Thấy nhu cầu làm bằng tốt nghiệp THPT giả xin vào học tại trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Nhân móc nối với Tuân và Khoa thành lập đường dây làm bằng giả chuyên nghiệp. Với mức giá từ 3 - 17,5 triệu đồng, ba đối tượng đã làm bằng tốt nghiệp THPT giả cho 13 đối tượng để được vào học tập tại trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đối tượng Nhân.
Từ những nghi vấn về các bộ hồ sơ giả
Ngày 4/12, Phòng An ninh điều tra (PA92), công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết, PA92 vừa có quyết định và chuyển Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn quyết định bắt tạm giam ba đối tượng có hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo điều 267 của Bộ luật Hình sự. Các đối tượng bị Phòng PA92 đề nghị bắt giam là Nguyễn Hoàng Nhân (31 tuổi, đảng viên, nhân viên bảo vệ của Công ty Lâm viên TP.HCM), Trần Minh Tuân (27 tuổi, ngụ tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) và Nguyễn Đăng Khoa (25 tuổi, ngụ huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Theo thông tin ban đầu, vào năm 2012, ban giám hiệu trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhận được nhiều thông tin bàn tán về việc sinh viên của trường sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả để làm hồ sơ trúng tuyển vào trường. Nhận thấy đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, ban giám hiệu nhà trường liền chỉ đạo các phòng nghiệp vụ thực hiện rà soát, kiểm tra tất cả hồ sơ sinh viên đang được lưu trữ. Thực hiện trách nhiệm của mình, trong nhiều ngày liền, các phòng nghiệp vụ nhà trường kiểm tra hàng trăm hồ sơ sinh của sinh viên.
Trong quá trình kiểm tra bằng tốt nghiệp THPT của nhiều sinh viên, các phòng nghiệp vụ của nhà trường phát hiện bằng của 13 sinh viên “có vấn đề”. Tất cả các dấu hiệu trên tấm bằng khẳng định đây là bằng giả. Tuy nhiên, để xác minh chính xác, ban giám hiệu trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chuyển 13 bộ hồ sơ sinh viên sang cơ quan CSĐT công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu điều tra, làm rõ. Nhận được hồ sơ, cơ quan CSĐT liền chuyển hồ sơ cho Phòng PA92 nhập cuộc điều tra.
Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng PA92 nhanh chóng xác định tất cả 13 chiếc bằng trên đều được làm giả vô cùng tinh vi. Từ đây, Phòng PA92 xác định, các sinh viên này có thể đã liên lạc trực tiếp hoặc thông qua người môi giới để đặt làm các bằng tốt nghiệp THPT giả này. Chắc chắn có một đường dây chuyên làm bằng giả tốt nghiệp THPT đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trước tính chất ngày càng nghiêm trọng của vụ việc, Phòng PA92 liền ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra làm rõ các đối tượng liên quan. Ngay sau đó, cơ quan CSĐT tiến hành triệu tập 13 sinh viên là chủ nhân của các bộ hồ sơ sinh viên có bằng tốt nghiệp THPT giả lên trụ sở Phòng PA92 để làm việc. Làm việc với Phòng PA92, các sinh viên biết không thể chối cãi hành vi sử dụng bằng giả của mình nên khai nhận toàn bộ quá trình đi mua bằng giả của mình.
Các bằng tốt nghiệp THPT giả.
Những ai liên quan đến việc “xài” bằng giả?
Các sinh viên này cho biết, thông qua các đối tượng môi giới tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, các sinh viên này được biết có một đường dây chuyên nhận làm bằng tốt nghiệp THPT giả với giá từ 3 – 17,5 triệu đồng (tính theo thời gian làm – PV). Do chưa có bằng tốt nghiệp THPT, nhưng lại có nguyện vọng muốn vào học tập trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, các sinh viên này thông qua người môi giới để đặt làm giả bằng.
Đúng như cam kết, một thời gian ngắn sau, thông qua người môi giới, các sinh viên đều nhận được bằng tốt nghiệp THPT như yêu cầu. Qua hình thức bên ngoài, các bằng giả trên đều giống như thật, nhưng số bằng trên không có hồ sơ gốc lưu tại nơi cấp phát bằng. Sau khi nhận được bằng giả, các sinh viên này nộp hồ sơ vào trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và nhập học sau đó.
Từ lời khai của các sinh viên, Phòng PA92 xác định có 12 đối tượng làm môi giới cho 13 sinh viên mua bằng, hưởng tiền hoa hồng chênh lệch. Qua các buổi làm việc với các đối tượng môi giới, Phòng PA92 lần ra danh tính của các đối tượng cầm đầu trong đường dây làm bằng tốt nghiệp THPT giả này là Nhân, Tuấn và Khoa. Tiến hành điều tra, cơ quan CSĐT xác định đối tượng cầm đầu chính trong đường dây này là Nhân. Đối tượng này đã là một đảng viên, làm nhân viên bảo vệ tại Công ty Lâm Viên TP.HCM.
Tìm kiếm thêm thông tin nhân thân về đối tượng này, Phòng PA92 còn phát hiện, đối tượng này có nhiều mối quan hệ trong giới in ấn, đặc biệt là những đối tượng chuyên làm bằng giả tại TP.HCM. Về đối tượng Tuấn và Khoa được Phòng PA92 xác định là những kẻ có vai trò giúp sức cho đường dây vận hành trơn tru. Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, việc tìm người làm bằng đều thông qua các đối tượng môi giới. Tuấn và Khoa chịu tránh nhiệm nhận yêu cầu và tiền từ các đối tượng môi giới. Sau đó, thông tin làm bằng và tiền đều chuyển về cho Nhân.
Sau thời gian điều tra, thu thập đầy đủ các chứng cứ phạm tội, Phòng PA92 thực hiện lệnh bắt khẩn cấp ba đối tượng Nhân, Tuấn và Khoa điều tra về hành vi “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Xử lý hành chính gần 20 đối tượng Trao đổi với PV, một cán bộ cơ quan công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết: “Ngoài việc đề nghị viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn quyết định bắt tạm giam ba đối tượng có hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, cơ quan công an còn đề xuất xử lý hành chính 19 đối tượng, trong đó có 13 đối tượng là cán bộ công chức, đảng viên ngụ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vì có hành vi sử dụng và môi giới làm bằng tốt nghiệp THPT giả kể trên. |
Nguyễn Hiền