Bàn Sinh Long (SN 1972, thôn Làng Thang, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) vốn là người dân tộc thiểu số, không được học hành nên một chữ bẻ đôi cũng không biết. Từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, Long đều gắn chặt "gốc rễ" tại bản, quẩn quanh với nương rẫy. Vì thế khả năng nhận thức và sự hiểu biết xã hội của Long chẳng đáng là bao. Đã vậy, Long còn thường xuyên uống rượu rồi đánh chửi, uy hiếp vợ con...
Khi "yêu râu xanh" là người cha nát rượu
Thẩm phán Nguyễn Minh Hùng (TAND tỉnh Tuyên Quang) cho biết: "Vì tình hình địa bàn tỉnh tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ văn hóa thấp nên việc phổ biến giáo dục, tiếp cận với pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến những vụ án với tình tiết phạm tội đáng tiếc, đau lòng...".
Lật bộ hồ sơ vụ án đang cầm trên tay, ông Hùng cho biết, đây là vụ án "Hiếp dâm trẻ em" mà ông cùng các đồng nghiệp vừa tham gia xét xử vào tháng 8/2012.
Vụ án chính là ví dụ điển hình cho những hệ lụy từ những nguyên nhân cơ bản ông vừa nêu ở trên. Điều đau lòng và đáng tiếc nhất trong vụ án là giữa bị cáo với bị hại, giữa bị cáo với người tố cáo đều là những người thân, ruột thịt trong một gia đình. Kẻ phạm tội không ai khác chính là người cha đã đang tâm hiếp dâm con gái nhỏ của mình nhiều lần một cách bệnh hoạn. Chỉ đến khi bị các cơ quan chức năng điều tra, đưa ra xét xử, hắn mới nhận ra lỗi lầm và những hậu quả khó có thể khắc phục.
Phiên tòa xét xử Bàn Sinh Long diễn ra hết sức nhanh chóng và dễ dàng bởi bị cáo khai báo thành khẩn, không giấu giếm bất kỳ tình tiết nào. Một điều đáng chú ý trong phiên tòa chính là sự giãi bày của người vợ về những nỗi cơ cực, bất hạnh trong cuộc sống mà chị và những đứa con phải gánh chịu. Những tình tiết và hành vi phạm tội (hiếp dâm con) của chồng một lần nữa được người vợ kể lại tại tòa trong bàng hoàng, ám ảnh.
Theo đó, Bàn Sinh Long và chị Linh Thị B (SN 1971) ở thôn Làng Thang, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn đã kết hôn và có ba mặt con với nhau. Hai đứa con trai lớn là Bàn Văn S (SN 1990), Bàn Văn T (SN 1997) và cô con gái út Bàn Thị H (SN 18/02/2000), người trở thành nạn nhân bởi những hành vi thú tính của người cha.
Chị B cho biết, vụ chồng cưỡng bức con gái bị chị phát hiện vào một buổi chiều tối khi đi làm rẫy về. Hôm đó là ngày 25/4/2012, chị về tới cửa thì thấy Long vội vàng đi ra phía sau nhà, trên tay cầm chiếc đèn pin. Long giả vờ như đang đi tìm cái gì đó để đánh lừa chị nhưng trên khuôn mặt của hắn lại bộc lộ sự hoảng hốt, lúng túng.
Linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành đã xảy ra, chị B chạy vội vào nha thì vô cùng bàng hoàng khi thấy trước mắt là hình ảnh đáng thương đến đau lòng của đứa con gái bé bỏng. "Lúc đó, cháu đang chui dưới gầm giường, người run rẩy, khóc lóc. Thấy mẹ về, nó vội chui ra, đứng choàng dậy và chạy trốn", chị B kể.
Sau đó, H chạy sang nhà anh trai Bàn Sinh T sống ngay sát cạnh, đập cửa, xin anh chị cho ở nhờ. Vài hôm sau, H vẫn quyết không chịu về nhà mặc cho mẹ và anh trai động viên. Biết có chuyện xấu đã xảy ra với con gái của mình, chị B tìm cách dỗ dành, gặng hỏi. Sau nhiều lần động viên, H mới dám kể lại toàn bộ sự thật mà bấy lâu mình phải chịu đựng với mẹ.
Chị B cho biết: "Cháu H tâm sự với tôi đã nhiều lần bị bố cưỡng đoạt, dụ dỗ và dọa nạt để cưỡng bức. Mỗi lần như vậy, Long thường hăm dọa nếu mách với mẹ thì hắn sẽ "giết chết cả hai" nên cháu H sợ hãi không dám mách và tâm sự với ai". Nói đến đây, giọng chị B nghẹn lại. Trên đôi mắt thâm quầng do thức đêm suy nghĩ, những giọt nước mắt bắt đầu chảy dài.
Các em có thể gặp phải hiểm họa nếu không được người lớn quan tâm, bảo vệ. (Ảnh minh họa).
H kể với mẹ: "Cha dụ dỗ và ép buộc bằng bạo lực nhưng con cố vùng vẫy bỏ chạy ra ngoài để thoát thân. Cha đã cầm dao ném thẳng vào người nhưng không trúng". Để tránh không bị cha giở trò, nhiều lúc H phải tỏ ra lì lợm, chống đối.
