Nghệ sĩ Tự Long được biết đến nhiều nhất với vai trò là một nghệ sĩ hài trong các chương trình truyền hình Gặp nhau cuối tuần, Gặp nhau cuối năm, Chém chuối cuối tuần và Ơn giời cậu đây rồi. Ngoài ra anh còn là một nghệ sĩ chèo của đoàn chèo Tổng cục Hậu cần thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Sinh ra trong cái nôi nghệ thuật
Tự Long tên đầy đủ là Vũ Tự Long, sinh năm 1973, anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật tại Bắc Ninh. Ngay từ thời học sinh Tự Long đã tham gia phim truyền hình để thu thập kinh nghiệm diễn xuất.
Bố và mẹ anh đều là lớp diễn viên đầu tiên của Đoàn Dân ca Quan họ Hà Bắc (nay là Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh). Hơn 40 năm trước, với lối diễn xuất sâu lắng, nội tâm, hóa thân vào nhân vật bằng cảm xúc gan ruột, nghệ sĩ Vũ Tự Lẫm (bố anh) đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng yêu điện ảnh, với nhân vật Hai Chi (người yêu của cô Nết, do Như Quỳnh đóng) trong phim truyện nhựa Đến hẹn lại lên của đạo diễn Trần Vũ.
Vì bố mẹ của Tự Long cũng là nghệ sĩ chèo nên phải nay đây, mai đó để biểu diễn. Khi chưa đầy 1 tuổi, anh đã phải cai sữa và về ở với bà nội ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Năm Tự Long 5 tuổi, bố mẹ đón anh lên trên thị xã Bắc Ninh ở cùng, những khi bố mẹ tập hoặc biểu diễn, thường phải đặt con nằm võng treo dưới gầm sân khấu. Một hôm, bố mẹ biểu diễn, Tự Long chạy xuống khu vực khán giả nhìn bố xúng xính trong bộ trang phục quần trắng, áo the, khăn xếp lại có giọng ca ngọt ngào, đằm thắm, ai đó xì xào: “Tự Lẫm đẹp trai quá, không biết đã có vợ chưa?”. Cậu bé Tự Long hóm hỉnh: “Bố cháu đấy ạ, đẹp trai nhưng chưa có vợ!”.
Cả khán phòng ồ lên tiếng cười sảng khoái khi nghe câu nói ngộ nghĩnh và hóm hỉnh, hài hước của bé Tự Long. Kể lại chuyện này, NSƯT Vũ Tự Lẫm chậm rãi: “Có lẽ tố chất hài của Tự Long đã hình thành ngay từ tuổi ấu thơ”.
Khi đến tuổi vào lớp một, bố mẹ đưa Tự Long về ở với bà nội và theo học tại quê nhà (nay là phường Trang Liệt, thị xã Từ Sơn). Suốt những năm tháng tuổi thơ, anh sống với bà nội trong căn nhà lợp mái tranh, tường vách đất và sự chở che, thương yêu, chăm sóc của bà nội, thiếu vắng tình cảm của bố mẹ so với bạn bè cùng trang lứa. Nhiều lúc, bé Tự Long cảm thấy ngậm ngùi, nhưng trong hoàn cảnh ấy đã sớm tạo nên tính cách tự lập, một tố chất nền tảng đưa Tự Long đến với những thành công trong cuộc sống và sự nghiệp như ngày nay.
Vào học cấp II (bây giờ là trung học cơ sở), anh được về thị xã Bắc Ninh sống với bố mẹ tại khu tập thể của Đoàn Dân ca Quan họ. Ngoài giờ học tập, Tự Long và một số bạn (con của NSND Thúy Cải, nghệ sĩ Xuân Trường...) thường thập thò ở sàn tập, mải mê xem các bác, các cô Đoàn Chèo tập hát, rồi cùng nhau tập diễn trích đoạn Tuần ty, đào Huế, một vở kinh điển của nghệ thuật chèo, được nhiều người khâm phục. Từ thực tế khó khăn, vất vả của nghiệp ca hát, ông bà không muốn cho con theo nghiệp này, có lần anh đã bị bố mẹ đánh đòn vì quá say mê ca hát.
Làm đủ nghề để kiếm sống
Tự Long đã theo học Trường trung cấp Xây dựng Bắc Ninh, khoa Mộc dân dụng và sau đó đi làm thợ mộc. Tự Long cũng đã từng làm lơ xe và “xắn quần móng lợn” làm phụ hồ, xách vữa tại các công trình trên thị xã; chạy xe ôm để có tiền nuôi sống bản thân và đỡ đần gia đình. Anh tự nhận mình là người thích ô tô và sẽ theo nghề lái xe nếu từ bỏ nghề diễn.
