Báo Vnexpress cho biết, ngày 25/1, tại họp báo Hội chữ xuân Kỷ Hợi 2019, ông Lê Xuân Kiêu, giám đốc Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho hay năm 2018 một ông đồ ở chùa Hương (Mỹ Đức) tự ý dẫn khách, khiến các ông đồ mất đoàn kết, đánh nhau, công an phải vào cuộc xử lý. "Ông đồ vi phạm này đã bị ban tổ chức cấm tham gia hội chữ xuân vĩnh viễn", ông Kiêu nói.
Do đó, tại hội chữ xuân năm nay, ông đồ nào vi phạm quy định, ảnh hưởng đến sự an toàn của du khách và những người xung quanh thì tuỳ theo mức độ sẽ bị "treo bút" tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Theo VTC news, hội chữ xuân năm nay diễn ra ở khu vực Hồ Văn với 60 gian hàng và 60 ông đồ.
Được biết, trong năm nay, đã có 68 ông đồ tham gia thi tuyển để thẩm định trình độ. Kết quả, có 39 người đỗ, 29 người trượt.
Chủ đề cuộc thi tuyển chọn các ông đồ giới hạn nội dung trong Văn bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử giám.
Người dự thi phải giải nghĩa một đoạn trong văn bia tiến sĩ theo chủ đề có sẵn và viết thư pháp để ban giám khảo kiểm tra trình độ.
Người dự tuyển viết trước tác phẩm thư pháp rồi đem nộp, yêu cầu phải viết đẹp, viết đúng quy định.
Hội chữ xuân Kỷ Hợi 2019 khai mạc chiều 29/1 (24/12 âm lịch) và kéo dài đến 17/2 (13 tháng Giêng âm lịch).
Không biết từ bao giờ, cứ chờ đến Tết đến, xuân sang, trên khắp phố phường và khắp mọi miền quê, nhiều những ông đồ hay chữ, bày nghiên bút, giấy bản nhuộm điều, niềm nở đón người qua đường ghé xuống xin con chữ.
Theo nhà thư pháp Cung Khắc Lược, xin chữ đầu năm chính là mong muốn của người xin chữ cho cả một năm mới mang đến những điều may mắn, bình an và phúc thọ tràn đầy. Mỗi bức thư pháp khi hoàn thành bao giờ cũng có hai con người đồng cảm, đó là bộ óc, trí tuệ của người cho chữ gặp trái tim, tâm hồn người xin chữ.
Đó cũng là minh chứng về tinh thần hiếu học trọng chữ nghĩa của dân tộc Việt.
Minh Anh (tổng hợp)