Qua gần 15 năm, câu chuyện có một không hai này mới được những người liên quan kể ra.
Cậu bé may mắn
Ngày 23.7.1997, Nguyễn Văn Nông (sinh năm1983 ở thôn Phú Long 1, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) mượn máy dò kim loại của người anh họ để sử dụng rà phế liệu tại khu vực gò Đồi gần đấy.
Trong lúc dò, Nông phát hiện có kim loại trong lòng đất nên Nông gọi cho ông Lê Chờ (gần nhà) đang có mặt tại đó để đào giúp. Khi ông Chờ đào xuống khoảng 60cm phát hiện một chiếc hũ bằng bạc đã bị vỡ, bên trong có một bức tượng hình đầu người bằng kim loại màu vàng.
Bức tượng thần Siva được anh Nguyễn Văn Nông đào được cách đây 15 năm, thuộc thế kỷ 10 tại thôn Phú Long, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc.
Sau khi lấy bức tượng lên, ông Lê Chờ đem về nhà còn Nguyễn Văn Nông chạy về báo cho cha là Nguyễn Văn Kình (sinh năm 1953) biết. Nghe vậy ông Kình chạy ra liền gặp ông Chờ đang cầm bức tượng, ông Kình bảo ông Chờ đưa lại cho mình. Sau khi lấy lại bức tượng, ông Kình đem về nhà cất giữ. Việc gia đình ông Kình đào được bức tượng quý nhanh chóng truyền đến tai các tay mua bán đồ cổ trong và ngoài tỉnh.
Theo đó, ngày 27.7.1997, Trần Linh và Nguyễn Văn Vĩnh (quê ở xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) gặp và giới thiệu Nguyễn Đăng Tiến (sinh năm 1966, còn gọi Tiến "Bạc Đầu" ở xã Điện Minh, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) đến nhà ông Kình xem và mua bức tượng. Tại đây sau khi xem kỹ, Tiến trả giá bức tượng 15 lượng vàng. Lúc này ông Kình đồng ý bán bức tượng cho Tiến nhưng bị ông Lê Chờ ngăn cản. Việc mua bán bức tượng không thành.
Qua hôm sau, Võ Bổn và Trần Quý (quê ở huyện Duy Xuyên) nghe tin gia đình ông Nguyễn Văn Kình có bức tượng cổ nên tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Anh (còn gọi là Chín "Móm") quê ở Phú Đa, xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên là bà con với ông Kình, nhờ Anh liên hệ với ông Kình mua bức tượng.
Sau đó, ngày 29.7.1997, Nguyễn Văn Anh ra Đà Nẵng tìm đến nhà Nguyễn Văn Trung (nhà đường Hoàng Diệu, TP. Đà Nẵng) và gặp Nguyễn Văn Kình. Hai người cùng xem bức tượng cổ rồi Anh nói: “Để từ từ xem giá cả thế nào hãy bán”.
Cùng thời gian này, sau thất bại lần mua đầu tiên, Nguyễn Đăng Tiến thấy một mình không kham nổi việc mua bán bức tượng nên rủ Nguyễn Đình Bằng (sinh năm 1957 quê ở phường Hải Châu 2, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) tìm đến gặp ông Kình hỏi mua. Sau khi gặp lại lần 2, do chưa thống nhất giá cả nên ông Kình hẹn Bằng và Tiến đến ngày 2.8.1997 tiếp tục bàn.
Lúc này, do cảm nhận được giá trị của bức tượng cổ, Nguyễn Đình Bằng sợ người khác “hớt tay trên” nên khi thấy Nguyễn Văn Anh đến gặp ông Kình hỏi về bức tượng, Bằng sợ Anh giới thiệu cho người khác mua nên đã cho Anh 900 USD. Với số tiền nhận được từ Bằng, Anh không tiếp tục môi giới cho Bổn và Quý mua bức tượng của ông Kình nữa. Đúng thời gian đã hẹn, Kình, Bằng, Tiến gặp nhau tại nhà Nguyễn Văn Trung.
Tại đây, hai bên thống nhất giá mua bức tượng 60 lượng vàng. Theo đó Kình hẹn Bằng và Tiến sáng hôm sau sẽ giao bức tượng. Sáng 3.8.1997, Nguyễn Văn Kình và con là Nguyễn Văn Nhân cùng Trần Quang Vĩnh (người cùng thôn) áp tải tượng cổ trên từ nhà ra Đà Nẵng để bán cho Bằng và Tiến. Khi đến Đà Nẵng, ông Kình và Trần Quang Vĩnh vào nhà Nguyễn Đăng Tiến, còn Nguyễn Văn Nhân mang bức tượng đến nhà ông Trần Sỹ Kỳ (đường Đống Đa, TP. Đà Nẵng) cất giữ.
