Theo thông tin từ báo Thanh Niên, tổng cục Thuế vừa có công văn chỉ đạo yêu cầu các cục Thuế siết quản lý thuế đối với những hộ kinh doanh có địa điểm kinh doanh cố định nhưng chưa đưa vào diện quản lý thuế.
Được biết những cá nhân hoạt động không thường xuyên như: Xe ôm, xe lam, chủ thầu xây dựng vãng lai, kinh doanh quán cóc, vỉa hè, hộ kinh doanh tại các điểm tự phát - không chính thức được phép hoạt động (chợ tạm, chợ cóc, xóm làng, thôn, bản...).
Theo Vietnamplus, năm 2017, kết quả của cuộc tổng điều tra thống kê của tổng cục Thống kê cho biết cả nước có đến hơn 4,3 triệu hộ kinh doanh, trong đó có khoảng 2 triệu người kinh doanh không thường xuyên, gồm những người hoạt động tự do như xe ôm, xây dựng tư nhân, quán vỉa hè, chợ cóc,… Số hộ kinh doanh có địa điểm kinh doanh cố định nhưng chưa đưa vào diện quản lý thuế lên tới 581.700 hộ.
Trước tình trạng này, tại dự thảo quản lý thuế sửa đổi, tổng cục Thuế, bộ Tài chính đã đề xuất hộ kinh doanh nhỏ áp dụng thuế khoán trong khi hộ kinh doanh có quy mô lớn sẽ nộp thuế theo phương pháp kê khai giống với các doanh nghiệp hiện nay.
Theo Vietnammoi, bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng việc xác định đúng doanh thu của các hộ khoán là một vấn đề nan giải bởi tồn tại nhiều hộ kinh doanh được khoán số thuế thấp hơn so với doanh thu và không phản ánh đúng doanh thu của các hộ khoán này.
Do vậy, để quản lý được mức thuế của hộ kinh doanh thì cần phải gắn mã code cho các máy bán hàng, hóa đơn của các hộ kinh doanh, mỗi đơn hàng bán ra đều phải có mã code.
Theo ông Nguyễn Thái Sơn - nguyên Trưởng phòng phòng Thuế thu nhập cá nhân, cục Thuế TP.HCM, việc rà soát hơn 2 triệu người hoạt động tự do như xe ôm, xây dựng tư nhân, quán vỉa hè, chợ cóc... để đưa vào diện chịu thuế là do cơ quan thuế chịu áp lực lớn trước dư luận về việc bỏ sót đối tượng thất thu thuế. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thái Sơn kỳ vọng chỉ đạo này là rà soát lại chứ không nên thực hiện thu thuế đối với những người lao động như chạy xe ôm, bán hàng ở các vỉa hè. Bởi những trường hợp lao động như vậy thường có thu nhập không ổn định nên việc thu thuế khá nhạy cảm.
Hơn nữa, việc quản lý và thu thuế là khó khả thi bởi các giao dịch này thanh toán bằng tiền mặt nên không thể kiểm soát được doanh thu để tính thuế.
Đặt câu hỏi với báo Thanh Niên, ông Nguyễn Thái Sơn thắc mắc: Quy định hiện nay các hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm sẽ không chịu thuế nên liệu rằng việc thu thuế có khả thi hay chỉ tốn kém chi phí quản lý.
Đối với cá nhân kinh doanh có mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên sẽ nộp các loại thuế, phí như lệ phí môn bài, thuế GTGT, thuế TNCN, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế tài nguyên (nếu có), thuế bảo vệ môi trường (nếu có), phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản (nếu có).
Lệ phí môn bài được tính dựa trên doanh thu hằng năm như sau: Doanh thu dưới 100 triệu/năm không phải đóng phí, lệ phí môn bài dao động từ 300.000 đồng đến 1.000.000 đồng phụ thuộc vào doanh thu từ 100 - 300 triệu đồng/năm đến trên 500 triệu đồng.
Dựa trên mức doanh thu mà các hộ, cá nhân khai hằng năm, chi cục Thuế phối hợp với Hội đồng tư vấn Thuế xã, phường duyệt mức doanh thu khoán ổn định, sau đó công khai thực hiện.
Tỷ lệ khoán thuế sẽ tính theo tỷ lệ, cụ thể đối với hộ cá nhân kinh doanh thực hiện phân phối, cung cấp hàng hóa, tỷ lệ thuế GTGT là 1%, thuế TNCN là 0,5%; dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu thì tỷ lệ thuế GTGT là 5%, tỷ lệ thuế TNCN là 2%; sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu thì tỷ lệ thuế GTGT là 3%; tỷ lệ thuế TNCN là 1,5%; hoạt động kinh doanh khác tỷ lệ thuế GTGT là 2%, tỷ lệ thuế TNCN là 1%.
Việc các cá nhân kinh doanh đạt ngưỡng 100 triệu đồng/năm trở lên phải nộp thuế đã từng gặp phản ứng lớn từ nhiều chuyên gia cũng như người lao động.
Chuyên gia thuế Chung Thành Tiến nhấn mạnh với báo Người Lao Động rằng: Thu thuế phải bảo đảm công bằng, nhân văn. Rất nhiều hộ kinh doanh tại các chợ đầu mối lớn sẽ chỉ phải nộp một khoản thuế khoán rất nhỏ trong khi doanh thu thật lại cực lớn. Còn người bán vài món hàng nhỏ ở chợ huyện, chợ xã lại có nguy cơ bị đánh thuế. Chỉ cần quản lý thuế ở chợ đầu mối được thì sẽ chống thất thu rất lớn, chưa cần sờ đến người buôn bán nhỏ.
Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh chia sẻ: Ngành thuế cũng không thể đôi co với người chạy xe ôm, người bán hàng khi họ nói có ngày chạy xe, có ngày nghỉ hoặc có ngày bán hàng, có ngày không. Họ cũng hoàn toàn có thể thay đổi địa bàn kinh doanh, buôn bán để tránh cơ quan thuế. Muốn quản lý, phải dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, hạ tầng hiện đại. Có thể có một biện pháp là bắt buộc những người bán hàng, kinh doanh, lao động tự do phải có mã số thuế và gắn chip quản lý nhưng lại phải nghĩ đến chi phí phát sinh cho việc này.
Theo những tính toán, với ngưỡng này, hầu hết những người bán phở, hủ tiếu, bánh mì, bánh canh thậm chí những người lái xe ôm tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh, thành trên cả nước đều thuộc diện đóng thuế?
Bởi chỉ cần bán khoảng chục tô, giá hiện hành khoảng 40.000 đồng/tô hay chở xe ôm 30.000 đồng/khách thì thu nhập cũng đã vượt ngưỡng 100 triệu/năm, rơi vào diện phải đóng thuế.
Minh Anh (tổng hợp)