22 đại diện phái đoàn ngoại giao nước ngoài đã có mặt tại buổi lễ khai trương đại sứ quán Mỹ ở Jerusalem vào cuối tuần trước, theo danh sách cuối cùng mà tờ Haaretz công bố hôm 17/5.
Trước đó, bộ Ngoại giao Mỹ cho biết có 86 nước được mời.
Ngoài bốn đại diện đến từ Liên minh châu Âu là Áo, Hungary, Rumani và Cộng hòa Séc - các đại sứ hoặc đại diện tham dự khai trương đại sứ quán của Mỹ ở Jerusalem bao gồm: Guatemala, Paraguay, Honduras, Bosnia và Herzegovina, Georgia, Macedonia, Myanmar, Angola, Cameroon, Cộng hòa Dân chủ Congo, Cộng hòa Congo, Cộng hòa Dominica, Ethiopia, Kenya, Nigeria, Rwanda, Zambia và Tanzania. Các quốc gia EU đồng minh với Mỹ đều đồng loạt tẩy chay sự kiện của Mỹ.
Đặc biệt trong số các đại diện vắng mặt có Nga, Ấn Độ và Nhật Bản – các quốc gia gần đây đã có một số bước phát triển lớn trong nâng cấp quan hệ với Israel.
Bộ Ngoại giao Palestine cho biết trong một tuyên bố rằng, lãnh đạo nước này sẽ không ủng hộ việc các quyền của người Palestine trở thành những công cụ thương lượng với chính quyền Mỹ hoặc Israel.
“Chúng tôi trân trọng mối quan hệ của chúng tôi với tất cả các nước thuộc Liên minh châu Âu. Những mối quan hệ này dựa trên một cam kết với luật pháp quốc tế, nghị quyết của LHQ và nhân quyền. Chúng tôi tin rằng việc tham dự sự kiện sẽ mâu thuẫn với những giá trị đó. Việc chuyển Đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem không chỉ là một bước đi thù địch chống lại người Palestine mà còn vi phạm luật quốc tê", Ngoại trưởng Palestine Amal Jadou cho biết.
Bất chấp sự phản đối từ Palestine và hàng loạt quốc gia trên thế giới, Mỹ đã chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv về Jerusalem, gây ra những quan ngại leo thang căng thẳng mới trong khu vực.