"Cầm đèn chạy trước ô tô" hay dự báo điều sẽ xảy ra?
Chỉ hai tháng nữa, bầu cử Tổng thống ở Nga sẽ diễn ra và giới phân tích cùng công chúng đều tin rằng, Tổng thống Vladimir Putin đang tràn đầy cơ hội để nắm giữ nhiệm kỳ thứ tư trong sự nghiệp chính trị của ông.
Như một cách tiết kiệm thời gian và tiền bạc để tổ chức một cuộc bầu cử mà kết quả gần như được định sẵn, ngày 15/1, công cụ tìm kiếm Google đã “công khai tuyên bố” ông Putin là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 3/2018.
Khi gõ cụm từ “cuộc bầu cử năm 2018" trên công cụ Google tiếng Nga, người dùng sẽ được hiển thị kết quả bài viết từ Wikipedia với ảnh chân dung ông Putin, kèm dòng chữ khẳng định, nhà lãnh đạo Nga đã giành thắng lợi, theo Global Voice.
Sự việc hi hữu này đã khiến nhiều người dùng internet cảm thấy ngỡ ngàng khi trang web tìm kiếm được sử dụng nhiều nhất thế giới dường như đã quá yêu mến ông Putin và cho ông giành thắng lợi trước cả khi cuộc bầu cử diễn ra.
Tuy nhiên, trên thực tế các chuyên gia cho biết, đây được coi là một lỗi vô tình bị tạo ra bởi tính năng trả lời truy vấn của người dùng đi kèm kết quả tìm kiếm của Google.
Khi tìm kiếm một vấn đề nào đó trên thanh công cụ này, những thông tin được hiển thị thường kèm theo nguồn từ Wikipedia hoặc các trang web chính thức mà Google coi là đáng tin cậy.
Trong trường hợp trên, Google đã lấy nguồn từ dòng thông tin sai trên Wikipedia – từ điển bách khoa trực tuyến mà người dùng có thể tùy ý thêm thắt, sửa đổi nội dung.
“Ai đó đã thêm tên của ông Putin vào phần mở đầu bài viết về cuộc bầu cử, sau đó công cụ tìm kiếm lập chỉ mục và phản ánh những thay đổi mới nhất trong kết quả của nó”, Stanislav Kozlovsky, Giám đốc bộ phận Nga của Wikimedia - công ty mẹ của Wikipedia, giải thích.
Wikipedia được biết đến với mô hình tập hợp nguồn thông tin từ người dùng để tạo nên bài viết, qua đó bất cứ ai cũng có thể đóng góp nội dung để viết về một vấn đề mà họ am hiểu. Thông tin của bài viết sẽ được kiểm tra và sửa đổi liên tục.
Các bài viết có sự thay đổi tùy theo ngôn ngữ và có công cụ kiểm soát những dạng tin tức giả như thế này. Mặc dù vậy, đã có một sai sót nào đó trên phiên bản tiếng Nga của trang.
Hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa rõ thông tin thêm thắt này chỉ là một trò đùa của ai đó hay có động cơ chính trị đứng đằng sau.
Mặc dù lỗi trên đã được sửa lại chỉ sau 20 phút, nhưng nó cũng quá đủ thời gian để khiến nhiều người dùng tinh ý nhận ra và phản ứng lại một cách hài hước.
“Ai đó hãy gọi cho Thượng nghị sĩ Pushkov. Người Mỹ đang sử dụng Google để can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng ta bằng việc ủng hộ cho một ứng viên có lợi đối với họ”, một người dùng Twitter ở Nga mỉa mai những cáo buộc gần đây của Mỹ khi cho rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử của nước này vào năm 2016.
Nhân vật Alexey Pushkov được nhắc tới vốn là thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh Liên bang, được biết đến là người cực lực phản đối các cáo buộc về sự can thiệp của Nga ở nước ngoài và công khai chỉ trích sự can thiệp của Mỹ ở Nga.
Lo ngại về tin tức giả
Thông thường, các vụ sửa đổi thông tin trên Wikipedia từ trước đến nay không gây ra những hậu quả nghiêm trọng mà thường chỉ là những trò đùa vui trên mạng. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, trò đùa kiểu này đang cho thấy những vấn đề nghiêm trọng.
Nó đặt ra câu hỏi về cách Google quyết định đâu là nguồn đủ tin cậy để mang đến “câu trả lời” cho truy vấn tìm kiếm của người dùng.
Trong khi Wikipedia là trang web rất được người dùng internet tin tưởng khi có nguồn thông tin trung lập và ít gây tranh cãi hơn so với các tờ báo hay kênh truyền thông, lỗi này có thể khiến cho người dùng internet tin nhầm vào tin tức giả và dễ bị định hướng dư luận.
Sự việc cũng khiến người dùng hoang mang, khi họ không biết nên tin vào nguồn nào để giải đáp thắc mắc của mình.
Từ Brazil tới Indonesia cho đến Mỹ, ngày càng có nhiều người ở mọi lứa tuổi đang bắt đầu thay đổi hoặc đã chuyển sang sử dụng nền tảng web như là nguồn chính thống để cập nhật thông tin.
Điều này đồng nghĩa với việc mọi người sẽ ngày càng mong đợi kết quả từ công cụ tìm kiếm (đặc biệt là Google), mạng xã hội và các công cụ cấp tin tự động khác sẽ cung cấp cho họ chính xác những gì thế giới đang diễn ra.
Do đó, chỉ cần thông tin sai lạc về một sự kiện quan trọng như bầu cử Tổng thống, tác động của người dùng khi tiếp nhận thông tin này lên hiện thực sẽ rất khác.
Để đối phó với “tin tức giả” (fake news), nhà phân tích truyền thông Nina Jankowicz cho rằng chúng ta cần phải là người dùng internet thành thục và phát triển kỹ năng sàng lọc thông tin đúng, sai.