Mới đây, VnExpress đưa tin, trên Vlog diễn viên hài Vân Sơn kể khi sang California (Mỹ) định cư năm 1990, anh được một đàn chị hướng dẫn theo nghề lồng tiếng. Thời gian đầu, diễn viên định bỏ cuộc vì thất bại.
Sau đó, anh gặp "bầu" Thúy Uyển, được bà khen có chất giọng hay. Bà dẫn anh đến một phòng thu chuyên lồng tiếng cho phim TVB. Tại đây, anh gặp nhiều "chất giọng vàng" từng thu cho loạt phim bộ thập niên 1980 như: Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Cô gái Đồ Long (Ỷ thiên đồ long ký)... Anh quyết định theo học khi nhìn nhóm diễn viên làm việc, bị tài năng và tâm huyết của họ chinh phục.
Năm 1991, phim đầu tiên Vân Sơn lồng tiếng là Thám tử Lôi Lạc, anh giữ vai chính của Lưu Đức Hoa. Sau đó, anh thu cho loạt diễn viên trẻ Hong Kong (Trung Quốc) đương thời như Lương Triều Vỹ, Lý Liên Kiệt, Châu Nhuận Phát, hay thế hệ sau như Lê Minh, Trương Học Hữu, Trương Vệ Kiện...
Theo Zing, người khiến Vân Sơn lồng tiếng khổ và có kỷ niệm đẹp nhất là Châu Tinh Trì.
Vân Sơn kể lần đầu anh được giám đốc của studio giao nhiệm vụ thử lồng tiếng cho một diễn viên mới. Bà cho hay: "Mấy người đã thử lồng tiếng nhưng đều không được, con thử xem hợp không. Anh này trẻ cỡ tuổi con đó".
Ban đầu, nghe Châu Tinh Trì nói, Vân Sơn cảm thấy choáng. Anh nhớ lại: "Tôi chưa từng thấy diễn viên nào nói nhiều như Châu. Anh ta nói nhiều, dài dòng, tùm lum, nói đủ thứ chuyện như một thằng điên. Không những thế, Châu còn ca hát, làm đủ trò. Đôi khi, tôi phải chửi thầm rằng mày nói cái gì. Châu nói lắt léo quá".
Và để lồng tiếng được vai diễn của Châu Tinh Trì, theo Vân Sơn, không thể áp dụng cách học thuộc kịch bản. Vì thế, anh đọc qua kịch bản, nắm ý của từng câu, sau đó mới nói theo cách hiểu của mình.
"Châu Tinh Trì nói nhiều, cài cắm nhiều thông điệp nên có khi tôi lồng tiếng đến cuối mới hiểu được đoạn đầu. Do đó, tôi phải trở lại phần đầu để sửa lại. Ngoài ra, tôi còn lấy thêm mấy câu thơ Việt Nam bỏ vào".
Lồng tiếng phim của Châu Tinh Trì với Vân Sơn cực hơn các phim khác. Tuy nhiên, khi phim ra mắt, được khán giả ủng hộ, đặc biệt yêu thích giọng lồng tiếng của mình, anh cảm thấy hạnh phúc.
Niềm vui lớn hơn với danh hài hải ngoại còn là nhận được bức thư cảm ơn từ Châu Tinh Trì. Điều này khiến Vân Sơn vô cùng bất ngờ bởi bản thân lồng tiếng cho nhiều ngôi sao châu Á nhưng chỉ nhận được thư của vua hài.
"Hãng phát hành phim Hồng Kông ở Mỹ gửi tôi bức thư cảm ơn của Châu Tinh Trì. Anh ấy viết rằng tôi đã xem các bộ phim của mình được chuyển ngữ ở nhiều quốc gia khác nhau. Trong đó, anh chuyển ngữ khiến tôi cảm giác như mình đang nói tiếng Việt vậy. Tôi cảm ơn anh đã giúp tôi gần gũi với khán giả Việt Nam", Vân Sơn kể lại.
Nam danh hài thú nhận anh đã không còn giữ bức thư và lúc đó, cũng không nghĩ họ Châu sẽ trở thành một ngôi sao điện ảnh tầm cỡ châu Á, thế giới như hiện tại. Vân Sơn cho rằng đó là hành động đặc biệt, khôn ngoan của Châu Tinh Trì.
Theo Saostar, Vân Sơn cũng tiết lộ việc anh có mức cát-sê khá cao so với đồng nghiệp. Cụ thể nghệ sĩ hài này nhận 200 USD cho một tập phim trong khi người khác chỉ 70 USD. Được biết, đến năm 1994, Vân Sơn thành lập công ty giải trí riêng, anh mới ngưng làm lồng tiếng phim.
Vân Sơn tên thật là Dương Thanh Sơn, sinh năm 1961. Thập niên 90 của thế kỷ trước, anh và Bảo Liêm là hai cây hài ăn khách ở cộng đồng người Việt tại California (Mỹ). Sau đó, anh thành lập trung tâm giải trí. Từ 2000, Vân Sơn thường xuyên về nước diễn hài, tham gia game show... Cuối năm 2015, Vân Sơn thành lập nhà hát V Show (TP HCM) có sức chứa khoảng 400 - 500 khán giả.
Video: Vân Sơn lồng tiếng trong Thánh bài 3 của Châu Tinh Trì. (Nguồn: Youtuber).
Quốc Tiệp (t/h)