Trump ca ngợi điều gì về ông Kim Jong -un?
Theo Reuters, ông Trump điện đàm với Thủ tướng Thái Lan và Singapore về vấn đề Triều Tiên và mời họ đến Washington.
“Các nhà lãnh đạo đã thảo luận việc duy trì sức ép ngoại giao, kinh tế đối với Triều Tiên”, một quan chức Mỹ tiết lộ về nội dung cuộc điện đàm.
Cuộc điện đàm của ông Trump với hai nhà lãnh đạo châu Á diễn ra 2 ngày, sau khi Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa mà theo như Mỹ, Hàn Quốc là dù không thành công, song khiến quốc tế lên án gay gắt.
Trước đó, Tổng thống Trump cũng đã trao đổi qua điện thoại với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và cũng mời ông đến Nhà Trắng.
Một tuần trước đó, ông Trump cũng trò chuyện với lãnh đạo các nước Trung Quốc, Nhật Bản về vấn đề Triều Tiên.
Ông Trump trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Reuters từng cảnh báo “một xung đột rất lớn” với Triều Tiên là điều có thể xảy ra. Ông khẳng định, sẽ không báo trước về kế hoạch quân sự nào để bảo đảm yếu tố bất ngờ. Còn Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thì cho biết, Washington không bỏ qua lựa chọn nào.
Vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng diễn ra khi tàu sân bay USS Carl Vinson tiến đến vùng biển gần Triều Tiên để tập trận với Hàn Quốc vào ngày 29/4, một quan chức hải quân Hàn Quốc cho hay.
"Chúng tôi cần sự hợp tác với càng nhiều đối tác trong khu vực này càng tốt, để đảm bảo rằng chúng tôi đã sẵn sàng", Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus nói với đài ABC hôm 30/4.
"Vì vậy, nếu có gì đó xảy ra tại Triều Tiên, chúng tôi đã có được sự ủng hộ của mọi người trong kế hoạch hành động có thể phải cần đến tất cả các đối tác của chúng tôi trong khu vực", ông Priebus nói thêm.
Phát biểu với đài CBS ngày 30/4, ông Trump đã miêu tả lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un "thông minh". Ông Trump lưu ý rằng, ông Kim đã thừa hưởng quyền lực khi còn trẻ và đã đối phó với "những người rất cứng rắn".
Theo Chánh văn phòng Nhà Trắng Priebus, ông Trump thường xuyên liên lạc với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Đồng thời ông cũng có mối quan hệ “rất thân” với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Vụ phóng tên lửa ngày 29/4 của Triều Tiên làm gia tăng thêm căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên.
Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất, đồng minh lâu năm của Triều Tiên đã bày tỏ sự lo ngại trước việc Bình Nhưỡng theo đuổi chương trình hạt nhân và vi phạm nghị quyết Liên Hợp Quốc trong việc phát triển tên lửa xuyên lục địa.
Tổng thống Trump cho rằng, vụ thử lần này cho thấy Bình Nhưỡng không tôn trọng các nguyện vọng của Trung Quốc.
Mỹ có thể xây dựng liên minh lớn nhất trong khu vực châu Á để chống lại Triều Tiên?
Không rõ việc lôi kéo đồng minh ở châu Á của ông Trump có phải là tín hiệu cho thấy Mỹ đang chuẩn bị có hành động đáp trả Bình Nhưỡng hay không.
Giáo sư Jens David Ohlin, chuyên gia về lĩnh vực luật quốc tế của đại học Luật Cornell cho rằng Mỹ có thể xây dựng liên minh lớn nhất trong khu vực châu Á để chống lại Triều Tiên.
Adam M. Smith, một chuyên gia về các biện pháp trừng phạt của bộ Tài chính Mỹ thời ông Obama, cho biết bài học từ việc hạn chế tham vọng hạt nhân của Iran cho thấy, áp lực từ việc hợp tác đa phương bao giờ cũng hiệu quả hơn.
Ông Smith cho biết: "Tôi nghĩ việc Mỹ cố gắng mở rộng mạng lưới đồng minh thì tốt hơn là việc chỉ dựa vào Bắc Kinh. Đây có thể là một sự khởi đầu tốt về đa phương hóa".
Xem thêm >> Bầu cử Tổng thống Pháp: Cuộc đua thay đổi lịch sử EU?
Đào Vũ