Đằng sau vở kịch có diễn viên là... robot

Đằng sau vở kịch có diễn viên là... robot

Thứ 6, 20/09/2013 12:37

Suốt từ trước, trong và sau buổi diễn, khán giả Việt được dẫn dắt cảm xúc từ tò mò, hồ hởi đến thất vọng, tiếc nuối rồi cuối cùng là khâm phục và cảm động.

Những ngày vừa qua, trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam mang đến cho khán giả Hà Nội một vở kịch đặc biệt. Trong vở kịch đó, tham gia diễn xuất có sự góp mặt của một con robot có hình dạng như người. Buổi biểu diễn đã thu hút đông đảo khán giả Việt, nhất là giới trẻ. 

Lần đầu xem robot diễn kịch

Các suất chiếu của vở kịch này luôn đông nghịt  khán giả. Vì được quảng cáo là một vở kịch có sự tham gia của người máy nên nó có một sức hút rất lớn. Việc nhìn thấy tận mắt một con robot giống y như người đã đủ gây tò mò, chưa kể nó còn diễn kịch. Đây là một thể nghiệm rất mới và táo bạo, lần đầu tiên trên thế giới người ta giao một vai chính cho robot và đây cũng là lần đầu tiên khán giả Việt được xem thể loại kịch này. Một lần đầu tiên đầy hồ hởi.

Chưa đến giờ diễn mà khán phòng đã không còn chỗ ngồi. Tất cả khán giả đều hướng ánh mắt tò mò lên khán đài, nơi con robot xinh đẹp ngồi im lặng chờ đến giờ diễn. 15 phút trước giờ biểu diễn, màn hình phía trên sân khấu liên tục đưa ra thông báo: "Để đảm bảo thành công của buổi diễn, vui lòng tắt điện thoại di động và mọi thiết bị ghi hình". Nhưng có lẽ nhiều khán giả mải ngắm robot quá mà không đọc được thông báo, buộc thành viên của trung tâm Văn hóa Nhật Bản cứ chạy đi chạy lại nhắc từng người một.

Đèn sân khấu tối dần, báo hiệu đã đến giờ diễn, bỗng nhạc chuông điện thoại của một chiếc iPhone vang lên, giọng một người đàn ông trả lời điện thoại vang cả khán phòng của rạp Công Nhân. Ông Inami Kazumi, giám đốc trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam đứng ở góc phòng, nhìn trân trân chỗ phát ra tiếng ồn mà không biết làm gì, cũng may người đàn ông kia vừa trả lời điện thoại vừa đi ra ngoài. Vở kịch bắt đầu.

Vở kịch có tên "Sayonara" (tiếng Nhật có nghĩa là Tạm biệt). Đây là một vở kịch ngắn đầy sáng tạo do diễn viên người thật đóng cùng với Geminoid F, một người máy với diện mạo xinh đẹp. Vở kịch miêu tả một cảnh trong đó một người máy đọc thơ bằng tiếng Nhật, tiếng Pháp và tiếng Đức cho cô chủ trẻ đang lâm bệnh nặng nghe. Sau khi cô chủ chết, người máy được trao cho nhiệm vụ mới: "Cô" sẽ đến Fukushima để đọc thơ những người chết, một nơi mà con người không thể đến để an ủi những người đã khuất.

Sự kiện - Đằng sau vở kịch có diễn viên là... robot

Robot Geminoid F (trái) bên người mẫu

Với Sayonara, nhiều khán giả, đặc biệt là những người lớn tuổi vô cùng xúc động, thậm chí họ khóc. Chính tác giả của vở kịch cũng đã khẳng định “đứa con tinh thần” của ông đã khiến nhiều khán giả trên thế giới phải rơi lệ. Xét cho cùng, vở kịch là những trải nghiệm về sự cô đơn và xa hơn là ý nghĩa của sự sống, cái chết. Trong đó, cái chết hoàn toàn không phải bi kịch, còn sự sống cũng không một màu hoan hỉ. Sống hay chết thì con người ấy, người máy ấy cũng cần sự chia sẻ để không phải một mình, không phải ngưng giao tiếp đến mỏi mòn. Cũng vì thế, vở diễn là tấm gương để khán giả chậm lại mà soi vào chính mình.

Vở kịch có thể đơn giản và ngắn (chỉ có 19 phút) nhưng để lại cho người xem ấn tượng sâu sắc với câu hỏi "sự sống và cái chết có ý nghĩa gì với con người và robot?".

Vở kịch này đã được công diễn lần đầu vào năm 2010 tại Nhật Bản và từ đó được đem đi giới thiệu ở nhiều nước trên thế giới trong đó có Áo, Pháp, Đức, Ý, Đan Mạch, Mỹ, Úc, Hàn Quốc và Thái Lan, được đánh giá cao và giành được rất nhiều lời khen ngợi. Trong 5 năm qua, đã có 5 tác phẩm kịch do GS Oriza Hirata sáng tác và đạo diễn, được diễn thành công ở 15 quốc gia châu Á và châu Âu. Tác phẩm thứ 6 sẽ được công chiếu lần đầu tiên tại Pháp năm 2014.

"Sayonara" là tác phẩm thứ ba trong số đó. Để có được những cử động về khuôn mặt, ánh mắt, lời nói... của người máy, nhóm nghiên cứu mất 4 năm phát triển phần mềm. Người máy Geminoid F được phòng thí nghiệm của giáo sư Ishiguro tạo ra năm 2010.

Việt Nam cũng sẽ có kịch robot?

"Chúng tôi thu lại lời thoại, cử động của diễn viên thật rồi lập trình cho người máy. Chương trình được lập chính xác đến 0,1 giây. Nếu diễn viên không luyện tập kỹ để căn lời thoại thì người máy cứ tiếp tục công việc của mình. Với những vở diễn ngắn chúng tôi hầu như không gặp trục trặc gì nhưng với vở diễn dài, đã có lần chúng tôi phải ra xin lỗi khán giả để khởi động lại robot. Rất may ở Việt Nam không gặp phải sự cố đó", GS Oriza Hirata, tác giả và đạo diễn của vở kịch chia sẻ.

Ông cũng cho biết, để có 19 phút trên sân khấu, ê-kíp đã phải mất ba tuần để chuẩn bị, riêng phần lập trình cho robot chỉ mất 1 tiếng rưỡi. Sau công đoạn lập trình từng hành động kịch, diễn viên phải tập cùng robot để khớp lời. Trung bình, mất một tháng để diễn viên và người máy cùng tập với một vở kịch. Vị đạo diễn này cũng tiết lộ, chỉ có một lập trình viên đứng đằng sau để hỗ trợ robot, những hoạt động khác đều đã được lập trình và điều khiển từ xa. Trong lần biểu diễn này, có một kỹ sư tại Nhật điều khiển từ xa qua internet cho hoạt động của robot tại Hà Nội.

Kịch tác gia này cũng khẳng định, dự án kịch robot của ông nhận được sự hỗ trợ rất lớn của Chính phủ Nhật. Ông cùng nhóm nghiên cứu kỳ vọng rằng sẽ chế tạo những người máy Android để sống với người cô đơn. "Nếu bạn sống ở TP. HCM mà ông bà bạn lại sống ở Hà Nội, chúng tôi sẽ chế tạo một người máy giống hệt các bạn sống cùng ông bà để họ có cảm giác ấm cúng của gia đình. Giá chỉ khoảng 100.000 USD, rẻ hơn một chiếc ô tô", đạo diễn Oriza Hirata "quảng cáo".

Ngay sau lời "chào hàng" của đạo diễn, một thầy giáo của đại học Bách khoa Hà Nội đã đứng lên cảm ơn lời mời của đạo diễn và khẳng định rằng Việt Nam cũng có sẵn robot, chỉ không sẵn kịch bản để diễn. Thầy giáo này cũng đề nghị kịch tác gia người Nhật sáng tác một kịch bản cho robot Việt. Ông Oriza Hirata đáp lại: "Ở những vở kịch như thế này cần có sự thấu hiểu rất cặn kẽ giữa đạo diễn và lập trình viên. Tôi không thể đưa kịch bản cho các bạn một cách dễ dàng được. Tôi nghĩ Việt Nam cũng có nhiều kịch tác gia giỏi để hợp tác với bạn".

Khi được hỏi so sánh diễn xuất của diễn viên và robot, đạo diễn nói: "Hầu như không có sự khập khiễng nào trong diễn xuất của diễn viên và robot. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt là robot đã nhớ thì không bao giờ quên, con người lại khác. Con người có những giới hạn không thể vượt qua nhưng robot lại khác, ví dụ như việc nhảy cao 2m trên sân khấu. Người diễn viên luôn có những giới hạn nhất định. Việc sản xuất kịch robot là một trải nghiệm chỉ mình tôi có, tôi rất tự hào về điều đó nên không bao giờ cảm thấy khó chịu với những hạn chế của robot".              

Kịch tác gia danh tiếng thế giới kiêm đạo diễn sân khấu Giáo sư Oriza Hirata (Đại học Osaka) và đoàn kịch Seinendan đã có một hợp tác đặc biệt với chuyên gia người máy hàng đầu của Nhật Bản giáo sư Hiroshi Ishiguro (đại học Osaka), phòng thí nghiệm truyền thông và robot thông minh ATR, trong chuỗi dự án sân khấu với người máy từ năm 2007. Những vở kịch của họ có con người diễn cùng với robot, là những đột phá trong nghệ thuật và khoa học.

Thanh Xuân

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.