Tại chương trình Đời nghệ sĩ tập 25, danh ca Phương Dung lần đầu chia sẻ câu chuyện về thu nhập thời kỳ đỉnh cao. Nữ ca sĩ cho biết bà đạt đỉnh cao danh vọng và sự nghiệp năm 17 tuổi.
"Khoảng năm 1963, tôi được mời ký hợp đồng độc quyền với giá 1 triệu đồng/năm, thời đó vàng chỉ có giá 3.000 đồng/lượng. Số tiền tôi nhận được tương đương 333 lượng vàng (ước tính khoảng 22 tỷ đồng hiện tại). Ngoài tiền hợp đồng độc quyền, tôi được trả 10.000 đồng/bài hát (tương đương 220 triệu đồng ngày nay)", Phương Dung nói.
Khi được hỏi một cô gái mới lớn sẽ làm gì với số tiền “khủng” như vậy, nữ danh ca chia sẻ: “Tôi không cầm tiền, mẹ là người giữ tiền. Mẹ mua một căn biệt thự ở đường Phạm Văn Hai với giá 1,8 triệu hồi đó (tương đương 39 tỉ đồng ở thời điểm hiện tại). Rồi mua xe, mua đất ở Vũng Tàu”.
Nhớ về thời kỳ vàng son, Phương Dung kể, một trong những nhạc phẩm giúp tên tuổi của bà trở nên nổi tiếng và bước lên tầm cao mới là ca khúc Nỗi buồn gác trọ. Bài hát được phát hành năm 1961, sớm hơn 2 năm so với Những đồi hoa sim. Lúc đó đích thân nhạc sĩ Mạnh Phát đã đến tận nhà để tập hát cho bà. Sau khi đem bài này đi hát ở tụ điểm âm nhạc, phòng trà, sự kiện… bà rất xúc động và ngạc nhiên khi được khán giả đón nhận nồng nhiệt.
Tuy nhiên khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, năm 19 tuổi, Phương Dung quyết định dừng sự nghiệp để theo đuổi tình yêu.
"Tôi trúng tiếng sét ái tình với anh. Nếu anh không bị gia đình phản đối, chắc chúng tôi chưa cưới nhau. Tôi đi làm mang tiền về gia đình nhưng lại bị sự chống đối từ mẹ, chị và em gái. Chỉ có cha là ủng hộ tôi", bà nói.
Giọng ca Nỗi buồn gác trọ nói bà nghe lời gia đình từ công việc, chuyện tiền bạc, chỉ riêng tình yêu, bà muốn tự quyết định.
Sau khi lấy chồng, Phương Dung hạn chế xuất hiện trên sân khấu. Bà dành thời gian thu âm băng đĩa, còn lại chăm lo cho gia đình. Dù vậy, khán giả vẫn yêu mến giọng ca của Phương Dung. Bà phát hành đến 300 đĩa, thu nhập cao so với ca sĩ cùng thời. Việc thu âm cũng giúp bà giữ gìn giọng hát ở thời vàng son.
Nói về lý do không đi biểu diễn ở các sân khấu, nữ danh ca chia sẻ: “Tôi không thể đi hát hàng đêm vì rất nhiều lý do, thứ nhất là giữ gìn danh tiếng cho gia đình bên chồng, vì công việc làm ăn của chồng và quan trọng là ông xã không muốn mang tiếng với mẹ tôi là “bắt vợ đi hát kiếm tiền”. Thành ra cuối tuần rảnh rỗi thì tôi đi thu âm”.
Phương Dung sinh năm 1946. Bà được mệnh danh là một trong những giọng ca có sức ảnh hưởng nhất dòng nhạc bolero. Bà sinh ở Tiền Giang, được mệnh danh là “Nhạn trắng Gò Công” nhờ giọng ca trong trẻo, ngọt ngào.
Minh Hoa (t/h theo Zing, Lao Động, Tiền Phong)