Suốt hàng nghìn năm của sử Việt, bên cạnh những đấng vua hiền là rất nhiều tôi, tướng giỏi thì chí sĩ Ngô Thì Nhậm là một hình ảnh chói sáng đi cùng tên tuổi vua Quang Trung, Nguyễn Huệ.
Trượt 8 khoa thi Hội vì... quá tài
Người đứng đầu dòng họ Ngô, chi Giáp, đời thứ 19 là ông Ngô Đức Diễn (SN 1943) đã giới thiệu với chúng tôi những tư liệu quý mà ông chính là người chịu trách nhiệm lưu giữ cho các thế hệ sau. Theo tài liệu ghi chép lại, ở tuổi 40, người đỗ Đình nguyên Hoàng giáp Tiến sĩ khoa Bính Tuất (1766) coi như là một sự muộn mằn. Nhưng điều đáng nói là sự muộn mằn ấy không xuất phát từ yếu tố kém cỏi mà là bởi quá giỏi giang nên người quân tử đã bị ganh ghét và trù dập. Nhiều người thi cùng các khoa thi với Ngô Thì Sĩ cũng vì cái tiếng tài của ông mà bị trượt oan.
Chuyện kể rằng, các quan chấm thi khi đó truyền tai nhau, hễ thấy bài thi nào có giọng văn mạnh mẽ, lưu loát "kiểu Ngô Thì Sĩ" là đánh trượt hết. Bởi thế, mặc dù 18 tuổi đã đỗ Hương nguyên (khoa thi Hương), nhưng 8 khoa thi Hội tiếp theo, cụ đều bị đánh trượt vì trót có năng lực tài giỏi bẩm sinh, hơn người.
Động Nhị Thanh, tương truyền là nơi Ngô Thì Sĩ đã không may bị cảm và qua đời.
May mắn mỉm cười vào năm 1766, khi cụ tham gia thi đến "trường đệ tứ" (vòng thi thứ tư). Đang làm bài bỗng nhiên, cụ bị đau bụng, đi tả và chỉ có thể làm qua loa bài thi cho xong. Thế nhưng, các khảo quan lại đồng lòng khen bài thi của cụ có những lời văn điêu luyện, xứng đáng văn đỗ Hội nguyên. Tuy nhiên, "văn khí hơi yếu, chắc không phải của Ngô Thì Sĩ".
Bên cạnh đó có bài thi của Nguyễn Bá Dương, người Thái Bình cũng được đánh giá "văn phong khác thường, có vẻ giống của Ngô Thì Sĩ, nhưng hơi văn yếu, chắc chắn Ngô Thì Sĩ không viết như vậy". Hai nỗi băn khoăn tạo thành sự hồ đồ của quan khảo bởi họ không biết nên đánh trượt bài thi nào. Nhỡ ra, không phải bài thi của Ngô Thì Sĩ thì lại hóa ra đánh rơi mất một người tài trong thiên hạ, thật đáng tiếc lắm. Vậy là, khoa thi ấy, họ Ngô vinh dự đỗ Nhị giáp, còn Nguyễn Bá Dương đỗ Tam giáp.
Chính bởi nỗi lận đận trong thi cử mà đến lúc lấy vợ, sinh con, Ngô Thì Sĩ vẫn là chủ một gia đình nghèo như cha mình, như ông mình truyền kiếp. Cái nghèo lại lấy tứ cho Thì Sĩ nảy thơ, sinh văn và được người đời đón nhận, biết đến nhiều hơn. Với hai bà vợ và bảy người con, cả trai lẫn gái, gánh nặng gia đình chưa bao giờ nhẹ bớt trên vai cụ. Tuy nhiên, cụ vẫn luôn là người cha tốt, là người thầy giỏi giang, mẫu mực của các con mình, đặc biệt có tầm ảnh hưởng lớn đến cuộc đời con trai Ngô Thì Nhậm sau này.
Cũng bởi "văn tài", người danh sĩ cha đã lọt mắt xanh của các chúa nhà Trịnh và được tiến cử làm quan không cần qua con đường thi cử. Ban đầu chỉ là chức "Cấp sự trung" ở bộ Công, sau làm "Giám sát Ngự sử" ở đạo Sơn Tây trên xứ Đoài và rồi làm "Đốc đồng" ở trấn Thái Nguyên. Mặc dù bận bịu các công việc chốn quan trường nhưng 5 năm sau khi làm quan (1763 - 1768), Ngô Thì Sĩ đã dìu dắt được con trai là Ngô Thì Nhậm vào con đường khoa cử và thành danh ở tuổi 22, kỳ thi Hương năm Mậu Tý, nhận Hương giải giống với cha ngày xưa (danh vị dành cho người đứng đầu khoa thi Hương - PV). Sau đó được chính cha tiến cử, Ngô Thì Nhậm cũng đã bước chân vào con đường quan lộ, giúp việc chúa Trịnh.
Mặc dù làm quan nho nhỏ nhưng Ngô Thì Sĩ vẫn có tiếng tăm lừng lẫy khắp vùng xứ Đoài, xứ Thái. Và nơi xứ Đông, người con trai cũng nối nghiệp cha, vừa làm quan, vừa dạy học nổi tiếng thanh liêm và nghiêm cẩn.
