Liên quan đến dự thảo luật Thuế tài sản mà bộ Tài chính vừa đề xuất, một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất là nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên bị đánh thuế mức 0,4%.
Theo bộ Tài chính, thuế tài sản là một sắc thuế phổ biến từ lâu trên thế giới. Hiện nay có 174/193 nước đã áp dụng sắc thuế thu đối với tài sản với các tên gọi khác nhau như: Thuế tài sản (65 nước như Hồng Kông, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Serbia, Slovenia, Canada, Puerto Rico, Pháp, Hoa Kỳ, Thụy Sỹ…); Thuế bất động sản (51 nước); Thuế đất (30 nước), thuế sử dụng đất; thuế nhà, đất…
Bởi thế, luật Thuế tài sản đã được bộ Tài chính xây dựng trong lộ trình tổng thể cải cách hệ thống thuế đến năm 2020, sau khi đảm bảo không có chuyện “thuế chồng thuế” với các loại thuế khác.
Về mặt chủ trương, tôi ủng hộ quan điểm cho rằng đây là sắc thuế quan trọng cho công bằng và phát triển. Vì những lý do sau:
Thứ nhất, thuế Tài sản nếu thực hiện đúng thì dòng vốn cho nền kinh tế sẽ được phân bổ đều hơn, theo hướng tập trung cho phát triển sản xuất kinh doanh nhiều hơn, tạo giá trị, giúp các ngành nghề khác phát triển tập trung hơn.
Chúng ta đều biết trong những năm gần đây tình trạng giá nhà đất tăng tại khắp mọi địa phương, sốt nhất hiện nay có lẽ là Phú Quốc (Kiên Giang), đến nỗi mà có trường hợp mua miếng đất ban đầu 180 triệu sau một thời gian bán được 18 tỷ đồng. Điều gì đang xảy ra và hậu quả như thế nào?
Nếu chỉ nhìn bề nổi, chúng ta sẽ thấy người dân có vẻ được lợi vì bán nhà đất giá cao. Nhưng ở những nơi sốt đất liên tục sẽ dẫn đến nạn đầu cơ, và nguồn vốn không đổ vào sản xuất kinh doanh, mà đổ vào bất động sản. Sản xuất sẽ kém phát triển, chúng ta ngồi trên đống tài sản kếch sù mà giá trị tạo ra hạn chế.
Việt Nam cũng bị quốc tế nhìn nhận tuy có nhiều tỷ phú, nhưng trong số họ không nhiều người tự thân đi lên từ sản xuất và làm giàu chỉ bằng sản xuất. Trái lại khi sản xuất tạo ra được một dòng tiền thì đa số quay sang bất động sản để làm giàu nhanh chóng, kết quả là sản xuất không được đầu tư đến cùng. Và khi bất động sản có cơn địa chấn, nhiều tỷ phú sẽ phá sản vì sản xuất khi đó không đủ nguồn lực chống đỡ.
Nếu thuế tài sản đánh vào đúng đối tượng thì sẽ hạn chế được nạn đầu cơ nhà đất, là công cụ hữu ích để kìm cương các cơn sốt nhà đất. Khi đó bất động sản sẽ về lại giá trị thực, xóa bỏ câu chuyện người có nhà đất lớn là nhóm cầm trịch nền kinh tế. Đồng thời tiền sẽ được lưu thông vào sản xuất nhiều hơn, tạo ra nhiều giá trị và việc làm hơn.
Thứ hai, thuế Tài sản nếu thực hiện đúng thì người dân có nhiều cơ hội được sở hữu nhà ở hơn. Như hiện nay, khi đất đai bị đầu cơ, thâu tóm, đẩy giá lên cao, nhóm người có thu nhập thấp trong xã hội sẽ rất khó khăn để kiếm đủ tiền mua nhà. Nếu bất động sản được đánh giá bằng giá trị thực thì số người có nhà ở trong xã hội (không phải nhà để kinh doanh) sẽ tăng lên.
Thứ ba, khi thuế Tài sản được áp dụng đúng, ngân sách sẽ có một khoản tiền quay lại đầu tư cho hạ tầng đất đai, đầu tư vào nhà ở xã hội, người dân sẽ được hưởng an sinh xã hội tốt hơn.
Vấn đề còn lại chỉ là: thuế Tài sản như thế nào là đúng? Rất khó để xác định ngay mức giá trị nhà bao nhiêu tiền thì phải đóng thuế, thuế suất mức bao nhiêu mà cần phải có nghiên cứu, phân tích thận trọng.
Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, bộ Tài chính cần xác định lại hai yếu tố sau đây trong luật Thuế tài sản:
Một là, nếu xác định xây dựng thuế Tài sản chỉ để tăng thu cho ngân sách thì đúng là nên đánh thuế cho căn nhà thứ nhất và là nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên như dự thảo hiện nay. Bởi đánh thuế như vậy thì rất ít người có nhà ở “thoát” được sắc thuế này, và số tiền thu về sẽ lớn. Nhưng hậu quả là gây mất ổn định xã hội, trở thành gánh nặng cho người dân có thu nhập thấp. Trong khi tích cóp cả đời mua được căn nhà nhỏ để ở thì họ lại phải è cổ đóng thuế, mặc dù thu nhập vượt quá mức 9 triệu đồng đã phải nộp thuế thu nhập cá nhân cho Nhà nước.
Hai là, nếu xác định xây dựng thuế Tài sản để tăng thu ngân sách đồng thời chống đầu cơ bất động sản, điều hòa dòng vốn cho đầu tư phát triển, thì bộ Tài chính nên cân nhắc sửa đổi dự thảo. Chỉ nên thu thuế đối với căn nhà thứ hai trở lên, đặc biệt nhà đất được sử dụng để kinh doanh sinh lời. Và mức giá trị nhà phải nộp thuế nên cân nhắc để không ảnh hưởng đến nhu cầu có nhà ở tối thiểu của người dân. Chắc chắn không phải mức 700 triệu đồng.
Đành rằng mỗi sắc thuế khi chuẩn bị ban hành đều sẽ vấp phải phản ứng của dư luận, song trong điều kiện thu nhập của người dân còn thấp, điều kiện cư trú còn thiếu thốn thì mọi quyết định thu tiền của dân càng cần được xem xét cẩn trọng và đặt yếu tố người dân lên trên nhiệm vụ thu ngân sách hay nhiệm vụ phát triển hệ thống thuế để “theo kịp thông lệ quốc tế”.
Minh Đức
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả