Được Meta ví như "đường cao tốc kỹ thuật số", tuyến cáp quang biển này sẽ cung cấp dịch vụ truyền thông tốc độ cao trên toàn thế giới và tạo ra kết nối đáng tin cậy cho người dùng Facebook, Instagram và WhatsApp.
Khi hoàn thành, đây sẽ là tuyến cáp dài nhất thế giới và tiêu tốn của công ty hơn 10 tỷ USD.

Tuyến cáp ngầm của Meta có độ dài lên đến 50.000 km
Mạng lưới dài 50.000 km này sẽ kết nối 5 châu lục, bao gồm các điểm chính ở Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi.
TechCrunch cho biết tầm quan trọng của dự án đối với Ấn Độ đặc biệt được nhấn mạnh trong bối cảnh này vì nó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), cung cấp khả năng truyền thông ổn định và có thể mở rộng. Điều này cực kỳ quan trọng cho các dịch vụ số trong tương lai.
Đại diện công ty cho biết dự án sử dụng kiến trúc mới với 24 cặp cáp quang cũng như phương pháp lắp đặt sáng tạo.
"Chúng tôi sẽ tối đa hóa chiều dài cáp được lắp đặt ở các vùng biển sâu, áp dụng các phương pháp lắp đặt mới ở những khu vực có nguy cơ cao để giảm khả năng hư hỏng do các yếu tố địa lý và chính trị", Meta cho biết.
Ngoài ra, địa chính trị cũng đóng vai trò quan trọng trong quyết định rót vốn xây dựng cơ sở hạ tầng dưới nước của Meta.
Về vấn đề này, ngày 13/2, Nhà Trắng công bố tuyên bố chung giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Ấn Độ, nêu chi tiết các lĩnh vực hai nước sẽ hợp tác, lưu ý đến cam kết hợp tác phát triển các công nghệ dưới nước trong khuôn khổ quan hệ đối tác quốc phòng.
Tuyên bố chung cũng đề cập đến dự án Waterworth của Meta và sự tham gia của Ấn Độ vào hoạt động tài trợ cho dự án này.
Meta nhấn mạnh dự án sẽ củng cố cơ sở hạ tầng kỹ thuật số toàn cầu.
"Truyền thông kỹ thuật số, dịch vụ video và giao dịch trực tuyến chỉ là một số lĩnh vực mà dự án Waterworth sẽ hỗ trợ", Phó chủ tịch kỹ thuật của Meta Gaya Nagarajan, và Giám đốc đầu tư mạng lưới toàn cầu Alex-Handrah Aime cho biết.
Công ty cho biết, tuyến cáp này sẽ tạo ra 3 tuyến mới có dung lượng lớn, cho phép phát triển AI trên quy mô toàn cầu.
Điều đáng chú ý, đây không phải là dự án đầu tiên như vậy của Meta.
Công ty hiện là đồng sở hữu của 16 mạng lưới, bao gồm dự án 2Africa quy mô lớn phủ sóng toàn bộ lục địa châu Phi. Tuy nhiên, dự án Waterworth sẽ là tuyến cáp quang biển đầu tiên thuộc sở hữu hoàn toàn của Meta, giống như cách Google hoạt động với các hạ tầng tuyến cáp quang biển của riêng mình.
Minh Đức (Theo Thanh Niên, VietNamNet)