Lớp truyền dạy nhạc cụ dân tộc miễn phí
Ngày cuối tuần, các em nhỏ lại háo hức đến tham gia lớp truyền dạy nhạc cụ dân tộc miễn phí và kỹ năng sống cho đoàn viên thanh thiếu nhi do đoàn thanh niên thị trấn Thạch Giám, Huyện đoàn Tương Dương, tỉnh Nghệ An phối hợp với CLB bảo tồn và phát huy các loại hình nhạc cụ dân tộc huyện tổ chức.
Đây là năm thứ 2, đoàn thanh niên phối hợp với các nghệ nhân trên địa bàn mở lớp học. Ngay trong lễ khai giảng, đã có hơn 100 đoàn viên thanh thiếu nhi tham gia, nhận được sự ủng hộ động viên của đông đảo cán bộ, nhân dân và phụ huynh.
Tại lớp học các học viên sẽ được các nghệ nhân, nhạc công bồi dưỡng, truyền dạy những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao kỹ năng sử dụng nhạc cụ dân tộc như: Sáo ngang, khèn bè, sáo Mông, đàn tùng tinh, xập xèng…
Chị Lô Thị Lan, Bí thư Đoàn thị trấn Thạch Giám chia sẻ, việc mở lớp truyền dạy các nhạc cụ dân tộc cho thế hệ trẻ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong kế thừa, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tạo cơ hội cho thế hệ trẻ được học tập, được thỏa mãn niềm đam mê.
Thông qua lớp học nhằm tổ chức sân chơi bổ ích, lành mạnh, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo cơ sở kế cận để đưa các giá trị văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc đến với thế hệ trẻ.
Đồng thời, kịp thời phát hiện bồi dưỡng các hạt nhân văn nghệ được sáng tạo, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, từng bước đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn huyện.
Lớp học sẽ lồng ghép các nội dung tuyên truyền về phòng chống đuối nước, kỹ năng sống bao gồm kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp và ứng xử, kỹ năng sống tự lập...
Ngoài ra, lớp còn tổ chức các trò chơi dân gian, hoạt náo, để tạo điều kiện cho các đoàn viên thanh thiếu nhi có cơ hội giao lưu học hỏi; kịp thời phát hiện bồi dưỡng các hạt nhân có năng khiếu, đam mê văn hóa văn nghệ, có cơ hội được sáng tạo, trao đổi kinh nghiệm. Lớp học sẽ duy trì theo lịch 3 buổi/1 tuần cho đến hết tháng 8/2024.
Lan tỏa tình yêu âm nhạc dân tộc
Huyện miền núi rẻo cao Tương Dương có 6 dân tộc anh em sinh sống gồm: Kinh, Khơ Mú, Ơ Đu, Thổ, Mông và Thái. Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa truyền thống độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong đó phải kể đến các loại nhạc cụ dân tộc, do chính người dân sáng tạo ra trong cuộc sống lao động, sản xuất, sinh hoạt như khèn bè, sáo, pí, tùng tinh, trống, khèn lá... Các loại hình nhạc cụ tạo ra các loại âm thanh trầm bổng khác nhau, để diễn tả tư tưởng, tình cảm, đời sống sinh hoạt, văn hóa tinh thần, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước và con người.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của quá trình hội nhập khiến cho văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng bị mai một, trong đó có nhạc cụ dân tộc.
Nghệ nhân Ưu tú Lương Văn Pắn (SN 1968) ở bản Khe Ngậu, xã Xá Lượng phải vượt quãng đường hơn 10km, nhưng vẫn tuần 3 buổi đến lớp để trao truyền những nét văn hóa của dân tộc mình cho các cháu thanh, thiếu niên. “Đường đến lớp khá xa, đi lại cũng vất vả. Nhưng đến lớp, tôi thấy các cháu chăm vẫn thấy thích thú trước nhạc cụ dân tộc thì những mệt nhọc đều tan biến”, nghệ nhân nói.
Các nghệ nhân truyền dạy là những người nông dân, bảo vệ, giáo viên hay cán bộ hưu trí... Mỗi người mỗi công việc, mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ có điểm chung là yêu văn hóa truyền thống của dân tộc và tâm huyết được truyền dạy cho thế hệ trẻ những nét đẹp của văn hóa dân tộc mình.
Anh Lương Văn Huỳnh, Chủ nhiệm CLB bảo tồn và phát huy các loại hình nhạc cụ dân tộc huyện Tương Dương cho biết, thế hệ trẻ bây giờ, không mấy cháu mặn mà với nhạc cụ dân tộc. “Vì muốn giữ lại nét văn hóa độc đáo của dân tộc cho hậu thế, nên khi Huyện đoàn liên hệ để mở lớp truyền dạy thì không chỉ có tôi mà tất cả anh em trong câu lạc bộ đều nhất trí giành thời gian truyền dạy miễn phí cho các cháu trong dịp hè”, anh Huỳnh nói.