Sáng 21/3, ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTV QH) cho ý kiến vào luật Thủy sản (sửa đổi). Đa số ý kiến nhất trí cao với tờ trình của Chính phủ và báo cáo Thẩm tra sơ bộ dự án luật Thủy sản (sửa đổi) của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Tuy nhiên, còn một số ý kiến đóng góp khác nhau trong dự thảo Luật (sửa đổi).
Thượng tướng Phạm Ngọc Minh, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam tham dự phiên họp với tư cách khách mời đã có những trăn trở về nguồn lợi thủy sản đang ngày càng cạn kiệt.
“Hiện nay, tình trạng suy giảm thủy sản rất nghiêm trọng. Tôi đã có hơn 30 năm đi biển, hầu hết tất cả các vùng biển tôi đều đã đi, có những thời gian vài tháng ở trên biển. Tôi thấy rằng, trong khoảng 10 năm trở lại đây, việc đánh bắt là tận diệt, bao gồm đủ các loại: Kích điện, thuốc nổ, hóa chất...
Trước kia chúng tôi một ngày đi biển tôm cá rất nhiều. Nhưng bây giờ, tất cả các vùng biển từ Bạch Long Vỹ, Trường Sa cho đến Phú Quốc... , lượng tôm cá không còn bao nhiêu.
Chính vì vậy, ngư dân đi đánh bắt ở nước ngoài rất nhiều, trong 3 tháng đầu năm nay, có hàng chục tàu của ta bị nước ngoài bắt giữ. Vì vậy, Luật cần có những điều quy định cụ thể về quản lý Nhà nước, khu vực nào được đánh bắt, mùa nào được đánh bắt, khu vực nào được bảo tồn... Cần phải cấp hạn ngạch đánh bắt, tránh tình trạng đánh bao nhiêu cũng được”, Thượng tướng Phạm Ngọc Minh nói.
Vị Thượng tướng dẫn ra một số vụ việc, tàu cá bị tai nạn với nhiều nguyên nhân như: Chìm tàu, mất điều khiển, đâm nhau, tai nạn giao thông... “Chúng tôi thường xuyên phải xử lý những vụ việc như vậy. Tôi đề nghị, trong nội dung kiểm định chất lượng các tàu cá đang hoạt động của Luật cần thắt chặt hơn nữa”, Thượng tướng Phạm Ngọc Minh đề nghị.
“Tôi cũng thấy rằng, lực lượng kiểm ngư cần tăng cường kiểm tra ở các địa phương, ven biển và nội địa, nhất là địa phương. Việc kích điện ven sông, biển rất nhiều, có khi bắt được 1, 2 con nhưng cơ bản là chết. Ở trên biển, đánh thuốc nổ chết vài chục tấn nhưng có khi chỉ lấy được vài tấn”, Thượng tướng Phạm Ngọc Minh lưu ý đến việc đánh bắt không được kiểm soát chặt chẽ.
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đưa ý kiến về việc đánh bắt xa bờ, nhấn mạnh việc chưa có đội đánh bắt xa bờ chuyên nghiệp. “Đã đến lúc nghĩ đến công nghiệp đánh cá xa bờ, không chỉ là đánh cá mà còn là vấn đề bảo vệ an ninh trên biển”, ông Bình nói.
Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị quan tâm đến nguồn nhân lực xem đã đầy đủ và toàn diện chưa. “Vấn đề sức khỏe, an toàn của người tham gia trong Luật cần được làm rõ hơn”.
Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, vấn đề an toàn thực phẩm đang bức xúc. Đưa chất cấm vào trong nuôi trồng thủy sản là nguy hiểm, cần quy định cụ thể để xử lý nghiêm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng tình với Phó Tổng tham mưu trưởng Phạm Ngọc Minh về việc tài nguyên thủy sản đang cạn kiệt và cho rằng, cần làm rõ các hành vi cấm khai thác.
“Với hành vi cố ý đưa tạp chất vào thủy sản cần xử lý nghiêm. Nhưng nếu đưa hóa chất độc hại thì có nằm trong tạp chất không? Các nguyên liệu chế phẩm khác ảnh hưởng đến nguyên liệu, hoặc thuốc bảo vệ thực vật cũng phải đưa vào”, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Ông cũng cho rằng, điều cấm về chủ thể quản lý trong Luật sửa đổi chưa có gì. “Tôi nghĩ cần ghi rõ các điều cấm cả phía quản lý chứ không chỉ phía người khai thác sử dụng”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh.
Dương Thu