Một lần, khi H đang chuẩn bị sách vở để đến trường thì Long bảo phải ở nhà, lên rẫy cùng cha chăn trâu. Biết cha có ý định dụ mình lên rẫy để tiện thực hiện hành vi xấu, H đã dắt trâu đi chăn nhưng không lên rẫy theo ý của Long. H chăn trâu ở bãi cỏ cạnh nhà văn hóa thôn cùng với một người bạn đồng trang lứa.
Đợi H trên rẫy mãi không thấy, Long đã về thôn để đi tìm. Thấy Long từ xa, H đã vội thả trâu chạy trốn vào nhà văn hóa. Nhưng Long vẫn không buông tha, cố chạy vào để thực hiện hành vi cưỡng bức. May là hôm đó có đứa bạn chăn trâu chạy tới, sợ bị lộ nên Long không tiếp tục thực hiện hành vi đồi bại của mình.
Người mẹ đau khổ bảo: "H sợ bị cha nó đánh chết nên không dám nói với tôi. Nếu biết sự thể từ lúc mới bắt đầu thì cháu đỡ phải sống trong cảnh sợ hãi". Sau khi nghe tin dữ từ chính con gái mình, dù rất đau đớn nhưng chị B vẫn quyết định tố cáo chồng.
Trong dòng nước mắt, chị B nói lên nỗi xót xa mà chị phải chịu đựng khi chung sống với gã chồng bất nhân. Thường ngày, Long hay uống rượu và say vật vờ, lười lao động. Việc Long vác gạo đi đổi lấy rượu về uống là chuyện xảy ra như cơm bữa. Cứ say rượu là hắn tìm cách gây gổ với vợ con. "Thương các con nên tôi phải cắn răng sống cùng con người ấy. Khi say là thế nhưng lúc tỉnh hắn cũng ngon ngọt nói rằng sẽ cai rượu.
Có lần Long bảo với tôi: "Tao sợ con ma rượu nó hành lắm rồi". Nhưng rồi hắn chỉ nhịn được một hôm, hôm sau có người rủ đi uống là hắn lại đi luôn". Cam chịu sống với chồng nhưng không ngờ thằng chồng vốn ác với mình, nay lại ác với con. Tôi không chấp nhận được một người chồng như thế. Biết là nó "bị con ma rượu hành" nhưng để ở nhà thì nó chẳng đời nào cai được, còn làm hại đến con gái. Vì thế, tôi đành báo cho công an để bắt nó cai rượu. Đến khi nào con ma rượu không còn ở trong hắn nữa thì thôi...".
Xin giảm án vì mong chồng thay đổi
Tại phiên tòa vắng lặng, người dự khán ở đây chủ yếu là vợ, các con và một vài người thân của cả bị cáo lẫn bị hại. Các con của Long cũng đều đồng loạt xin tòa án áp dụng mức án nhẹ nhất cho hành vi phạm tội của cha. Chị B nước mắt lưng tròng, nói trong sự đau đớn tiếc nuối: "Mẹ con, gia đình chúng tôi mong tòa giảm nhẹ tội cho anh ấy để sớm được trở về. Anh ấy đã biết hối cải, nhận ra tội lỗi của mình. Tôi cũng chỉ mong sau này trở về anh ấy sẽ cai được rượu để chí thú làm ăn, lo lắng cho vợ con, kinh tế gia đình. Mọi chuyện dù sao cũng đã xảy ra rồi...".
Xét thấy bị cáo Bàn Sinh Long đã nhiều lần (4 lần) hiếp dâm con gái ruột của mình vào các thời điểm khác nhau, khi đó cháu H mới được 12 tuổi. Hành vi của Long là vô cùng nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền tự do thân thể của người khác, xâm phạm tới sức khỏe, danh dự nhân phẩm của trẻ em, gây ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội...
Chính vì vậy, cơ quan xét xử thấy cần phải áp dụng mức hình phạt một cách nghiêm khắc đối với Long mới đủ tính cải tạo, giáo dục. Tuy nhiên, trước khi phạm tội bị cáo là người có thân nhân tốt (chưa có tiền án, tiền sự); là người dân tộc thiểu số, trình độ văn hóa thấp (không biết chữ); tại cơ quan điều tra, phiên tòa đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình và được người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt nên HĐXX đã tuyên phạt Long 16 năm tù giam.
Đau đáu với những băn khoăn, day dứt sau phiên tòa xét xử, ông Hùng chia sẻ: "Là người trực tiếp xét xử, tôi thấy những tình tiết, nguyên nhân trong vụ án không có gì quá phức tạp. Điều tôi day dứt mãi khôn nguôi là hình ảnh một đứa bé gái đáng thương lại bị chính người cha đẻ của mình cưỡng hiếp trong khi đáng lẽ họ phải là người bảo vệ, vun đắp cho cuộc sống tương lai của cháu.
Có lẽ do sự kém hiểu biết, hoàn cảnh, môi trường sống không tốt đã dẫn đến sự việc đau lòng nói trên. Mọi thứ có thể sẽ qua nhưng những vết thương lòng trong H đến bao giờ mới có thể liền da. Qua vụ án, tôi thấy rằng, việc phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến cộng đồng xã hội, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa là điều không bao giờ thừa".
Hoàng Sa