Là “nhân vật chính” được nhắc tới khá nhiều trong câu chuyện hài kịch tại ấp Tân Phước, xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) những ngày qua, tôi – con gà tang vật xin có đôi lời ý kiến với các độc giả đang ra sức mỉa mai câu chuyện.
Tôi xin được tóm tắt sự việc một cách ngắn gọn như sau: Ba người đàn ông cao tuổi muốn có một bữa nhậu vui vẻ, chủ nhà lại nhiệt tình, có nhã ý thịt một con gà (tức tôi) để đãi khách. Tuy nhiên, do không muốn phiền lòng chủ nhà, ba người đàn ông đã nghĩ ra cách chơi bài, ai đứng thứ ba – bốn sẽ phải hùn tiền mua gà để liên hoan. “Sự đâu sóng gió bất kì”, bốn người đang chơi thì công an xã ập vào “bắt quả tang”, đưa về trụ sở công an xã và xử phạt mỗi người một triệu đồng.
Có lẽ khi các bạn đọc xong, các bạn cũng phải cảm thán rằng “công an nhiệt tình quá!” với hàm ý mỉa mai. Đó cũng là sự phản ứng phổ biến của dư luận.
Các bạn thấy đấy, với loài người thì đánh bài giải trí là “chuyện bình thường”. Nhưng với loài gà chúng tôi thì đó là chuyện liên quan đến tính mạng, đến việc mất mát sống còn.
Nhưng thôi, không bàn đến sự thật “đau lòng” đó nữa bởi khi chắp bút biên bức thư này, tôi đã tự nhủ phải loại bỏ đi cái tôi của giống loài, phải đứng trên góc nhìn của loài người để đưa ra những nhận định khách quan và thuyết phục nhất.
Chắc các bạn vẫn chưa quên vụ Kiểm lâm huyện Mèo Vạc (Hà Giang) bắt giữ một đối tượng vận chuyển gỗ trái phép vào đầu đầu tháng 1/2017. Câu chuyện cũng chẳng có gì đáng lưu tâm nếu tang vật… nhiều hơn hai khoanh gỗ to bằng cái thớt (đường kính 50cm).
Xét về biểu hiện thì hai sự việc (đánh bài ăn gà và vận chuyển hai tấm thớt lậu) có nhiều điểm tương đồng. Tang vật đều là những thứ rất tủn mủn, manh mún và đương nhiên, giá trị của chúng rất nhỏ, không đáng để nâng lên thành một “vụ án” để xử phạt.
Tuy nhiên, sự việc “buôn lậu hai chiếc thớt” cũng giống như một tảng băng trôi, hai cái thớt chỉ là phần nổi dễ nhìn thấy. Còn phần chìm khổng lồ hơn, lại là những chuyến buôn lậu gỗ quý hiếm quy mô cùng những kiểu đối phó muôn hình vạn trạng.
Khi dẫn lại dẫn chứng trên, tôi không hề có ý quy chụp rằng đằng sau “con gà” là những giá trị vật chất hay những âm mưu lớn hơn. Nhưng “cờ bạc là bác thằng bần”, hôm nay con gà, ngày mai đàn gà, ngày kia con trâu, con bò… ai dám đứng ra đảm bảo điều đó không xảy ra?
Vả lại, người lớn luôn luôn phải là tấm gương sáng để con cháu noi theo, học tập. Việc nhậu nhẹt, bản thân nó đã bị nhiều người kì thị, chán ghét, nay bốn người lớn tuổi đó không những “thích nhậu nhẹt” mà còn giải quyết vấn đề “mồi nhậu” thông qua một hình thức đỏ đen, bài bạc.
Sẽ ra sao nếu những đứa trẻ trong bốn gia đình đó nhìn vào “tấm gương” của ông, bà, cha mẹ mình rồi “noi theo”. Sẽ ra sao khi văn hóa “sát phạt” ngấm vào tư duy của những đứa trẻ thông qua những sự việc mà chúng ta vẫn cho rằng nó “rất đỗi bình thường”?
Vậy nên thà một lần “mạnh tay” để triệt gọn những thói hư, tật xấu đang dần bám rễ vào tư duy của người Việt còn hơn cứ mãi “giơ cao đánh khẽ” để rồi tự trọng cứ dần hoen ố sau những chén rượu, những ván bài…
Đôi khi đứng từ xa, thứ chúng ta chỉ nhìn thấy một cột khói, nhưng khi đến gần thì rừng cây đã cháy sạch.
Và cuối cùng, xin cảm ơn những người đã kịp thời “triệt phá” sới bạc. Chậm một chút nữa thôi, không biết số phận tôi sẽ đi về đâu…
Chíp Chíp