Đang thụ án vẫn giữ tính 'anh hùng rơm'

Đang thụ án vẫn giữ tính 'anh hùng rơm'

Thứ 3, 12/03/2013 09:35

Mặc dù đang bị tạm giam trong một vụ án khác để chờ ngày xét xử nhưng các bị cáo Phùng Tiến Tuân (SN 1983, xã Yên Giả, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) và Nguyễn Tuấn Anh (SN 1990, trú tại Kim Chân, TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) không hề tỏ ra ăn năn hối hận.

Chúng luôn tỏ thái độ hống hách, coi thường pháp luật, tự đặt ra những quy định phi lý, để hành xử mang tính côn đồ theo ý muốn của mình ngay chính tại buồng tạm giam. Trong vụ án này, người bị hại không hề có lỗi nhưng bọn chúng vẫn cố tình tạo ra nguyên cớ để áp luật, bắt lỗi và ra đòn dã man.

Vào trại chưa hẳn đã xong...

Trong chuyến công tác tại tỉnh Bắc Ninh, tôi đã có dịp làm việc, trò chuyện với thẩm phán Phạm Minh Tuyên (Phó chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh) và được ông kể về hàng loạt các vụ án với vô số các tình tiết phức tạp, bi hài mà tòa án tỉnh đã xét xử. Bên cạnh những kiến thức về nghiệp vụ chuyên môn trong công tác xét xử của ngành tòa án, ông cũng tỏ rõ mình là một người nắm bắt được diễn biến tình hình tâm lý của bị cáo khi phạm tội, bị đưa ra xét xử, bị kết tội sẽ như thế nào.

Từ những hiểu biết đó, ông có thể kết hợp, vận dụng trong mỗi lần xử án. Đối với những vụ án bị cáo thuộc dạng "hết thuốc chữa" thì không còn gì đáng bàn. Nhưng có những vụ án bị cáo phạm tội trong hoàn cảnh rất ngây ngô, đáng tiếc. Chỉ khi đứng trước tòa bị cáo mới thực sự nhận thức rõ được hành vi phạm pháp của mình. Trước khi kết án, ông thường chia sẻ, động viên tinh thần họ và cũng lấy đó làm bài học giáo huấn cho tất cả những người dự khán...

Tuy nhiên, theo nhận xét của ông Tuyên, không phải đối tượng phạm tội nào cũng ý thức được điều đó để có tinh thần và quyết tâm phục thiện làm lại cuộc đời. Có nhiều đối tượng thuộc dạng "bất hảo của bất hảo", bản chất vô cùng côn đồ và manh động. Với những đối tượng này thì dù khi bị tạm giam chờ xét xử hay khi đang phải chịu án chúng vẫn có thể trở thành những kẻ phạm thêm tội ngay chính trong trại giam theo kiểu "ma cũ bắt nạt ma mới".

Thông thường, trong buồng giam chung thường giam nhiều phạm nhân với nhau. Lợi dụng điều này, những tên sừng sỏ vào trại trước, có máu mặt, đã ngầm thiết lập một trật tự luật lệ riêng để nhằm đánh phủ đầu, thị uy đủ mọi hình thức với kẻ vào sau. Bọn chúng hành động rất kín đáo và dễ bề qua mắt được các giám thị trại giam vì ngay cả đối tượng bị bắt nạt cũng không dám khai báo việc bị chúng đánh đập. Chính vì vậy, điều này gây khó khăn trong công tác của các giám thị viên rất nhiều và có nhiều trường hợp bạn tù "xử" nhau dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, thậm chí gây ra án mạng ngay chính trong phòng giam...

Pháp luật - Đang thụ án vẫn giữ tính 'anh hùng rơm'

Bị cáo Tuân, Tuấn Anh trong phiên tòa xét xử lưu động tại trại tạm giam công an tỉnh Bắc Ninh.

