Thoát nạn từ chuyến thăm “bão táp”
Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tới Afghanistan với mục tiêu ủng hộ Chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani khởi đầu bằng sự cố gây choáng váng.
Chỉ vài giờ sau khi máy bay chở Bộ trưởng Mattis hạ cánh xuống sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul ngày 27/9, một số rocket đã được bắn từ địa điểm không xác định vào Cảng hàng không này.
"Vụ tấn công diễn ra vào khoảng 11h36 trưa ngày 27/9. Hai quả rocket đã phá hủy rào chắn an ninh, phá hủy 1 trực thăng và làm 3 chiếc khác bị hư hỏng", Yaqub Rassouli, Giám đốc sân bay quốc tế Kabul cho hay.
Cuộc tấn công khiến một số người dân bị thương. Không lâu sau đó, cả tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) lẫn phiến quân Taliban đều đứng ra nhận trách nhiệm tiến hành vụ tấn công này. Taliban thậm chí tuyên bố máy bay chở Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là mục tiêu mà chúng nhắm tới, nhưng bị trượt trong quá trình triển khai.
Ông Danish, người phát ngôn bộ Nội địa Afghanistan cho biết, lực lượng đặc nhiệm của nước này đã lục soát các ngôi nhà gần với sân bay Hamid Karzai vì nghi ngờ rocket được phóng từ khu vực này.
Chuyến thăm đến Afghanistan của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ không hề được công bố rộng rãi. Mục tiêu của chuyến thăm là để phía Mỹ gặp gỡ, thảo luận về chiến lược với các quan chức Afghanistan. Chuyến thăm diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp dụng chiến lược mới cho Afghanistan, với việc triển khai chiến dịch quân sự nhằm vào Taliban, tổ chức khủng bố đang có manh mối trỗi dậy sau sự thất bại thảm hại năm 2001.
Trong cuộc họp báo với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và Tổng Thư ký NATO Stoltenberg, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ xác nhận, ông biết được thông tin về vụ tấn công từ báo chí.
Bộ trưởng Mattis khẳng định, “một cuộc tấn công vào sân bay ở bất cứ đâu trên thế giới là hành động phạm tội của những kẻ khủng bố”.
Chiến lược mới của Mỹ ở Afghanistan
Mỹ hiện triển khai 11.000 binh sĩ tại Afghanistan. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định, sẽ tăng cường 3.000 binh sĩ tới quốc gia Nam Á này nhằm huấn luyện cho các lực lượng an ninh Afghanistan, xây dựng thêm lực lượng không quân và cho phép các chỉ huy Mỹ quyền tự do sử dụng hoả lực chống lại Taliban.
Chiến lược mới của Mỹ cũng đề cập đến việc tận dụng không quân Mỹ để hỗ trợ các lực lượng Afghanistan và tấn công Taliban.
Tuy nhiên, ông Mattis từ chối cung cấp chi tiết kế hoạch. “Tôi không muốn tiết lộ để kẻ thù biết chính xác những gì chúng tôi đang làm, nhưng quan điểm của chúng tôi là tạo nên lợi thế cho Afghanistan để chống lại Taliban”, ông Mattis chia sẻ.
Đồng thời, ông Mattis cũng cho biết, Mỹ sẽ làm mọi điều có thể để hạn chế thương vong cho dân thường.
Mỹ cũng tăng cường mối quan hệ với các nước đối tác, đặc biệt là Ấn Độ với mục tiêu thông qua New Delhi để hỗ trợ Afghanistan trong các lĩnh vực kinh tế.
Trong chặng dừng chân trước đó tại Ấn Độ, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis hoan nghênh Ấn Độ có thêm những nỗ lực trong việc đẩy mạnh nền dân chủ, an ninh và ổn định của Afghanistan.
“Không chỉ cùng nhau làm việc để tăng cường các mối quan hệ quốc phòng, Mỹ và Ấn Độ cũng luôn tìm cách mở rộng sự hợp tác và thiết lập các quan hệ đối tác trong toàn khu vực. Về mặt cá nhân, tôi đánh giá cao sự đóng góp quý báu của Ấn Độ tại Afghanistan và hoan nghênh những nỗ lực nhiều hơn nữa của Ấn Độ, nhằm thúc đẩy nền dân chủ, sự ổn định và an ninh của Afghanistan. Cả hai nước đều có chung nhận thức về mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố với nhân loại. Với tư cách là những nước lãnh đạo thế giới, Ấn Độ và Mỹ cần quyết tâm làm việc cùng nhau để đẩy lùi mối đe dọa này”, ông Mattis nói.
Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ diễn ra trong bối cảnh Chính phủ và các lực lượng an ninh Afghanistan đang phải đối mặt với những sức ép ngày càng tăng không chỉ từ nhóm phiến quân Taliban và mà cả IS cũng đang tăng cường hoạt động tại các khu vực phía Đông và phía Bắc nước này.
Taliban đã có những bước đi mới kể từ khi tổ chức NATO chấm dứt hoạt động chiến đấu chống lại phiến quân này vào năm 2014.
Theo báo cáo do đơn vị trực thuộc Lầu Năm Góc, SIGAR công bố hồi tháng Bảy, kể từ năm 2001 đến nay, Mỹ đã chi 714 tỷ USD vào Afghanistan. Quân đội Mỹ cũng chịu thiệt hại không nhỏ với hơn 2.000 binh lính thiệt mạng và ít nhất 20.000 lính bị thương.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, nỗ lực của Mỹ ở Afghanistan có thể sẽ được đền đáp về mặt tài chính, bởi quốc gia này sở hữu một trữ lượng khổng lồ các khoáng sản quý hiếm có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động sản xuất công nghiệp.
Theo ông Donald Trump, chiến lược mới cho chiến thắng tại Afghanistan sẽ giúp xóa sạch chủ nghĩa khủng bố và là điểm kết cho "thiên đường an toàn” của lực lượng khủng bố nhằm phát động cuộc tấn công vào Mỹ.
Xem thêm >> Toan tính của Nga sau động thái tập trận ném bom, đưa quân sát biên giới Triều Tiên
V.T.H