“Ăn như thế này để tán gia bại sản à, có 2 vợ chồng thì mua hơn lạng thịt về xào mặn chút là ăn đủ, mớ rau to thế thì chia đôi ra ăn 2 bữa…", chồng chị Nga cằn nhằn.
Nhìn cảnh chồng tối nào ngồi “nhâm nhi nghiên cứu”, tay sách tay bút cộng trừ từng đồng, từng hào mấy món đồ bếp mà chị Nga thấy ngán ngẩm. Chị không còn lạ với điều này sau gần 5 năm chung sống nhưng chưa bao giờ chị dễ chịu khi chứng kiến tính nết đó của anh. Hình ảnh một người chồng tốt của anh trong mắt chị giảm đi rất nhiều chỉ vì tính ki bo, kẹt xỉ.
Ngày còn yêu nhau, thấy anh có vẻ không mấy rộng rãi trong tiêu pha, chị Nga cứ nghĩ anh là người “chắc chắn” trong chuyện tiền bạc, chứ không hẳn là ki bo. Đến khi lấy nhau rồi chị mới phát hoảng vì tính ki bo, kẹt xỉ của chồng.
Người ta bảo “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, nhưng chồng chị Nga thì việc gì anh cũng muốn “nhúng tay” vào, nhất là việc chi tiêu trong nhà, chị mua thứ gì về anh cũng hỏi rõ giá cả.
Nhìn cảnh chồng tối nào ngồi “nhâm nhi nghiên cứu”, tay sách tay bút cộng trừ từng đồng, từng hào mấy món đồ bếp mà chị Nga thấy ngán ngẩm
Ngày chị mới về làm dâu được 2 hôm, đi chợ mua ít đồ dùng về cho gia đình, mua tặng mẹ chồng cái áo lụa, bố chồng cái sơ mi. Vừa về tới nơi, còn chưa kịp hí hửng khoe với chồng mấy món đồ ưng ý chị sắm được thì anh đã tá hỏa: “Em cứ hoang phí, mua cho bố mẹ quần áo ở chợ cho rẻ, ông bà già rồi cần gì dùng đồ đắt tiền. Mà nhìn em hiền hiền có khi em vào shop lại bị bọn bán hàng nó “bóp” cho ấy chứ”. Chưa nói xong anh đã “kiểm hàng, khảo giá”. Sau một hồi xem xét, anh đùng đùng bắt vợ đi đổi hàng.
“Lúc đó mình khuyên chồng thôi đắt lên một tí cũng không sao, lần sau rút kinh nghiệm nhưng chồng mình nhất quyết không chịu với lí do: “Tiền chứ có phải lá bàng đâu mà thôi được”. Thế là anh ấy lôi mình ra chợ, đi tới từng cửa hàng mà mình đã mua đồ để đổi lại. Nhìn ánh mặt mọi người nhìn anh ấy mình thấy xấu hổ vô cùng. Người ta xì xèo, gọi chồng mình là đồ đàn bà khiến mình chỉ muốn độn thổ”, chị Nga chia sẻ..
Tính ki bo của chồng chị Nga càng ngày càng trở nên như một “thương hiệu”. Bữa cơm gia đình lần nào anh cũng hỏi giá tiền hết món nọ đến món kia, tính đắt tính rẻ rồi bảo chị “hoang quá” khi toàn mua bị hớ.
Đỉnh điểm của sự ky bọ của chồng chị Nga là anh còn kiểm soát cả... bao cao su. Chẳng là vợ chồng chị chưa muốn sinh thêm và sử dụng bao cao su để tránh thai. Ban đầu, chị thường tự mua và anh chưa để ý đến việc này. Nhưng một lần, khi đang "hành sự", anh đột nhiên hỏi giá "mặt hàng" này và hét lên rằng chị mua loại quá đắt tiền. Tiếp đó, anh yêu cầu chị, lần sau, mua loại rẻ tiền nhất. Anh bảo "mùi của nó khó chịu, nó lại hơi dày nhưng người ta đã bán ra thị trường là đạt chuẩn rồi. Mình là vợ chồng, cần gì mấy loại kích thích này kia".
Chồng chị Nga còn kiểm soát cả giá cả bao cao su với vợ.
Anh còn dặn chị nếu xin được miễn phí thì cứ xin và anh cũng tự làm điều này. Nhiều lần, anh mang về cả vốc bao cao su nhờ "xin được của mấy em tiếp thị ở quán bia".
Mỗi lần như vậy chị cảm thấy mất hứng và đột nhiên thấy chán chồng. Mặc dù anh là một người chồng thương vợ, thương con lại không lăng nhăng nhưng tính cách đó của anh khiến cho tình cảm chị dành cho anh cũng vì thế mà giảm đi rất nhiều.
“Tính cách của anh ấy như vậy nên mình không muốn cùng chồng đi đâu cả, chỉ câu trước câu sau là anh ấy bắt đầu tính toán thiệt hơn, lỗ lãi. Mình góp ý với chồng nhưng anh ấy bảo thủ không chịu thay đổi nên mình cũng chán”, chị Nga ngán ngẩm tâm sự.
Ngọc Phạm