Theo phản ánh của báo chí, Đại lộ Thăng Long được thông xe và khai thác tạm vào tháng 10/2010. Tuy nhiên, chỉ tới tháng 4/2011, đã xuất hiện lún nứt mặt đường. Thời điểm đó, cả chủ đầu tư và đại diện tổng thầu đều cho rằng, do phải thi công trên những đoạn có nền đất yếu, dẫn tới co giãn, trồi sụt không đều giữa phần đường và phần cầu, nên đường vẫn tiếp tục lún theo quy phạm.
Ông Bùi Trung Dung
Tháng 5/2011, một lần nữa dư luận lại dấy lên lo ngại khi mặt đường hầm chui trên Đại lộ Thăng Long xuất hiện hàng chục vết nứt, có vết kéo dài cả chục mét, rộng 2-3 cm. Theo lý giải, do kết cấu bề mặt đoạn đường chạy qua hầm chui bằng bê tông nên khi bê tông co ngót sẽ tạo các vết nứt. Ngoài ra, dù đã đi vào hoạt động gần 2 năm, nhưng hệ thống đường dẫn lên cầu vượt trên đại lộ (đoạn từ xã Trung Văn sang xã Mễ Trì) cũng vẫn đang là đường tạm.
Theo ông Bùi Trung Dung, cục phó Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), nguyên nhân lún, nứt mặt đường Đại lộ Thăng Long khởi nguồn do tư vấn thiết kế, thiếu trách nhiệm giám sát. Dẫn tới khi xây dựng đại lộ, đã có rất nhiều biến chuyển về nhà cửa hai bên đường so với ban đầu, nhưng không có hướng thoát nước. “Công tác thi công và giám sát thi công cũng có phần thiếu trách nhiệm. Có thể năng lực trên danh nghĩa của nhà thầu đạt, nhưng thực tế có đạt hay không lại là vấn đề. Chúng tôi đang tập hợp hồ sơ về năng lực của các bên liên quan trong quá trình thi công như chỉ huy trưởng, tư vấn giám sát, rồi các ý kiến đánh giá, nghiệm thu, kết quả đo đạc, khảo sát hiện trường”, ông này nói.
Không chỉ riêng đại lộ nghìn tỷ, hàng loạt các công trình khác bị đưa vào “danh sách đen” công trình xuống cấp do “chạy tiến độ”: Từ Bảo tàng Hà Nội, cầu Vĩnh Tuy đến Công viên Hòa Bình, và mới đây nhất là đường Lê Văn Lương kéo dài.
Bảo tàng Hà Nội là công trình trọng điểm chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, với tổng vốn đầu tư lên tới gần 3.000 tỉ đồng. Từ đó đến nay là để giải quyết tình trạng thấm dột, bong tróc. Cầu Vĩnh Tuy với tổng vốn lên tới 5.500 tỉ đồng, được khánh thành cuối năm 2009, nhưng tới nay trên mặt cầu đã xuất hiện những khe co giãn, ụ đường nhựa nhô cao, có nơi bị lõm sâu, thậm chí khe phía nam cầu nứt rộng khiến một phần đường tách rời khỏi cầu. Công viên Hòa Bình chỉ 10 ngày sau đại lễ, hầu hết đá xẻ được lát dưới nền, các bờ tường bao quanh công viên cũng đã vỡ.
Vương Anh