Để minh chứng cho những bức xúc trước lối hành xử côn đồ của phạm nhân trong trại giam với nhau và băn khoăn với ý nghĩ về những giải pháp có thể hạn chế, ngăn chặn được tình trạng này một cách hữu hiệu nhất nhằm bảo vệ an toàn cho phạm nhân, ông Tuyên chia sẻ về một vụ án ông tham gia xét xử với cương vị là thẩm phán - chủ tọa phiên tòa. Trong vụ án này, những kẻ gây ra cái chết cho kẻ đến sau đã phải đền tội một cách thích đáng.

Áp "Luật” trong tù (!)

Theo lời kể của thẩm phán Tuyên, bị cáo Nguyễn Tiến Tuân và Nguyễn Tuấn Anh đều là 2 đối tượng thuộc thành phần bất hảo. Cả 2 tên đều bỏ học từ lớp 9, sống lang thang lêu lổng, không công ăn việc làm cố định. Tuân bị bắt vì tội tàng trữ trái phép chất ma túy, Tuấn Anh bị bắt vì tội cướp tài sản. 

Ngày 14/11/2011 Nguyễn Tiến Đúc (SN 1977, trú tại Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) được chuyển từ buồng giam I5 đến buồng giam L2 của trại tạm giam công an tỉnh Bắc Ninh để chờ xét xử. Khi đó, tại buồng giam L2 có Tuân, Tuấn Anh và 18 bị can khác (đều ở cùng buồng giam - PV) đang đứng ngoài hành lang của buồng giam. Khi giám thị trại giam đưa Đúc đến thì tất cả 20 bị can trong phòng đều im lặng đến mức chỉ nghe thấy tiếng bước chân của giám thị và tiếng mở cửa phòng giam.

Tất cả các bị can có vẻ như im lặng để nghênh đón thêm "bạn mới". Khi giám thị vừa khuất bóng, Tuân bước đến gần Đúc với vẻ mặt lầm lì, lạnh lùng nói: "Đi theo tao" rồi đưa Đúc vào kiểm tra bệ ngủ và sắp đặt đồ dùng cho gọn. Đúc tỏ vẻ sợ hãi với những gì đang diễn ra với mình. Để thị uy, thể hiện vị thế trong buồng giam với kẻ mới vào, Tuân lấy lý do vì Đúc xếp đồ không gọn nên bắt Đúc ngồi xổm gối trên bệ ngủ, mặt nhìn vào tường trước cửa ra vào rồi dùng tay phải tát vào mặt và dùng chân đá vào vùng ngực của Đúc. Tiếp sau đó, Nguyễn Tuấn Anh đi vào liên tục dùng chân đánh những cú hiểm lên khắp cơ thể Đúc và bảo Đúc đi ra điểm danh.

Đến khoảng 18h cùng ngày, khi tất cả các bị can trong buồng giam đang ăn cơm, Đức ngồi ở đầu phía cửa ra vào. Lúc này, Tuấn Anh và Tuân đi đến đứng trước mặt Đúc (cách Đúc khoảng 80cm). Vẻ mặt lạnh tanh, Tuân bắt Đúc rời bàn ăn, quỳ hai gối xuống nền nhà. Tuấn Anh gằn giọng hỏi Đúc: "Tên gì, quê ở đâu, ăn chung với anh em hay ăn riêng?". Đúc trả lời: "Em tên là Đúc, quê ở Bắc Giang, sinh năm 1977, em xin ăn chung với anh em". Khi Đúc vừa dứt lời Tuấn Anh liền dùng chân phải đạp một cái trúng vào ngực của Đúc. Bị đạp, Đúc vẫn quỳ gối mà không nói gì. Tuân nói với Đúc: "Nói năng phải lễ phép", rồi dùng chân trái đá liên tiếp hai cái trúng vào sườn ngực bên trái của Đúc làm Đúc ngã ngửa về phía sau, Đúc ôm bụng kêu đau. Sau đó Đúc và các bị can về vị trí tiếp tục ăn cơm. Ăn cơm xong, Đúc đi rửa bát.

