Đến thời điểm này, 3 trong 10 "đại án" tham nhũng đã được đưa ra xét xử với những bản án thích đáng, chứng tỏ sự nghiêm minh của pháp luật, sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh chống tham nhũng. Ngày 14/12, trong phiên sơ thẩm TAND TP. Hà Nội xử vụ tham nhũng xảy ra tại Vinalines, đại diện Viện KSND TP. Hà Nội đã đề nghị mức án tử hình đối với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc (nguyên Chủ tịch HĐQT và nguyên Tổng Giám đốc Vinalines). Trước đó, ngày 15/11 TAND TP.HCM đã mở phiên xét xử sơ thẩm "đại án" tham nhũng tại Công ty cho thuê tài chính II (Công ty ALCII) thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. Hai án tử hình đã được Hội đồng xét xử tuyên phạt đối với Vũ Quốc Hảo, nguyên Tổng Giám đốc Công ty ALCII và Đặng Văn Hai, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn và xây dựng Quang Vinh. Hay trong "đại án" tham nhũng Vifon, mức án 30 năm tù giam cũng được tuyên phạt cho chủ mưu Nguyễn Thanh Huyền.
Trao đổi với PV, sau những phiên tòa xét xử "đại án" tham nhũng, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu IV, ĐBQH các khóa VIII, IX, X cho rằng đây là những bản án nghiêm khắc, đúng người đúng tội. Việc xử nghiêm minh vụ này có thể coi là một bước đột phá trong việc triệt tiêu tham nhũng, kiên quyết bài trừ tham nhũng theo tinh thần nghị quyết của Đảng và Nhà nước.
Theo tướng Thước, đây là "trận đánh" tham nhũng đầu tiên sau tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 nên phải “làm cho ra trò” vì "đầu có xuôi thì đuôi mới lọt". Từ những "đại án" tham nhũng, tướng Thước nhớ lại chuyện Bác Hồ đã y án tử hình nguyên Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu và đồng bọn can tội "biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến" từ những năm 1950. "Ngày ấy Bác Hồ dứt khoát nói: "Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm". Tinh thần bây giờ, chống tham nhũng cũng phải kiên quyết", tướng Thước nói.
Trong “đại án” tham nhũng tại Công ty cho thuê tài chính II (ALC II), bị cáo Vũ Quốc Hảo và Đặng Văn Hai đã bị tuyên án tử hình về tội "Tham ô tài sản".
ĐBQH Nguyễn Văn Hiến nói: "Nhiều vụ việc ngang nhiên tồn tại trong thời gian dài nhưng cơ quan chức năng một số địa phương không xử lý. Trách nhiệm thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ công chức còn yếu làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, thậm chí vì vụ lợi họ đã có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Đó là nguyên nhân chính khiến niềm tin của nhân dân vào bộ máy công quyền xuống rất thấp, gây tâm lý bức bách, xu hướng tự xử lý, tụ tập đông người gây sức ép... tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định về chính trị xã hội.
Vì thế, theo ông Nguyễn Văn Hiến, công tác đấu tranh chống tham nhũng bằng hành động cụ thể để mang lại kết quả cụ thể bằng chứng là qua việc xét xử "đại án" tham nhũng. Trước đây chúng ta coi trọng các biện pháp phòng, ngừa tham nhũng, nay chúng ta cần quyết liệt chống tham nhũng vì chống cũng là để phòng ngừa.
Điều này được ĐBQH Huỳnh Nghĩa khẳng định: "Chúng ta có đầy đủ pháp luật và bộ máy chống tham nhũng đồ sộ, gồm kiểm toán, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử; Chúng ta có Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, vấn đề tái lập Ban Nội chính Trung ương và các tỉnh thành trong cả nước... Các cơ quan này mới hoạt động trong thời gian ngắn nhưng cũng có tác dụng thúc đẩy tiến độ các vụ án tham nhũng lớn".
