Theo báo cáo của tạp chí Lancet HIV hôm 10/3, “bệnh nhân London” - cách đây 1 năm các bác sĩ tuyên bố không còn HIV - hiện đã không nhiễm HIV trong 30 tháng mà không cần dùng thuốc kháng virus.
"Bệnh nhân London" đã quyết định tiết lộ danh tính của mình vào hôm 9/3. Ông là Adam Castillejo, 40 tuổi, được chẩn đoán nhiễm HIV vào năm 2003, theo tờ New York Times.
Năm ngoái, các nhà nghiên cứu đã báo cáo rằng Castillejo đã trải qua một ca cấy ghép tế bào gốc để điều trị ung thư hạch và người hiến tặng của bệnh nhân này mang một đột biến được gọi là CCR5-delta 32, kháng HIV. Các nhà nghiên cứu cho biết, khi điều trị ung thư hạch, Castillejo, hiện 40 tuổi, đã được chữa khỏi HIV. Như vậy, Adam Castillejo khỏi bệnh không phải nhờ các loại thuốc kháng virus mà bằng liệu pháp ghép tế bào gốc vốn dùng để điều trị bệnh ung thư.
Bệnh nhân đầu tiên được chữa khỏi HIV - Timothy Brown, còn được gọi là " bệnh nhân Berlin " - đã được ghép tủy xương tương tự vào năm 2007 và đã không nhiễm HIV trong hơn một thập kỷ.
Trong trường hợp của cả Castillejo và Brown, các tế bào gốc được sử dụng cho cấy ghép của họ đến từ một người hiến tặng có đột biến gen tương đối hiếm gặp có khả năng kháng HIV .
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng cấy ghép tủy xương như vậy sẽ không hoạt động như một liệu pháp tiêu chuẩn cho tất cả bệnh nhân nhiễm HIV. Cấy ghép như vậy là rủi ro, và cả Castillejo và Brown đều cần cấy ghép để điều trị ung thư, thay vì HIV.
Trong báo cáo mới, các bác sĩ không tìm thấy nhiễm virus hoạt động trong cơ thể của Castillejo. Tuy nhiên, họ đã tìm thấy "tàn dư" DNA của HIV trong một số tế bào. Nhưng các tác giả cho biết những dấu vết DNA này có thể được coi là "hóa thạch", vì chúng không có khả năng cho phép virus nhân lên. Những tàn dư như vậy cũng được tìm thấy trong trường hợp của Brown.
Phong Linh (theo Livescience)