Giữ lửa cho văn hóa truyền thống
Nằm dưới chân dãy núi hùng vĩ nơi cực Nam Tây Nguyên, xã Nâm Nung (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) từng là căn cứ cách mạng kiên cường trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Vùng đất này đã ghi dấu biết bao cống hiến thầm lặng và bền bỉ của đồng bào dân tộc M’Nông.
Hiện nay, xã Nâm Nung là mái nhà chung của 14 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó người M’Nông có 469 hộ, với 1.878 nhân khẩu. Cộng đồng các dân tộc thiểu số nơi đây vẫn giữ được bản sắc văn hóa độc đáo thông qua các lễ nghi truyền thống như: cúng bến nước, cúng lúa mới, cúng sức khỏe... cùng những điệu hát dân ca, dân vũ đầy chất sử thi.

Xã Nâm Nung ngày càng "thay da, đổi thịt".
Toàn xã hiện có 2 nghệ nhân ưu tú và gần 100 nghệ nhân trong các lĩnh vực như: cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát… Đây là kho tàng văn hóa quý giá, tạo nền tảng vững chắc để phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn truyền thống.
Bà H’Djrêt (SN 1961, trú tại bon R'cập, xã Nâm Nung) là một trong những người âm thầm "giữ lửa" cho nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người M’Nông suốt nhiều năm nay. Theo bà, thổ cẩm không chỉ là sản phẩm thủ công, mà còn là món quà hồi môn ý nghĩa trong các lễ cưới, hỏi.
Ngày nay, cô dâu M’Nông khi về nhà chồng vẫn phải chuẩn bị từ 10 đến 60 sản phẩm thổ cẩm (tùy yêu cầu của gia đình nhà trai) để thay lời cảm ơn đến công lao sinh thành, nuôi dưỡng của gia đình chú rể.
Khoảng hơn 10 năm trước, nhận thấy nghề dệt đang mai một, bà H’Djrêt quyết tâm học nghề bằng cách đến từng nhà nghệ nhân trong bon để quan sát, học hỏi. Chỉ sau vài tháng, bà đã có thể bắt tay dệt và cho ra đời sản phẩm đầu tiên là một chiếc túi nhỏ xinh.

Cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn còn gìn giữ nhiều nét văn hóa truyền thống.
Trong khi đó, chị H’Nuil (SN 1997, trú tại bon Yôk Ju, xã Nâm Nung) lại chọn một cách gìn giữ văn hóa khác thông qua nghề nấu rượu cần truyền thống. Theo chị chị H’Nuil, với người M’Nông, không lễ cúng nào trọn vẹn nếu thiếu rượu cần. Rượu cần không chỉ là thức uống, mà còn là cách con người gửi lời tri ân đến thần linh.
Từ năm 15 tuổi, chị H’Nuil đã biết ủ rượu cần để dùng trong gia đình. Đến năm 2022, chị mạnh dạn đăng ký kinh doanh, tập trung ủ rượu phục vụ dịp Tết. Mỗi năm, chị bán được khoảng 25 -30 ché rượu, với giá từ 350.000–500.000 đồng/ché. Nhờ vậy, gia đình có thêm nguồn thu nhập, nhất là vào dịp Lễ, Tết.
Rượu cần nơi đây giữ được hương vị độc đáo riêng biệt vì men rượu làm từ vỏ cây rừng, thường là cây Thoong.

Nhiều nghệ nhân không ngừng phát huy giá trị của nghề dệt thổ cẩm.
Không chỉ có văn hóa, xã Nâm Nung còn sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên như: thác Leng Ôm Rver (thác con voi chết) trong khu rừng suối Đắk R’Lông, gắn liền với nhiều câu chuyện sử thi hấp dẫn. Ngoài ra, thác Đắk N’tao (hay còn gọi 7 tầng) và các hồ nước tự nhiên.
Khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có để phát triển du lịch
Phát huy lợi thế của vùng đất giàu truyền thống cách mạng và đậm đà bản sắc văn hóa, năm 2022, nhiều hộ dân tại các bon Ja Răh, Yôk Ju và R'cập (xã Nâm Nung) đã cùng nhau thành lập Tổ du lịch cộng đồng Jôk Nâm Nung nhằm góp phần bảo tồn, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Đến nay, tổ du lịch này đã thu hút 42 hộ dân tham gia, trong đó có 38 hộ là người M’Nông và 4 hộ là người Thái.
Tổ được chia thành 4 nhóm phụ trách các lĩnh vực khác nhau: nhóm homestay phụ trách hoạt động lưu trú, nhóm trải nghiệm thiên nhiên, nhóm ẩm thực và nhóm văn hóa.