Sáng hôm sau, Đúc ngủ dậy và ăn sáng. Sau khi ăn sáng xong, Đúc bị bắt đi rửa bát cùng 03 người nữa. Khi đang rửa bát thì Đúc ngã qụy, được mọi người trong buồng giam đưa đi nằm nghỉ rồi báo cho y tế của trại tạm giam. Đến khoảng 11h, mọi người gọi Đúc dậy để ăn cơm nhưng Đúc không dậy được, sau đó Đúc được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh. Đến khoảng 12h thì Đúc tử vong. Nguyên nhân tử vong của Đức được xác định do chấn thương tác động ngoại lực mạnh, vỡ lách dẫn đến mất máu, suy hô hấp, trụy mạch. Không lâu sau, Tuân và Tuấn Anh bị khởi tố, điều tra, xét xử.

Vừa qua, TAND tỉnh Bắc Ninh đã đưa vụ án ra xét xử lưu động tại trại tạm giam của công an tỉnh nhằm giáo dục, răn đe, tuyên truyền hiểu biết pháp luật với những đối tượng đang bị giam giữ. Tại phiên tòa, Tuân và Tuấn Anh đã thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. HĐXX nhận thấy, xét về tuổi tác thì Tuân và Tuấn Anh đều nhỏ tuổi hơn Đúc nhưng lại vô cùng ngỗ ngược, vô đạo.

Do vậy, cần có một mức án nghiêm khắc, cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian dài mới có tác dụng giáo dục. HĐXX xét thấy, cả hai bị cáo đều có vai trò ngang nhau nhưng hành vi phạm tội của Tuân thể hiện sự quyết liệt, nguy hiểm hơn so với hành vi phạm tội của Tuấn Anh. Cuối cùng, HĐXX tuyên phạt: Phùng Tiến Tuân 16 năm tù giam (tổng hợp cả hình phạt 24 tháng tù của bản án HSST số 30/2011/HSST ngày 28/11/2011của TAND TP.Bắc Ninh);  Nguyễn Tuấn Anh 16 năm 4 tháng tù giam (tổng hợp cả hình phạt 40 tháng tù của bản án HSST số 60 ngày 17/2/2012 của TAND TP.Bắc Ninh); Buộc hai bị cáo phải bồi thường cho gia đình người bị hại hơn 90 triệu đồng và phải cấp dưỡng nuôi ba con nhỏ của bị hại cho đến khi trưởng thành.

Phiên tòa thu hút được sự quan tâm của đông đảo những đối tượng đang bị giam giữ trong trại giam. Tất cả đều chăm chú theo dõi từng tình tiết của vụ án. Hy vọng sau phiên tòa này, họ sẽ có thêm một bài học cho chính mình, bài học về cách hành xử giữa con người với con người, không nên coi thường pháp luật để rồi tước đoạt mạng sống của người khác.  

Họ biết chấp nhận và không trách c

Theo thẩm phán Tuyên, khi những bị cáo bị kết án thì cảm giác về những chuỗi ngày tiếp theo với họ thật kinh khủng. Nhiều bị can, phạm nhân trẻ suy nghĩ tiêu cực vì cả tuổi trẻ với khát khao cống hiến và niềm vui của họ đã qua đi sau song sắt. Nỗi ân hận giằng xé, tình yêu thương hụt hẫng, tất cả đã tuột xa khỏi tầm tay. Họ biết chấp nhận và không còn trách cứ số phận bởi tất cả những biến cố, lầm lỡ đó hầu hết do chính họ gây ra. Điều luôn khiến họ phải suy nghĩ, ăn năn là hậu quả họ gây ra đã làm ảnh hưởng đến những người thân trong gia đình. Họ nghĩ có lẽ mình sẽ không bao giờ thoát khỏi tình trạng này. Điều làm họ sợ nhất là ý nghĩ khi bị mọi người xa lánh, bị bỏ rơi...

Trần Hải

(*Tên nạn nhân và nhân vật đã được thay đổi)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.