Có thể dễ dàng bắt gặp những chiếc lô cuốn tóc với đủ kích cỡ, màu sắc gần như ở bất kỳ đâu tại Seoul - trong quán cà phê, nhà hàng hay trên phương tiện giao thông công cộng và đường phố.
Jung Yoon-won, sinh viên 23 tuổi ở Seoul, cho biết cô dùng ống cuốn lô tóc hàng ngày, kể cả khi ra ngoài để có phần tóc mái với độ xoăn hoàn hảo. Mẹ của Yoon-won đã nhiều lần yêu cầu con gái đừng làm vậy vì e ngại những ánh mắt soi mói. Nhưng đối với Yoon-won, ngoại hình gọn gàng, xinh xắn tại điểm hẹn quan trọng hơn trong lúc di chuyển. "Bạn chỉ cần trông đẹp trước những người mà bạn quan tâm", cô cho biết.
Thực tế nhiều người trẻ tại Hàn Quốc, những người không cảm thấy có nghĩa vụ tuân theo quy chuẩn nghiêm ngặt trong xã hội, cùng chung tư tưởng độc lập như Yoon-won. Họ ngày càng không quan tâm tới những điều người khác nghĩ và lựa chọn sống tự do hơn cho bản thân.
"Hiện có một quan niệm cho rằng phụ nữ ngày nay luôn phải giữ mái tóc chỉn chu”, nữ sinh cho biết. Nhưng Jung phản đối ý kiến cho rằng cô đang ủng hộ tiêu chuẩn vẻ đẹp của thế hệ trước hoặc quan điểm “đi chơi mà không trang điểm, làm tóc thì chẳng khác nào ra đường mà không mặc quần áo”.
Khác với các thế hệ phụ nữ đi trước - những người cho rằng cần làm đẹp trong bí mật, khuất khỏi tầm mắt của đàn ông, thế hệ trẻ hiện nay không để ý tới việc liệu việc làm đẹp của mình có bị người khác nhìn thấy hay không. “Đó là lý do việc dùng lô cuốn tóc trên tàu điện ngầm hay quán cà phê đều không thành vấn đề”, Jung nói.
Ở Hàn Quốc, các lô uốn tóc thường được đeo ở phần mái. Với giá khá rẻ, đây là sản phẩm dễ tìm và phù hợp với đa số phụ nữ. Nhiều người nổi tiếng cũng đăng tải lên mạng xã hội hình ảnh cuốn lô. Trong khi đó thế hệ phụ nữ trước thì cảm thấy hấp dẫn đan xen tò mò trước trào lưu mới này.
Cô Kim Ji-in (54 tuổi) thấy xu hướng đeo lô cuốn tóc ra đường là một phần trong sự thay đổi suy nghĩ của giới trẻ, những người cảm thấy họ nên được phép cư xử theo cách mình muốn ở nơi công cộng mà không phải tuân theo các tiêu chuẩn về sắc đẹp vốn có.
"Tôi từng nhìn thấy một phụ nữ tầm 20 tuổi ngồi trên sàn tàu điện với các sản phẩm trang điểm trải dài trước mặt", cô cho biết. Vào thời của cô Kim, dường như không thể tượng tưởng được việc một người phụ nữ ra ngoài đường với tóc mái còn đang cuốn lô.
Lee Jeong-jin (51 tuổi), có một cô con gái 21 tuổi thường xuyên đeo lô nhựa khi ra đường, không thấy có gì lạ trước thói quen của giới trẻ hiện nay. Ngược lại, bà rất đồng cảm. Hồi còn thiếu nữ, bà cũng thường xuyên sử dụng keo xịt để tạo những kiểu tóc thịnh hành vào thời kỳ đó. “Tôi khá chắc rằng lúc đó, thế hệ ông bà, cha mẹ đã nghĩ chúng tôi là những đứa kỳ quặc”, bà Lee kể.
Việc chống lại các tiêu chuẩn sắc đẹp cứng nhắc cùng những quan điểm phân biệt giới tính không phải mới mẻ ở Hàn Quốc. Sau khi #MeToo bùng nổ cách đây vài năm, một số phụ nữ Hàn Quốc đã tiếp nối làn sóng bằng phong trào Escape the Corset với hoạt động đập phá đồ trang điểm, thể hiện sự phản đối kỳ vọng của xã hội về vẻ ngoài hấp dẫn.
Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn là một trong những đất nước có ngành công nghiệp làm đẹp hàng đầu thế giới, chiếm gần 3% thị trường làm đẹp toàn cầu vào năm 2019, theo Cục Quản lý Thương mại Quốc tế Mỹ.
Ngành công nghiệp mỹ phẩm xứ kim chi phát triển mạnh bất chấp đại dịch. Amorepacific, một trong những tập đoàn làm đẹp lớn nhất Hàn Quốc, đã báo cáo doanh số bán hàng tăng 8,5% trong quý I năm nay, so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc, xuất khẩu của các sản phẩm làm đẹp cũng tăng 16% so với năm trước.
Kim Dong-wan, một nghiên cứu sinh 25 tuổi ở Seoul, chia sẻ rằng cách đây 6 năm anh từng bối rối khi lần đầu thấy phụ nữ cuốn lô ở nơi công cộng nhưng giờ đây anh cảm thấy việc này hết sức bình thường. Phụ nữ ngày nay không bị áp lực phải giấu giếm những điều như vậy đồng thời yêu cầu sự tôn trọng cao hơn.
Minh Hoa (t/h theo Zing, Dân Trí)