Nghề ủ rượu cần giúp một số hộ dân tăng thêm thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống.
Các nhóm tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có như nhà truyền thống của bon làng và nhà dân để đón khách. Bên cạnh các món ăn theo yêu cầu của khách, người dân còn giới thiệu những món ăn mang đậm hương vị đại ngàn như: canh cà đắng, canh thụt (nấu từ đọt mây, lá bép), gà nướng than, cơm ống lồ ô, canh bột, lá mì xào, rượu cần...
Du khách đến với Nâm Nung còn được trải nghiệm các hoạt động văn hóa đặc sắc như: biểu diễn cồng chiêng, hát dân ca, xem trình diễn nghề đan lát, dệt thổ cẩm. Các thành viên trong tổ cũng chủ động sử dụng mạng xã hội để quảng bá tiềm năng du lịch, giới thiệu nét đẹp văn hóa của địa phương đến với đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.
Cùng với sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương, hoạt động du lịch cộng đồng tại vùng căn cứ cách mạng Nâm Nung đang từng bước phát triển. Trong năm 2024, Tổ du lịch cộng đồng Jôk Nâm Nung đã đón tiếp khoảng 500 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.

Du khách đến tham quan, trải nghiệm tại các điểm du lịch tại xã Nâm Nung.
Nhiều nghệ nhân trong tổ đã được các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh biết đến, mời đi biểu diễn trong các dịp lễ, Tết, với mức thù lao 350.000 đồng/ngày. Qua đó, không chỉ tạo thêm công ăn việc làm, mà còn giúp các hộ dân có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống.
Năm 2024, Tổ du lịch cộng đồng Jôk Nâm Nung đã vinh dự được Chủ tịch UBND huyện Krông Nô tặng Giấy khen vì đã có nhiều đóng góp trong công tác gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống địa phương.

Những món ăn truyền thống thu hút sự chú ý, quan tâm của nhiều người dân, du khách.

Đọt mây, lá bép là nguyên liệu trong nhiều món ăn truyền thống của người M'Nông.

Bà H’Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm Nung, chia sẻ về các hoạt động du lịch cộng đồng trên địa bàn.
Trao đổi với Người Đưa Tin, bà H’Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm Nung, cho hay, các hoạt động của Tổ du lịch cộng đồng Jôk Nâm Nung đã góp phần giúp người dân trên địa bàn, đặc biệt là người đồng bào dân tộc tại chỗ hiểu biết hơn về các giá trị truyền thống văn hóa. Từ đó, thu hút nhiều người tham gia bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Thời gian qua, chính quyền địa phương từ xã đến huyện cũng thường xuyên tập huấn, hướng dẫn cho người dân trong Tổ du lịch cộng đồng Jôk Nâm Nung các kiến thức, kỹ năng đón khách, thuyết trình, phục vụ du khách. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân cách chăm sóc du khách bị thương trong quá trình tham quan, trải nghiệm và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình phục vụ ẩm thực, giữ gìn vệ sinh môi trường tại khu vực sinh sống... Tạo điều kiện cho người dân mượn hội trường nhà cộng đồng của bon để phục vụ khách du lịch.
Để hoạt động du lịch cộng đồng trên địa bàn ngày càng phát triển, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm Nung cho rằng, cần có sự quan tâm, hỗ trợ nguồn vốn đầu tư của các cấp, các ngành trong thời gian tới để xây dựng các cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch. Đồng thời, tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ năng phục vụ khách du lịch cho các tổ, nhóm, hợp tác xã. Bên cạnh đó, người dân cần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình làm du lịch.
Khánh Ngọc