Cha Đốc đồng, con Đốc trấn
Lưu danh với sử xanh Đúng 9 năm sau khi Ngô Thì Sĩ được bia đá đề danh tiến sĩ khoa Bính Tuất (1766) thì đến lượt Ngô Thì Nhậm được bia đá đề danh tiến sĩ vào năm Ất Mùi (1775). Việc hai cha con cùng nối nhau đỗ đạt đại khoa, cùng làm quan chức đại khoa một triều được ghi nhận là "lịch sử xưa nay hiếm". |
Mặc dù làm tân khoa tiến sĩ năm 29 tuổi (khoa thi Ất Mùi 1775) và được giao phó chức mọn Cấp sự trung ở bộ Hộ nhưng Ngô Thì Nhậm lấy làm hài lòng. Cũng bởi, Thì Nhậm hiểu sâu sắc sự nhọc nhằn con đường trường ốc của cha nên luôn trân trọng tất cả những gì mà mình đạt được. Nhờ nỗ lực, cố gắng không ngừng, niềm tin của vua Lê - chúa Trịnh đã giúp hai cha con họ Ngô có những thăng tiến vượt bậc. Niềm vui bất ngờ liên tục đến.
Đại sự đánh dấu vào năm Mậu Tuất (1778), đó là một sự hiếm chưa từng thấy ở triều đình: Hai cha con cùng được cử đi nhậm chức trong một ngày. Trong khi, Ngô Thì Nhậm được cử làm "Đốc đồng Kinh Bắc" thì người cha, Ngô Thì Sĩ được làm "Đốc trấn Lạng Sơn". Kinh Bắc và Lạng Sơn là hai trấn quan trọng nằm trên cùng một trục đường lớn. Trấn thủ hai địa thế quan trọng đó là hai người trong cùng một gia đình thật không gì vinh hiển bằng. Tuy nhiên, bên cạnh hai trấn mới được triều đình tin tưởng giao phó thì trước đó, Ngô Thì Sĩ đã làm "Đốc đồng trấn Thái Nguyên" và thời điểm nhận chức mới, Ngô Thì Nhậm lại được trao lại trọng trách này. Vậy coi như ba miền trọng trấn của đất nước ngày đó đã được hai cha con cùng đảm nhiệm.
Chuyện hai cha con cùng làm quan dưới một triều vua đã hiếm, nay việc thăng tiến ở những chức vị khác nhau lại càng được coi trọng. Vua Lê - chúa Trịnh dường như không chút ngạc nhiên bởi cái gens thông minh, sắc sảo, tài luận bàn và mưu kế thâm thúy, sâu sắc của người cha Ngô Thì Sĩ như có được một bản sao nguyên vẹn là con trai Ngô Thì Nhậm. Hai cha con đồng lòng, đồng sức đã nhiều lần hỗ trợ nhau làm nên chiến tích được triều đình ngợi khen, trọng thưởng. Trên chiến trường thượng du biên viễn, Ngô Thì Nhậm đã có lần cùng cha mình, trấn thủ Lạng Sơn, hội quân với triều đình đánh dẹp loạn vùng Vũ Nhai, thông suốt hai vùng trị nhậm của hai cha con.
Những năm trấn thủ Kinh Bắc và Thái Nguyên là thời gian Ngô Thì Nhậm có nhiều chiến công lừng lẫy được triều đình Lê - Trịnh hết sức khen ngợi.
Cái chết đột ngột hóa giải tình thế "tiến thoái lưỡng nan"
Không những vậy, cả hai cha con họ Ngô đều có những trăn trở sâu sắc với xã hội nhiễu loạn và đệ lên triều đình nhiều tờ trình tố cáo, chỉ rõ rằng, cuộc sống khốn khó của dân chúng nhiều nơi là do các quan tham quan liêu và thối nát trong việc cai trị. Kèm theo đó là những phương án thay đổi rất xác đáng khiến vua chúa phải kinh ngạc và bái phục.
Tuy nhiên, một sự việc ngoài mong muốn đã xảy ra khi quan trấn thủ Ngô Thì Sĩ vừa đi duyệt quân ở doanh trại Lộc Mã, vào nghỉ tại động Nhị Thanh thì đã không may bị cảm lạnh và đột ngột từ trần. Đây là mất mát rất lớn khiến Ngô Thì Nhậm nghe tin đã vô cùng đau xót và xin ngay với triều đình từ bỏ mọi công việc để về chịu tang cha, làm những việc cuối cùng cho nghĩa tận. Và, tất nhiên không thể phủ nhận cái chết của Ngô Thì Sĩ đã phần nào cứu giúp con trai mình trước một tình thế "tiến thoái lưỡng nan" nhất trong đời quan trường.
Ông Ngô Đức Diễn cho biết: "Con cháu dòng họ vẫn truyền nhau về cái chết này, rằng, đó là bởi quan trấn "sống khôn chết thiêng" nên đã ra đi đúng lúc con trai mình gặp nạn. Bởi, với cái cớ về chịu tang cha, Ngô Thì Nhậm đã vô tình thoát được cảnh ngộ vướng lưới khắp bốn bề".
Và chúng tôi xin được trở lại những sự biến đáng buồn này của cuộc đời danh sĩ Ngô Thì Nhậm trong một bài viết sau để riêng những vinh hiển của câu chuyện "cha con đồng triều" như nén hương thơm dâng người đã hết lòng vì nước, vì dân.
Thông minh tài trí hơn người Ông Ngô Đức Diễn cho biết: "Theo các cụ truyền lại, ở lễ "Quan" vào năm 18 tuổi, khi chọn chữ "Nhậm" làm tên chính thức thì vì thân thiết, yêu kính, quý trọng cha mình và mong "con hơn cha là nhà có phúc" nên chàng trai có tên cúng cơm là "Phó" đã xin phép được lấy chữ "Sĩ" của cha cho thêm một dấu phảy của tự dạng Hán ngữ trên đầu để thành chữ "Nhậm" tên mình. Điều đó mang hàm nghĩa: "Đã được cha giao "Phó" thì "nhận" (Nhậm) lĩnh để cố gắng hết sức phò vua chúa, mang lại hiển vinh cho dòng họ". |
Dương Thu