Xử nghiêm "đại án" tham nhũng, lấy lại lòng tin của dân
10 "đại án" tham nhũng được chỉ tên, trong đó có 3 vụ án đã được đưa ra xét xử với những bản án nghiêm minh chứa nhiều án tử. Đây là sự răn đe, cảnh tỉnh được ví như "trận đánh lớn" giáng vào "giặc nội xâm". Nếu như trước đây, người dân vẫn có tâm lý: "Mèo ăn miếng thịt chẳng tha, hổ vồ con lợn đứng mà thở than", thì nay không ít "hổ" đã bị "trảm". Tuy nhiên, vẫn còn đó những “mèo con, chuột nhắt”, trong bộ máy công quyền nhũng nhiễu hằng ngày khiến lòng dân bức xúc. Đó là trọng trách nặng nề đặt lên vai những cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng. |
Trước đây, dư luận vẫn phàn nàn về một số phiên toà xét xử án tham nhũng HĐXX thường nặng về xem xét nhân thân của bị cáo. Điều này dẫn đến tình trạng một số vụ án đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự, án treo, cải tạo không giam giữ chiếm tỷ lệ 31,2%, đó là điều không bình thường. Thực tế trong năm 2013, ngành kiểm sát đã thực hiện quyền công tố và kiểm sát, điều tra 566 vụ với 1.471 bị can thuộc nhóm tội tham nhũng, trong đó khởi tố mới 661 bị can, tăng 6,4%. Tuy nhiên, việc chỉ ra 10 "đại án" tham nhũng và trong thời gian ngắn đã đưa ra xét xử nghiêm minh đã phần nào lấy được lòng tin của nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Trao đổi với PV, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng dẫn chứng: "Việc xét xử Dương Chí Dũng và đồng bọn cũng như hai vụ "đại án" tham nhũng ở Vifon và công ty cho thuê tài chính 2 - Agribank cho thấy việc xét xử án tham nhũng ngày càng nghiêm minh hơn, tạo sức răn đe đối với nạn "giặc nội xâm" đang tàn phá đất nước".
Mới đây, khi tiếp xúc cử tri Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định việc chống tham nhũng sẽ thực hiện trên tinh thần nói ít làm nhiều, xử nghiêm, trị tận gốc. "Tôi thấy tuyên bố của Tổng Bí thư cũng là yêu cầu của Đảng, của Nhà nước, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Mong rằng những người thực thi công vụ sẽ lấy việc làm của mình để trả lời cho nhân dân thấy rõ quyết tâm phòng chống tham nhũng", ông Hùng nói.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng nhận định, từ sai phạm của Vinalines, cần xem lại công tác chống tham nhũng. "Khi phát hiện ra bất cứ một sai phạm nào đó thuộc các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước thì phải xét tới trách nhiệm của tất cả các cơ quan có liên quan. Trong công tác đề bạt và quản lý cán bộ, kiểm tra cán bộ chúng ta cần phải lắng nghe thêm từ kênh nhân dân. Phải công khai hóa những vấn đề của cán bộ có chức, có quyền. Và tạo môi trường để người dân giám sát", ông Hùng nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đặt vấn đề quy trách nhiệm người đứng đầu trong đấu tranh chống tham nhũng chứ không chỉ nói chung chung. "Cụ thể là người đứng đầu cơ quan, đơn vị địa phương thiếu trách nhiệm kiểm tra, thanh tra để xảy ra tham nhũng sẽ bị xử lý như thế nào", bà Khá nói.
“Dễ người, dễ ta thì... nguy hiểm” Ông Vũ Quốc Hùng chia sẻ: "Theo tôi, để ngăn ngừa tình trạng tham nhũng này thì trước hết những người đứng đầu ở các cấp, các ngành, đơn vị... phải hết sức liêm khiết. Ta phải ngăn ngừa từ cả hai phía, người chạy và người được chạy. Cũng giống như người đi mua và người đi bán. Anh không bán thì không ai có thể mua, có thể chạy. Bây giờ anh có tiền, mà đồng tiền của nhân dân lấy làm của riêng quá dễ, thực tế đó là đồng tiền ăn trộm ăn cắp của dân. Bên cạnh đó, cơ quan tổ chức cũng phải giám sát chặt. Chứ dễ người, dễ ta thì nguy hiểm". |
Minh Khánh - Cao Tuân