Tự Long được thừa hưởng “cái gien” nghệ thuật của gia đình bên ngoại (ông ngoại là diễn viên Đoàn Chèo Trung ương, chú là Trưởng đoàn đầu tiên Đoàn Dân ca Quan họ, hai bác là diễn viên Nhà hát Chèo Trung ương và Đoàn Văn công Việt Bắc). Thấy con trai quá đam mê ca hát, lại có chút năng khiếu hát chèo, bố mẹ anh đồng ý để anh theo học Trường Văn hóa - Nghệ thuật Hà Bắc.
Đang theo học thì ông Nguyễn Hữu Luận, lúc đó là Trưởng đoàn Chèo, sau khi xem Tự Long diễn trong trích đoạn Tuần Ty, đào Huế đã nói với bố mẹ anh: “Không cần phải học nữa, về đoàn biểu diễn luôn”. Thế là anh trở thành diễn viên vừa học vừa làm của Đoàn Chèo Hà Bắc, sau đó Tự Long nộp đơn theo học Khoa Chèo Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh.
Hai bố con khăn gói ra Hà Nội thi, Tự Long nhanh chóng vượt qua vòng sơ khảo và mấy ngày sau nhà trường thông báo anh là thí sinh có điểm cao thứ nhì trong 11 thí sinh thi vào Khoa Chèo. Bốn năm học ở trường, Tự Long đều đạt loại giỏi, được cấp học bổng. Vốn là người hiếu động, hoạt ngôn, anh sôi nổi tham gia công tác xã hội, thể thao, làm Bí thư Đoàn...
Để có tiền trang trải học tập, những năm ngồi trên ghế nhà trường, anh đã rất chịu khó, tối tối lặn lội đi hát tại các quán cà phê âm nhạc, quán sinh viên, dẫn chương trình... Đặc biệt, anh đã sớm tham gia làm phim truyền hình để có thêm kinh nghiệm diễn xuất.
Anh vẫn nhớ cảm giác ngờ nghệch lần đầu tiên được xuất hiện trước ống kính máy quay với bộ phim Trầu têm cánh phượng của đạo diễn Đinh Như Trang, vào vai một nghệ sĩ chèo phải vất vả bươn chải với cuộc sống để có thể theo đuổi niềm đam mê nghệ thuật, không ít lần anh bị đạo diễn mắng. Giờ đây, những lời nhắc nhở đó đã giúp anh vào vai ngày càng ngọt hơn.
Từ diễn viên bị đạo diễn la mắng đến nghệ sĩ được khán giả yêu mến
Ra trường, Tự Long là diễn viên Đoàn Chèo, Tổng cục Hậu cần (thuộc Bộ Quốc phòng) tận tụy, cần mẫn từ những vai cầm cờ, chạy hiệu mà đi lên.
Cơ duyên đầu tiên đưa anh đến khán giả truyền hình là lần hợp tác với ê-kíp của bộ phim Trầu têm cánh phượng do đạo diễn Đinh Như Trang sản xuất. Lần đó, Tự Long vào vai một nghệ sĩ chèo vất vả bươn chải với cuộc sống để có thể theo đuổi niềm đam mê nghệ thuật, không ít lần anh bị đạo diễn la mắng. Thế nhưng, chính những lời nhắc nhở đó đã giúp anh bước vào vai thành công hơn.
Công chúng biết và ngày càng yêu mến, khâm phục Tự Long hơn trong các vai hài trên sóng truyền hình quốc gia. Anh bắt đầu đến sân khấu hài với vai Bác sĩ hoa súng trong chương trình Gặp nhau cuối tuần trên sóng VTV năm 2000. Đây được coi là cái duyên lớn với Tự Long. Cùng với Xuân Bắc, anh nhanh chóng nhận được sự yêu mến của khán giả.
Những năm gần đây, anh đều đặn tham gia chương trình Gặp nhau cuối năm, diễn xuất của anh luôn tạo gia sự hài hước, hóm hỉnh, nhắc nhở, phê phán nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, thâm thúy. Đặc biệt hơn là, anh biết phát huy lợi thế là diễn viên chèo, thể hiện nội dung kịch bản Gặp nhau cuối năm bằng những làn điệu chèo ngọt ngào, êm ái, đem đến cho khán giả những tiếng cười hả hê, sảng khoái.
Mười bốn năm trong nghiệp diễn, anh đã tích lũy được một gia tài đáng nể với 10 Huy chương Vàng, năm 2012 được Nhà nước phong tặng NSƯT.
Năm 2013, anh được phong quân hàm Trung tá, đầu năm 2016, anh được phong tặng danh hiệu NSND. Hiện nay, Tự Long là Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội.
