Chưa kịp ăn gà đã bị mất tiền phạt
Vụ 4 người đánh bài với dự định ăn thua một con gà nhưng bị công an phạt tiền đã làm nhiều người ở xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau bức xúc suốt tuần qua. Chuyện bắt nguồn từ việc ông Lâm Văn Bạn (76 tuổi) đến tiệm bách hóa của bà Lê Thị Huê (66 tuổi) để trả tiền rượu.
Hồ sơ vụ việc cho thấy bà Huê có bán rượu với hàng tạp hóa. Trước Tết Nguyên đán 2017, ông Bạn mua 15 lít rượu đế nhưng chưa trả tiền nên ngày 12/2, ông này mới đến đây thanh toán nợ. Lúc đó ông Bạn thấy hai người cùng xóm là ông Lợi và ông Bình uống cà phê tại nhà bà Huê nên mọi người rủ nhau nhậu. Bà Huê sau đó có nhã ý làm thịt con gà đang nuôi để đãi khách. Vì nhiều lần bà Huê làm thịt gà mời không nên lần này họ ngại quá mới rủ nhau đánh bài, ai thua mà xếp hạng 3 thì hùn tiền mua gà của bà Huê làm mồi nhậu.
Theo ông Bình, lúc này trong túi ông Bạn có 320.000 đồng mang theo để trả tiền rượu cho bà Huê. Ông Bạn chưa kịp trả thì bị công an viên tịch thu vì cho rằng số tiền này là “tang vật”, số tiền của bà Huê bán rượu cho hàng xóm được 20.500 đồng để trong hộp ở nhà bếp cũng bị tịch thu.
Theo Trưởng Công an xã Tân Đức – ông Hồ Trọng Hiểu, do 4 người đánh bài ăn thua một con gà nên họ vi phạm pháp luật. Còn công an xã thu trước của mỗi người 1 triệu đồng là tiền “dự nộp”, khi nào chính thức trao quyết định xử phạt thì công an sẽ giao phiếu thu tiền. Tuy nhiên, ngày 19/2, Công an xã Tân Đức mời 4 người lên nhân quyết định xử phạt nhưng sau đó không trao. Liên quan đến sự việc, luật sư Tạ Quốc Cường, đoàn luật sư TP.Hà Nội đã đưa ra quan điểm của mình
Xử lý thế nào cho hợp tình, hợp lý!
Luật sư Cường cho biết: "Người ta thường nói đánh bài ăn tiền, nhưng trong trường hợp này, đánh bài ăn gà mà bị xử phạt theo quan điểm cá nhân của tôi có phần hơi cứng nhắc. Trong vụ việc, đối tượng hướng đến để thực hiện hành vi đánh bài không phải là tiền, không phải là các hiện vật có giá trị nhằm mục đích trao đổi, được thua mà là một con gà trị giá 150.000 đồng.
Hành vi sẽ có thể bị xem xét để xử phạt nếu con gà này sẽ thuộc về một riêng ai sau khi thua bài thì có lý hơn. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, sau khi ván bài kết thúc thì cả 4 ông bà này sẽ cùng nhau thụ hưởng con gà đó, cụ thể là thịt gà để cùng ngồi nhậu. Và cũng như trình bày ban đầu là bà Huê cũng ngỏ ý, muốn đãi các hàng xóm bằng con gà này với tinh thần tự nguyện. Do đó, hoàn toàn không có sự được, thua trong trường hợp này".
Luật sư cũng đưa ra căn cứ tại Điều 1 Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của Bộ luật Hình sự (BLHS) về hành vi đánh bạc quy định rõ: “Đánh bạc trái phép” là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp.
Hơn nữa, tang vật trong vụ việc là con gà, hoàn toàn không có tại “chiếu bạc” mà chỉ dựa vào lời khai của người thực hiện hành vi nên không thể xử lý được. Hơn nữa, tại nhiều vùng quê trong cả nước, việc đánh bài trong dịp tết hoặc sau tết là hình thức giải trí, là điều hết sức bình thường. Mặc dù pháp luật đã có quy định cấm đánh bạc trái phép nhưng cũng cần lưu ý đến tập quán ở từng nơi để xử lý cho hợp tình.
Một điểm đáng lưu ý khác, theo như đã tóm tắt ở phần trên, khi bắt bài, các công an viên đã thu trước của mỗi người một triệu đồng coi như là tiền “dự nộp”. Tuy nhiên, trong các văn bản pháp luật hiện hành liên quan hoàn toàn không có khái niệm này. Hơn nữa theo nguyên tắc, thủ tục và quy trình xử phạt hành chính thì: Việc thu tiền phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại luật Xử lý vi phạm hành chính và các nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm trong từng lĩnh vực. Tuy nhiên trong trường hợp này, công an viên thu tiền phạt mà chưa có quyết định xử phạt hành chính là trái quy định của pháp luật.
P.V