Không chấp nhận xử kín một phần thương vụ AVG
Các bị cáo bị dẫn giải đến tòa từ sáng sớm. Nhiều bị cáo trên tay vẫn còn cầm theo đồ ăn sáng; một số bị cáo khác thì cầm theo tài liệu để tham gia tố tụng, trả lời các câu hỏi của HĐXX.
Theo quan sát của phóng viên, hai cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Anh Tuấn tỏ rõ vẻ mệt mỏi, lo lắng. Do sức khỏe yếu, tuổi cao nên đa phần các bị cáo được HĐXX cho ngồi trong quá trình kiểm tra căn cước cũng như trong phần VKS công bố bản cáo trạng.
Trước đó, tại phần thủ tục phiên tòa, một luật sư bào chữa đề nghị HĐXX giải mật tài liệu Mật; trong trường hợp không giải mật thì cho luật sư tiếp cận và có thể xử kín một phần thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, song đề nghị này của luật sư không được HĐXX chấp nhận.
Phần thủ tục phiên tòa kết thúc, thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG dưới sự dàn xếp của 2 cựu Bộ trưởng dần được vén màn bí mật qua phần công bố cáo trạng của Viện kiểm sát.
Cụ thể, năm 2015, Tổng công ty Viễn thông Mobifone thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình theo hình thức đầu tư vốn nhà nước mua 95% cổ phần của công ty cổ phần nghe nhìn toàn cầu (AVG) với số tiền 8.900 tỷ đồng, thuộc dự án nhóm A – thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ Quyết định chủ trương đầu tư.
Bộ TTTT là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Mobifone có trách nhiệm chỉ đạo Mobifone trong quá trình thực hiện dự án, quyết định phê duyệt dự án đầu tư khi có Quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Nhưng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone, các bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phan Thị Hoa Mai, Hồ Tuấn, Phạm Thị Phương Anh, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Đăng Nguyên, Võ Văn Mạnh, Hoàng Duy Quang ở mỗi vị trí, vai trò khác nhau tại Mobifone, Bộ TTTT và Công ty thẩm định giá Amax đã có hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể, các bị can trên có sai phạm trong việc đề xuất dự án đầu tư, đánh giá về tài chính, kinh doanh của AVG; thẩm định giá; sử dụng kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp trong đàm phán và quyết định mua cổ phần của AVG, trong việc lập, trình dự án và quyết định phê duyệt dự án đầu tư, thanh toán gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước. Tổng giá trị thiệt hại được xác định là 6.590.356.266.556 đồng.
Bị can Phạm Nhật Vũ được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ
Theo tài liệu của cơ quan tố tụng, Phạm Nhật Vũ đã bán cho Mobifone 95% cổ phần AVG với giá 8.898,3 tỷ đồng cao hơn giá trị thật của AVG rất nhiều lần, mang lại lợi ích cho Phạm Nhật Vũ và các cổ đông AVG số tiền là 6.475.324.611.000 đồng. Đây là hậu quả thiệt hại trực tiếp làm mất vốn nhà nước tại Mobifone.
Trong quá trình điều tra, các bị can có hành vi đưa, nhận hối lộ đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối lỗi về hành vi phạm tội và có trách nhiệm trong việc khắc phục số tiền đã chiếm đoạt.
Đối với bị can Phạm Nhật Vũ mặc dù không phải chịu trách nhiệm chính về các hậu quả thiệt hại của Mobifone do hành vi phạm tội vi phạm về đầu tư công của bị can Nguyễn Bắc Son và đồng phạm gây ra, nhưng trước khi khởi tố vụ án, Phạm Nhật Vũ đã chủ động, tích cực khắc phục toàn bộ số tiền thiệt hại cho Mobifone gồm: 8.445.324.611.000 đồng tiền chuyển nhượng cổ phần và 329.105.607.292 đồng là tiền lãi phát sinh chi phí liên quan đến dự án.
Đồng thời, Phạm Nhật Vũ đã tích cực phối hợp cung cấp tài liệu để cơ quan điều tra làm rõ hành của các bị can vi phạm về đầu tư công, cũng như hậu quả của vụ án. Do đó, không xử lý trách nhiệm của Phạm Nhật Vũ về hành vi này.
Trong quá trình điều tra vụ án đưa và nhận hối lộ, Phạm Nhật Vũ đã có đơn tự nguyện khai báo và đầu thú về hành vi phạm tội, nhận thức rõ và ăn năn hối lỗi về hành vi phạm tội; tích cực khai báo và hợp tác với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao để làm rõ hành vi phạm tội của các bị can nhận hối lộ, giúp cho cơ quan tố tụng sớm kết thúc điều tra vụ án.
Ngoài ra, bị can Phạm Nhật Vũ có nhiều hoạt động từ thiện và đóng góp cho hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ngày 29/6/2019 Hội đồng Chứng minh và Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có đơn ghi nhận Phạm Nhật Vũ có nhiều đóng góp cho an sinh xã hội, trùng tu di tích lịch sử văn hóa,… và lĩnh vực giao lưu mở rộng quan hệ Quốc tế của Giáo hội.
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Giang, tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Cao Bằng có đơn đề nghị xem xét cho Phạm Nhật Vũ được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.
“Do đó, với những tình tiết giảm nhẹ đáng kể như trên, cần áp dụng đầy đủ, triệt để các quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 3; khoản 1, 2 Điều 51 và các quy định khác của BLHS năm 2015 để xem xét quyết định mức hình phạt tương xứng với những tình tiết giảm nhẹ nêu trên của bị can Phạm Nhật Vũ”, cáo trạng nêu rõ.