Cuộc sống hôn nhân
Tự Long vốn kín tiếng về đời sống riêng, được biết Tự Long đã trải qua hai cuộc hôn nhân, người vợ đầu tiên là Minh Trang. Họ đã kề vai sát cánh suốt 8 năm từ khi còn là sinh viên Trường ĐH Sân khấu điện ảnh cho đến lúc kết hôn.
Kín tiếng là vậy nhưng năm 2012, những lời đồn thổi về cuộc sống “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” của vợ chồng nghệ sĩ Tự Long bắt đầu xuất hiện sau một lần hiếm hoi anh chia sẻ đời tư với báo chí. Anh cho biết, sau những ngày tháng ở riêng khá nhiều mệt mỏi thì vợ chồng anh đã dọn về nhà ngoại ở phố Hàng Bồ để chung sống.
Nghệ sĩ Tự Long tâm sự: “Tôi đã căng ra để sống vì ngoài công việc, còn có trách nhiệm của người đàn ông với gia đình. Căng quá nên nhiều khi tưởng chừng sắp… đứt”. Nhưng rồi, theo thời gian, lịch diễn dày đặc và nhiều mối quan hệ công việc đã khiến Tự Long trở thành “khách” nhà vợ theo đúng nghĩa sau những buổi về khuya, những bữa cơm chung có mặt anh chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Vợ anh cũng đi làm từ sáng đến tối nên việc nhà, chăm con… gần như trông cậy hết vào bà ngoại. Có lần, Tự Long hé lộ, nhiều hôm đi diễn show ở tỉnh xa đến gần sáng mới về đến Hà Nội, anh đành đến Đoàn chèo ngủ luôn để đến 7h30 kịp điểm danh ở cơ quan như các cán bộ khác.
Thông tin nghệ sĩ Tự Long có “người mới” chỉ được hé lộ chút ít khi anh chia sẻ ảnh của hai người trên Facebook vào cuối năm 2014. Và có lẽ chỉ gia đình hay bạn bè, đồng nghiệp thực sự thân thiết mới biết được nguyên do đổ vỡ hạnh phúc gia đình của anh. V
Gần như giấu nhẹm chuyện riêng tư nên nghệ sĩ Tự Long gần như là của hiếm trong showbiz Việt không vướng bận bởi thị phi, ồn ào. Sau những đổi thay ngoài mong muốn của đời sống hôn nhân, anh chưa từng bị nhận “gạch đá” của “búa rìu” dư luận như những đồng nghiệp khác.
Lý giải sự kín tiếng ấy, nhiều nghệ sĩ cũng là đồng nghiệp của Tự Long cho rằng tính cách anh vốn vậy. Đằng sau vẻ ồn ào, sôi nổi là một con người sống nội tâm. Ở anh vừa mang cốt cách chân chất của chàng “thợ mộc” đất Kinh Bắc, vừa là sự cứng rắn, mạnh mẽ của một nghệ sĩ khoác áo lính.
Người vợ thứ hai của nghệ sĩ hài Tự Long tên là Trần Minh Nguyệt. Hiện cô là giảng viên Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật quân đội. Thông tin về nàng dâu mới của showbiz không nhiều, ngoài những lời khen ngợi về nhan sắc nổi bật không hề kém cạnh so với dàn sao nữ showbiz.
Như một sự thỏa thuận ngầm, Minh Nguyệt cũng chỉ bắt đầu chia sẻ những hình ảnh tình cảm với Tự Long từ giữa năm 2014. Trước khi về sống chung, cặp đôi đã có một thời gian dài tìm hiểu. Nghệ sĩ Tự Long từng tâm sự, Minh Nguyệt rất yêu nghệ thuật. Cô cũng đồng cảm và chia sẻ với anh nhiều điều trong cuộc sống.
Chia sẻ về đời sống hiện tại, nghệ sĩ Tự Long chỉ nói ngắn gọn: "Những gì đã qua không lấy lại được. Là người đàn ông càng không nên đổ lỗi, hờn trách hay tiếc nuối khi hôn nhân kết thúc. Người ta vẫn tin rằng, nỗi buồn qua đi niềm vui sẽ tới. Tôi cảm thấy vui sau những tháng ngày khó khăn trong cuộc sống đã tìm được bến đỗ cho mình".
20 năm qua, kể từ ngày ra trường, cuộc đời hoạt động nghệ thuật của NSND Tự Long là hình ảnh tiêu biểu của người nghệ sĩ lao động tận tụy, tận tâm, tận lực với nghề. Tự Long càng ngày càng trở nên vô cùng thân thuộc đối với công chúng trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài.
Tự Long hát trong đám cưới của mình.
Quốc Tiệp