Tại nhà của Tiến, ông Kình và Trần Quang Vĩnh không chịu bán bức tượng giá 60 lượng vàng mà đòi tăng lên 75 lượng vàng. Thấy giá mới ông Kình đưa ra cao quá nên hai bên tiếp tục thương lượng, cuối cùng hai bên thống nhất với giá 68 lượng vàng.
Để có tiền mua bức tượng, Bằng đã vay của bà Nguyễn Thị Anh (trú 56-Pasteur, TP.Đà Nẵng) 340 triệu đồng rồi cùng Tiến đưa ông Kình và Trần Quang Vĩnh đến hiệu vàng Kim Mai (199 Hùng Vương, TP. Đà Nẵng) mua vàng. Theo đó, Bằng giao cho ông Kình 68 lượng vàng và cho thêm Vĩnh 3 lượng.
Nhận vàng xong, Kình đưa Bằng và Tiến đến nhà Kỳ gặp Nguyễn Văn Nhân đang giữ bức tượng. Tại đây được sự chấp thuận của ông Kình, Nhân đã trao bức tượng cho Bằng cất giữ.
Địa điểm mà anh Nguyễn Văn Nông đào được bức tượng thần Siva.
“Định giá” bức tượng thần Siva hơn 160 lượng
Hai ngày sau khi mua bức tượng, Bằng gọi điện báo cho Đào Danh Đức (1953, trú 18 - Lê Công Kiều, quận 1, TP.HCM) biết và bảo Đức ra xem mua lại. Khi hay tin có tượng cổ quý hiếm, ngay sáng hôm sau Đức ra Đà Nẵng và đến nhà Bằng (56/1-Trần Bình Trọng) gặp Bằng và Tiến. Bằng đưa cho Đức xem bức tượng, thấy Đức muốn mua nên Bằng ra giá 1,1 tỷ đồng (tương đương 220 lượng vàng lúc bấy giờ).
Nghe Bằng hô giá quá cao, Đức nói giá dưới 1 tỷ đồng mới nói chuyện mua bán được, rồi quay lại Sài Gòn. Hai ngày sau Bằng và Tiến mang bức tượng vào Sài Gòn, gọi điện cho Đức để bán.
Tại đây, Đức trả giá 830 triệu đồng, Bằng và Tiến đồng ý. Ngoài ra Đức còn cho riêng Bằng 2 lượng vàng. Tuy nhiên sau khi mua xong, Đức thấy giá đó quá đắt nên gọi điện xin lại Bằng 30 triệu đồng, nhưng Bằng chỉ cho lại 4 lượng (khoảng 20 triệu đồng). Như vậy số tiền Bằng bán bức tượng cho Đức là 810 triệu đồng (tương đương hơn 160 lượng vàng lúc bấy giờ).
Sau vụ mua bán trên, gia đình ông Kình bỗng dưng có trong tay hàng chục lượng vàng, chỉ trong vài ngày đã trở thành người giàu. Nhưng sự vui mừng chưa được bao lâu thì tai họa ập đến. Vụ việc mua bán hàng cấm bị cơ quan chức năng phát hiện. Số vàng trên nhanh chóng bị lực lượng công an thu hồi. Bản thân những người liên đới phải lâm vào lao lý. Sự việc đến bây giờ với gia đình ông vẫn nghĩ như một cơn ác mộng.
Sau khi Đào Danh Đức mua bức tượng cổ mang về Sài Gòn, tin dư luận dần dần lan truyền đến cơ quan chức năng. Hai tháng sau sự việc xảy ra, ông Nguyễn Văn Kình bị cơ quan điều tra mời lên làm việc.
Qua làm việc, ông Kình thành thật khai báo về sự việc trên. Theo đó, ông Kình đã chỉ nơi giấu vàng để lực lượng công an về truy thu. Được biết với số vàng quá nhiều nên ông Kình phải tìm chỗ cất giấu. Ban đầu ông đem về cất dưới mái tranh nhà nhưng thấy không ổn nên đem giấu trong cây rơm. Thấy cũng không yên tâm nên vợ chồng ông đào hố đem chôn sau vườn.
Hàng chục lượng vàng bị thu hồi, bản thân ông bị giam giữ. Vì lúc này bức tượng chưa được tìm ra nên cơ quan điều tra không thể thả ông về nhà. Sau một tháng 3 ngày bị giam tại Trại tạm giam Hòa Sơn, khi lực lượng chức năng tìm và thu hồi được bức tượng, ông Nguyễn Văn Kình mới được thả.
Qua giám định của ngành chức năng, đây là bức tượng thần Siva, niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 10, là một tác phẩm rất có giá trị về lịch sử văn hóa Chămpa và có giá trị kinh tế lớn nên nghiêm cấm mua bán, chiếm giữ trái phép.
Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố vụ án, lần lượt khởi tố, bắt giam các bị can Nguyễn Đình Bằng, Nguyễn Đăng Tiến, Đào Danh Đức về tội “Buôn bán hàng cấm”, Nguyễn Văn Kình tội “Chiếm giữ trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa và buôn bán hàng cấm”.
Do khi bị bắt Nguyễn Văn Kình đã thành khẩn khai báo, ngoài ra ý thức chủ quan của Nguyễn Văn Kình trong việc này còn rất hạn chế nên sau khi bị bắt giam 1 tháng 3 ngày, ông Kình đã được trả tự do. Các bị cáo còn lại bị xét xử từ 3 đến 5 năm tù về tội danh trên.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Kình cuộc sống đời thường hiện nay.
Sinh bệnh vì thần Siva?
Sau 15 năm sự việc xảy ra, một ngày cuối tháng 5, chúng tôi tìm về lại ngôi làng tiếng tăm một thời. Khi chúng tôi đến nhà, ông Nguyễn Văn Kình đang ngồi nhặt những quả bông vải. Người này mắt đã mờ do bệnh tật, sau khi nghe chúng tôi giới thiệu và nói lý do tìm đến nhà, ông Kình thở dài: “Năm xưa nếu biết đó là bảo vật quốc gia thì tôi đã đem nộp cho Nhà nước để được thưởng phần trăm rồi. Lúc đào được tôi đem về nhà, cả làng kéo đến xem chứ tôi đâu giấu diếm gì. Trên huyện họ cũng biết. Lúc đó có ai nói đến việc đem giao nộp cho Nhà nước đâu”.
Rồi ông Kình kể về cái ngày định mệnh: "Hôm đó vợ chồng tôi đi đám cưới đứa cháu, do nhà nó có chiếc máy rà phế liệu để không, thấy vậy, thằng Nông mượn đem ra khu vực gò trước nhà để rà cho vui. Cũng thời điểm đó xã đang san ủi gò để phân lô cấp đất cho dân. Lớp đất trên được gạt đi, thằng Nông đem máy đến rà thì đào trúng bức tượng".
“Cứ nghĩ đó là lộc nhưng lại là tai họa. Tôi bị bắt giam, số vàng bán được giao nộp lại cho Nhà nước hết 62 lượng, 6 lượng còn lại khi mới bán tôi đem về tổ chức tiệc tùng rồi cho bà con hàng xóm mượn. Ra tù tôi phát bệnh, bao nhiêu trâu, bò tài sản trong nhà đều bán hết để chữa bệnh nhưng không khỏi”, ông Kình than thở.
Trò chuyện với chúng tôi một lúc, bà Trần Thị Liên (vợ ông Kình) đi làm đồng về. Bà Liên không tiếc nuối về số vàng bị thu hồi, vì bà cho rằng đó không phải mồ hôi, công sức mình bỏ ra nên không tiếc. “Chỉ tiếc lúc đó vợ chồng tôi không biết việc đem đi bán là phạm pháp. Vì chuyện trên mà ông nhà sa sút hẳn. Từ lao động trụ cột trong gia đình trở thành người bệnh tật. Sau chuyến đó ổng bị bệnh tim, giờ chân tay phù đen hết, ngày nào cũng phải uống thuốc”, bà Liên ngậm ngùi.
Hiện vợ chồng ông Kình sống dựa vào những sào ruộng bông. Gia đình thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Còn Nguyễn Văn Nông - cậu bé “may mắn” ngày xưa giờ đã có vợ con, sống cuộc đời công nhân bình dị. “Sợ ba mẹ tiếc của sinh bệnh, nên sau khi ba được thả ra, tôi đã khuyên ba mẹ đừng vì thế mà đau lòng. Bản thân con đào được con không tiếc thôi chứ ba mẹ tiếc làm gì”, Nông tâm sự.
Hiện tại, bức tượng thần Siva đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Quảng Nam. Đây là một trong những tác phẩm hiếm hoi được biết đến trong nghệ thuật Chăm. Trong Ấn Độ giáo, ba vị thần chính gồm Siva - vị thần Hủy diệt và tái tạo, Siva còn được xem là Đấng Toàn năng (Isvara); Brahma - vị thần Sáng tạo, Vishnu - thần Bảo tồn.
Người Chăm tôn Siva làm vị thần tối cao, họ thường thờ cả ba vị thần dưới hình thức một trụ Linga - biểu tượng cho năng lực sáng tạo... Vụ việc gây xôn xao dư luận một thời đến nay vẫn còn nhiều người nhắc đến. Và nếu như người dân hiểu biết pháp luật hơn, không vì lợi ích trước mắt thì không có những hệ quả đau lòng dai dẳng.'
Theo Tri thức thời đại