, đang trên đà quay trở lại thị trường Iran sau 25 năm gián đoạn, CEO Maxim Sokolov nói với hãng thông tấn nhà nước TASS hôm 16/4.
Cuộc xung đột ở Ukraine đã thúc đẩy hàng trăm công ty nước ngoài rời bỏ Nga nhưng không có lĩnh vực nào của “xứ sở Bạch dương” bị ảnh hưởng nặng nề hơn xe hơi. AvtoVaz đã chứng kiến hoạt động sản xuất của mình gần như bị đình trệ kể từ khi công ty mẹ Renault (Pháp) bán cổ phần và rút khỏi thị trường Nga.
Kế hoạch không thay đổi
Trước xung đột, AvtoVaz sản xuất theo mô hình mà ở đó hầu hết các bộ phận phức tạp hơn đều được nhập khẩu từ Tây Âu. Những hoạt động nhập khẩu đó hiện đã bị đình chỉ và gã khổng lồ xe hơi Nga có rất ít lựa chọn thay thế. Tuy nhiên, điều này không ngăn được kế hoạch cho những chiếc Lada huyền thoại lăn bánh ở quốc gia Trung Đông.
“Chúng tôi không thay đổi kế hoạch của mình vì bất kỳ thách thức nào”, ông Sokolov khẳng định khi được hỏi về dự định của hãng cho thị trường Iran, bất chấp căng thẳng ngày càng gia tăng ở Trung Đông. “Cơ sở hạ tầng để bán hàng ở Iran đã được chuẩn bị sẵn sàng. Chúng tôi sẽ bắt đầu giao hàng và bán hàng trong năm nay”.
Vị CEO cũng tiết lộ rằng kế hoạch thâm nhập thị trường Iran và bán các mẫu xe tại địa phương trong năm nay là một phần của mối quan hệ ngày càng tăng giữa AvtoVaz với đối tác Iran là SAIPA, nổi tiếng với mẫu Mark-I Dacia Logan.
Ông Sokolov không tiết lộ chính xác doanh số bán hàng mà AvtoVAZ dự đoán cho thị trường Iran, nơi chủ yếu do các công ty ô tô địa phương Iran Khodro Co (IKCO) và SAIPA (trước đây là liên doanh với Pháp) thống trị.
Xét đến việc thị trường Iran đã bán được hơn 1 triệu xe vào năm ngoái, AvtoVAZ coi đây là một thị trường rất hứa hẹn cho các loại xe giá rẻ. Tháng 12 năm ngoái, ông Sokolov thông báo rằng công ty đang xem xét bán các mẫu xe Lada ở Iran dưới dạng CBU – là xuất khẩu những chiếc xe hoàn chỉnh không cần lắp ráp, theo cổng thông tin của Đại sứ quán Iran tại Nga.
Những chiếc xe Lada đã được ra mắt công chúng tại Iran trong Triển lãm Eurasia Expo lần thứ 2 vào tháng 12/2023 và việc nhập khẩu sẽ do một công ty có tên Nika Motors đảm nhận. Tuy nhiên, hãng vẫn chưa công bố thời gian đăng ký và cung cấp xe Lada Nga tại Iran.
Vấn đề về logistics
Kể từ khi xung đột bùng phát, các doanh nghiệp xuất khẩu của Nga còn phải đối mặt với các vấn đề về logistics. Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã tàn phá lĩnh vực hậu cần của Nga vào năm 2022, làm gián đoạn tạm thời hoạt động xuất khẩu hàng hóa của nước này.
Để phản ứng với việc các hãng vận tải hàng hóa và công ty hậu cần hàng đầu của phương Tây cắt đứt quan hệ với Moscow, Nga đã bắt đầu mua tàu vận tải để duy trì hoạt động xuất khẩu các hàng hóa quan trọng.
Trong hơn 2 năm qua, phần lớn dầu mỏ của Nga đã được vận chuyển đi khắp thế giới bởi một đội tàu được gọi là “hạm đội bóng tối” gồm gần 500 chiếc, phần lớn đều là tàu chở dầu cũ kỹ. Một “hạm đội” tương tự đã được thành lập để xuất khẩu ngũ cốc và các mặt hàng nông sản khác.
Trước đây Nga phụ thuộc nhiều vào đội tàu nước ngoài về vận chuyển xe hơi và không sẵn lòng đầu tư trực tiếp cho dịch vụ này nếu không có cam kết lâu dài với khách hàng, theo một nguồn tin trong ngành hậu cần ô tô Nga. Ngược lại, khách hàng không sẵn sàng chấp nhận rủi ro và trách nhiệm pháp lý vì tình hình bán hàng trong và ngoài nước rất khó lường, nguồn tin giải thích.
Năm 2021, Nga xuất khẩu 89.100 xe thành phẩm trị giá gần 1,4 tỷ USD, cơ quan thống kê nhà nước Nga Rosstat ước tính. Năm 2022, xuất khẩu được cho là đã giảm mạnh gần 3 lần.
Tuy nhiên, ngay cả trong những năm trước, xe thành phẩm của Nga chủ yếu được chuyển đến các nước hậu Xô Viết, bao gồm các nước thuộc Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS), trong khi khối lượng vận chuyển bằng đường biển rất thấp.
Do đó, động lực phát triển logistics cho mảng xuất khẩu xe hơi sẽ phụ thuộc vào nhu cầu nước ngoài đối với các thương hiệu Nga.
Minh Đức (Theo bne IntelliNews, Automotive Logistics)