9 giờ sáng nhưng nắng đã chói chang, hắt cái nóng hầm hập vào phòng xử C của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM. Trên băng ghế đầu của phòng xử, có 2 người ngồi cách xa nhau một quãng, gương mặt lạnh lùng, không ai nói với ai lời nào khiến căn phòng thêm ngột ngạt, bức bối.
Họ là cô - cháu ruột, nguyên đơn và bị đơn trong vụ tranh chấp đòi nhà và thừa kế.
Minh họa: ZARA
Tranh chấp nhà
Ðại diện cho cha mẹ và các anh chị em, anh Ð.M.C.C trình bày cha ruột của anh là ông Ð.M.T có xây dựng căn nhà ở phường 6, quận Bình Thạnh- TPHCM. Năm 1969, cha anh cho bà Ð.T.D (cô ruột của anh) ở nhờ tại phòng 2, tầng 3 trong căn nhà trên. Từ ngày cha anh xin hợp thức hóa nhà đến nay, lấy lý do nhà của ông bà để lại, bà D. luôn đòi bán nhà để chia. Căn nhà đang xuống cấp trầm trọng, cha mẹ anh làm hợp đồng tặng cho các con để tất cả góp sức sửa chữa nhưng bị bà D. cản trở.
Vì vậy, anh cùng cha mẹ và các anh chị em khởi kiện yêu cầu bà D. phải trả lại phòng và rời khỏi nhà; đồng thời bồi thường thiệt hại về thu nhập từ việc không cho thuê nhà được từ tháng 8-2007 đến khi đưa vụ án ra xét xử, mỗi tháng 10 triệu đồng, tổng cộng 53 tháng là 530 triệu đồng. Tại phiên tòa sơ thẩm, anh rút yêu cầu đòi bồi thường.
Trong khi đó, bà Ð.T.D. cho rằng đã cư ngụ trong căn nhà trên cùng cha mẹ và các anh chị em từ năm 1962 cho đến nay. Sau khi cha chết, bà vẫn ở cùng mẹ và các anh chị em. Ðến khi có yêu cầu hợp thức hóa nhà (khoảng cuối năm 1988), các anh chị em đã gọi ông Ð.M.T (lúc đó đang sống tại quận 3) về trao đổi. Ông T. nói giấy tờ nhà bị thất lạc nên tự kê khai nguồn gốc nhà rồi chia tài sản với mẹ và các anh chị em trong biên bản họp hội đồng gia tộc ngày 2-12-1988 và 19-12-1988; đồng thời yêu cầu các anh chị em tạo điều kiện để ông đứng tên hợp thức hóa căn nhà. Tuy nhiên, khi làm giấy chủ quyền, ông T. đã lừa dối anh chị em, để vợ chồng ông T. cùng đứng tên căn nhà. Vì vậy, bà D. không đồng ý yêu cầu của nguyên đơn, đề nghị chia thừa kế cho toàn bộ 8 anh chị em, yêu cầu ông T. trả lại phần lợi nhuận cho thuê nhà từ cuối năm 1992 đến tháng 8-2007.
Sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án, cấp sơ thẩm nhận định bà D. và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không chứng minh được đây là tài sản của cha mẹ để lại. Bản thỏa thuận họp hội đồng gia tộc không có giá trị pháp lý vì thiếu chữ ký của mẹ bà D. và một số người khác. Việc ông T. hợp thức hóa chủ quyền nhà không có khiếu nại nên không thể coi đây là di sản thừa kế. HÐXX chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn, buộc bà D. có trách nhiệm trả lại nhà, ghi nhận sự tự nguyện của nguyên đơn hỗ trợ cho bà D. 350 triệu đồng tiền thuê nhà để ổn định cuộc sống.
Một giọt máu đào...
Bà D. kháng cáo toàn bộ bản án. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà run run trình bày: "Căn nhà đó là của người bác ruột để lại cho cha mẹ chúng tôi. Chỉ vì quá tin tưởng ông T., chúng tôi đã ký xác nhận cho ông hợp thức hóa căn nhà với điều kiện ông phải bảo đảm quyền lợi cho chúng tôi. Ðâu có ai ngờ ông tham lam, lừa dối chúng tôi, chiếm đoạt căn nhà…".
Vị chủ tọa quay sang ông C. hòa giải: "Một giọt máu đào hơn ao nước lã. Anh nên cho cô anh ở lại, bà lớn tuổi rồi, căn nhà trước sau cũng thuộc về quyền sở hữu của gia đình anh".
Người cháu lắc đầu kiên quyết: "Dù là họ hàng cũng không bao giờ được. Gia đình chúng tôi có 5 anh chị em. Có nhà mà chị gái tôi phải đi thuê phòng trọ ở, hai em tôi phải ở nhờ nhà ngoại. Bản thân vợ chồng tôi cũng phải nương nhờ ba mẹ vợ trong căn nhà chỉ có 30 m2. Trong khi đó, căn nhà đang tranh chấp có thể ở được mười mấy người nhưng chúng tôi sợ, không dám ở. Bà D. cứ kích động, la lối om sòm, lâu lâu lại đổ nước từ trên lầu xuống. Ba tôi lớn tuổi mà bị bà ấy xô ngã mỗi khi thấy mặt. Bà D. còn ở đó thì chúng tôi không an toàn. Mong tòa xem xét, buộc bà D. rời khỏi nhà chúng tôi...".
Nghe những lời kể tội của cháu ruột, người cô cúi đầu, không một lời biện hộ hay tranh cãi. Thở dài, vị chủ tọa quay sang hỏi bà D.: "Nguyên đơn đồng ý hỗ trợ cho bà 350 triệu đồng tiền thuê nhà để ổn định cuộc sống, bà đồng ý không?". Bà D. buông gọn một từ: "Không".
Cuối cùng, HÐXX cũng phải ra phán quyết. Kháng cáo của người cô bị bác. Họ ra về, đi ngang qua nhau không một cái nhìn, nhạt nhẽo như người dưng...
Tòa án làm việc dựa trên những chứng cứ pháp lý nhưng vượt trên tất cả những chứng cứ vô tri vô giác ấy là tình cảm ruột rà không thể chối bỏ, dù người ta có muốn hay không |
Theo Kha Miên (Người lao động)